Ảnh Mai Phương Thúy dâm hay nghệ thuật là do...hội đồng quyết!

(Phunutoday) - "Cảm xúc của tôi khi xem bộ ảnh này là vô thưởng vô phạt, nó cũng không có gì là gợi dục. Về mặt nghệ thuật bộ ảnh này cũng khá hơn bộ ảnh chụp Mai Hải Anh và Ngọc Quyên với chủ đề bảo vệ môi trường. Nhưng nói rằng đấy là một bộ ảnh nghệ thuật xuất sắc thì tôi thấy chưa đến. Tức là mới "sạch nước cản" thôi"... - Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết.

Chịu nhiều điều tiếng vì không phân biệt được ranh giới nghệ thuật - phi nghệ thuật, bộ ảnh khoe nét xuân thì của Mai Phương Thúy trong suốt hơn 2 tuần qua vẫn là đề tài chỉ trích của dư luận. "Việc có hay không quyết định tước danh hiệu của Hoa hậu Mai Phương Thúy, Bộ sẽ giao cho một cơ quan chuyên môn thẩm định, xem xét tất cả các điều kiện và sau đó mới có kết luận cuối cùng".

Chia sẻ với Phunutoday, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hy vọng dự thảo Thông tư về quản lý Nhiếp ảnh sẽ nhanh đi vào thực tế, góp phần điều chỉnh, can thiệp đúng mức, hợp lý để đánh thức người cầm máy, đánh thức người sáng tạo ngay từ đầu, tránh những hậu quả không đáng có.

Không phải cứ nghệ thuật là hở lộ, là cởi!

PV: - Bộ ảnh Mai Phương Thúy trong trang phục áo dài trong suốt, mỏng tang với tư thế được cho là phản cảm đang là tâm điểm chỉ trích của dư luận. Bản thân ông có thấy điều đó là oan ức cho Hoa hậu Việt Nam 2006?

Cục trưởng Vi Kiến Thành: - Cảm xúc của tôi khi xem bộ ảnh này là vô thưởng vô phạt. Về mặt nghệ thuật bộ ảnh này cũng khá hơn bộ ảnh chụp Mai Hải Anh, hay bộ ảnh Ngọc Quyên với chủ đề bảo vệ môi trường.

Theo tôi, bộ ảnh có hai điều không hay.

Thứ nhất, cô ấy là một Hoa hậu, là một người nổi tiếng trong giới trẻ Việt Nam. Khi một người đã có danh hiệu, đã có một vị trí trong lòng công chúng như vậy thì phải hết sức thận trọng trong cách ứng xử. Và việc ứng xử với áo dài như thế tôi cho là không hay!

Cái gốc của áo dài truyền thống Việt Nam thể hiện sự dịu dàng, kín đáo, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Tất nhiên sau này nhiều phụ nữ Việt Nam chọn cho mình chất liệu vải rất mỏng để may áo dài cho nên nhiều vị khách nước ngoài vào Việt Nam cũng phản ánh rằng rất là gợi tình.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

Đấy là do một số chị em chọn chất liệu vải quá mỏng chứ cái gốc của áo dài không phải như vậy. Áo dài tôn được dáng vẻ, đường nét của người phụ nữ nhưng chất liệu đâu có mỏng như vậy, đâu có nhìn xuyên suốt được cả nội y bên trong như vậy?

Chính vì áo dài gốc thể hiện sự kín đáo, dịu dàng, mang vẻ đẹp Á Đông của người con gái Việt Nam nên người mặc nó, nhất là người có danh hiệu như Mai Phương Thúy mà ứng xử với áo dài như vậy là không hay. Đấy là cái đáng chê trong cách ứng xử với áo dài.

Một trong những bức hình làm dậy sóng dư luận của Mai Phương Thúy

Cái đáng chê thứ hai là Mai Phương Thúy đưa lên mạng để giải quyết vấn đề gì? Theo tôi, tôi chỉ chê trách ở hai điểm đó thôi.

Bây giờ nhiều người, người ta cứ mặc áo mỏng như thế, thậm chí lộ ra nội y bên trong màu đỏ, màu đen thì là phản cảm.

Nhưng khổ một điều rằng pháp luật lại không điều chỉnh được mà điều chỉnh bằng dư luận xã hội. Không có luật nào điều chỉnh: cấm phụ nữ Việt Nam không được mặc áo dài mỏng dính để nhìn thấy nội y cả!

PV: - Với bộ ảnh này những người "thích thú" khi bị dư luận phản ứng thường đưa ra lập luận: Đây là ảnh nghệ thuật. Phải chăng, cứ nhân danh nghệ thuật thì "dâm tục" hay muốn hở lộ, muốn cởi bao nhiêu cũng được, thưa ông?

Cục trưởng Vi Kiến Thành: - Nói như thế theo tôi cũng là bảo thủ quá. Thực ra, trong nghệ thuật cũng có đường biên nhất định trong phạm vi sáng tạo.

Với nghệ thuật, bao giờ người ta cũng khuyến khích tạo ra những cái trên cả thực tế, thậm chí trên cả óc tưởng tượng của con người (?). Nghệ thuật nhiều khi không phải là sản phẩm nắm bắt được, hay nhìn thấy cụ thể được, mà là cái kích thích sự sáng tạo của con người, làm cho con người nghĩ đến những điều bình thường không bao giờ nghĩ đến cả. Đây mới chính là giá trị sâu xa của nghệ thuật.

Với bộ ảnh này, nghệ sĩ muốn ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ nhưng do tài năng và thủ pháp có thể không đạt được nên đã bị nhìn nhận khác đi.

Nghệ thuật thực sự nó thanh cao, sang trọng ngay cả nude cũng vậy. Còn chuyện "dâm tục", có thể do trình độ của người làm không đạt được đến. Có thể, mong ước của họ là đạt được đến sự thanh cao, trong sáng nhưng người ta không làm được, không đủ tầm.

Vì vậy, ranh giới giữa ảnh nghệ thuật và ảnh nude gợi dục thực sự là do tay nghề của người sáng tạo.

Tất nhiên,không phải cứ nghệ thuật là phải hở, phải lộ, phải cởi... Nếu như vậy là hạ thấp nghệ thuật.

Dâm tục hay gợi cảm là do Hội đồng quyết định!

PV: - Vậy làm thế nào để độc giả, công chúng nhận ra được thế nào là ảnh gợi cảm, thế nào là dâm tục, thưa ông?

Cục trưởng Vi Kiến Thành: - Điều đó có nhiều giải pháp. Thứ nhất là mình phải chấp nhận cho việc công khai, trưng bày, triển lãm những bộ ảnh nude nhưng nghệ thuật thực sự.

Hiện nay chúng ta đang dè dặt chuyện đó, cứ phê bình, lên án ảnh nude thiếu nghệ thuật, ảnh nude không nghệ thuật, rồi gợi dục nhưng thế nào là ảnh nude nghệ thuật? Hãy cung cấp cho xã hội một bộ ảnh nghệ thuật thực sự, một triển lãm thực sự, rồi có những hội thảo, có đánh giá của báo chí, của người xem.

Bây giờ, cho công bố một triển lãm ảnh nude cũng không cho công bố. Đấy là cái không nên và chính là cái cần được cởi mở.

Bộ ảnh của Mai Phương Thúy mới "sạch nước cản"?

Còn cái đòi hỏi của nhiều người phải quy định rạch ròi dâm tục có những đặc điểm như này, nghệ thuật có những đặc điểm như thế kia thì quả thực là cực kỳ khó. Cho nên rất dễ dẫn đến tình trạng: cùng một bức tranh, bức ảnh nude nhưng hội đồng này thẩm định, cá nhân này thẩm định lại đánh giá khác và ngược lại.

Thậm chí, cùng một bức tranh, có thể ở hội đồng này thì đạt giải nhất, được đánh giá rất tốt nhưng với hội đồng khác thì lại đạt giải khuyến khích. Nhưng đấy mới là nghệ thuật. Nó không có đáp số như toán học.

Vì vậy, đòi hỏi phải phân định rạch ròi là rất khó. Cho nên tôi mới nói giữa dung tục và không dung tục, nó chỉ cách nhau một sợi tóc là vì như thế. Rất khó phân định. Nhiều khi nó không phải là tư duy logic mà là tư duy hình tượng, nó là cái cảm chứ không phải là đáp số, nên rất khó đưa ra được những tiêu chí.

PV: - Chúng ta cứ mặc nhiên coi câu: không trái với thuần phong mỹ tục là câu "thần chú" áp dụng cho mọi trường hợp, kể cả những tác phẩm nhân danh nghệ thuật lẫn những tác phẩm thuộc nhóm còn lại. Nói như thế, đương nhiên chúng ta đã thừa nhận sự sáng tạo, thừa nhận phần "khác với thuần phong mỹ tục". Tức là không cần sao y bản chính, cho phép có sự khác biệt truyền thống, thuần phong mỹ tục. Nhưng điều công chúng cần là: cho phép khác biệt như thế nào và cho phép sáng tạo đến mức nào, thưa ông?

Cục trưởng Vi Kiến Thành: - Về sáng tạo, những quy định cho nghệ sĩ sáng tạo thì không có giới hạn, hoàn toàn thoải mái mà chỉ giới hạn khi anh công bố ra ngoài xã hội, xem nó đã phù hợp với thuần phong mĩ tục chưa, phù hợp với đối tượng chưa, tức là người ta chỉ kiểm soát ở đầu ra.

Hiện nay, quản lý nghệ thuật trong đó có mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học nói chung là kiểm soát đầu ra chứ không thể kiểm soát đầu vào và quá trình sáng tạo.

Nếu như thế chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng đàn áp nghệ sĩ về mặt tư tưởng, cho nên không thể làm như vậy được.

PV: - Phải chăng, chính vì không làm rõ được những điểm cơ bản này nên khi gặp trường hợp cụ thể như ảnh Mai Phương Thúy thì cả cơ quan chức năng lẫn công chúng đều lúng túng, chưa khẳng định được liệu nó có dung tục hay không, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống hay không, thưa ông?

Cục trưởng Vi Kiến Thành: - Có thể làm được điều đó. Nhưng những tiêu chí cụ thể thì không làm được. Tuy không có tiêu chí cụ thể nhưng người ta có trí tuệ tập thể, có những quan niệm nghệ thuật cụ thể, có những con mắt cụ thể để xem xét nó. Và giải pháp là sẽ sử dụng những hội đồng nghệ thuật, hội đồng thẩm định để đánh giá nó.

Một người còn có thể bảo thủ, nhưng cả một tập thể 10 người dứt khoát sẽ phải có mẫu số chung để đánh giá một tác phẩm có nghệ thuật không hay chỉ là khiêu dâm.

Đã là hội đồng thì phải có tiêu chí, nhưng tiêu chí đó cũng rất chung chung như: không vi phạm thuần phong mỹ tục... nhưng vấn đề là cái cụ thể và con mắt của người thẩm định, và phải dùng nhiều con mắt.

PV: - Nói như vậy, nếu cứ nhân danh "vì nghệ thuật", mập mờ giữa hai khái niệm nghệ thuật và khiêu dâm thì sẽ thoát ra khỏi mọi quy chế, mọi Thông tư, Nghị định, thưa ông?

Cục trưởng Vi Kiến Thành: - Không thể thoát được! Thông tư về nhiếp ảnh quản lý cả ảnh nghệ thuật và không nghệ thuật. Thực ra trào lưu nhân danh cái này, nhân danh cái kia không chỉ có ở Việt Nam, các nước cũng có nhiều hiện tượng như vậy.

Thậm chí nhân danh một trận bóng đá chị em có thể cởi đồ nhảy múa tưng bừng vì trận đấu của câu lạc bộ của mình đã chiến thắng. Việc nhân danh là một hiện tượng xã hội rất khó điều chỉnh mà chỉ có thể điều chỉnh bằng sự lên án của đạo đức xã hội và của dư luận báo chí, dư luận xã hội.

Còn luật pháp cũng rất khó đưa ra được một quy định nào và nếu không khéo đưa ra sẽ trở thành vi phạm nhân quyền.

PV: - Vậy Thông tư hướng dẫn hoạt động nhiếp ảnh sắp ra có giải quyết được điều cơ bản này không và cụ thể là như thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Vi Kiến Thành: - Thực ra, bảo rằng không có tiêu chí thì cũng phải nhưng thực sự là tiêu chí không cụ thể!

Bao nhiêu nhà khoa học phân tích đậm đà bản sắc dân tộc là thế nào phải còn phân tích chán mới kết luận được. Nghệ thuật khác toán học là ở chỗ đó.

PV: - Phải chăng vì không có một tiêu chí cụ thể, những quy định, chế tài chung chung như vậy mà ngày càng xuất hiện tràn lan những cái chúng ta đang thấy là "nhân danh vì nghệ thuật" mà không phải nghệ thuật đích thực?

Cục trưởng Vi Kiến Thành: - Các văn bản quản lý nó là cái gậy để xử lý, định hướng phát triển của từng lĩnh vực nghệ thuật. Còn con người cụ thể, với nghệ thuật, chính những con người quản lý cụ thể họ sẽ xử lý cụ thể. Đó là cái đặt lên vai người quản lý cụ thể.

Bảo cái này là dâm, cái này là lành mạnh là do người quản lý đồng ý cho phát hành, đồng ý cho xuất bản hay không. Còn ông làm việc kiểm soát cuối cùng do năng lực thẩm định của người đó.

Có những cái trong dự thảo Thông tư này sẽ đưa vào để góp phần điều chỉnh, mình không thể can thiệp vào quá trình sáng tạo của nghệ sĩ một cách thô bạo được bởi đấy là đặc thù của sáng tạo nghệ thuật. Nhưng mình cũng sẽ can thiệp như thế nào để đánh thức người cầm máy, đánh thức người sáng tạo từ đầu.

Ví dụ, trong Thông tư sẽ quy định: nếu anh nhiếp ảnh và mẫu chụp ảnh nude, hai người phải có thỏa thuận, nếu không ảnh hưởng đến ai cứ việc giữ lấy. Nhưng nếu chụp một mẫu có ý đồ mang lên mạng phát tán, trưng bầy triển lãm thì phải có hợp đồng thỏa thuận người mẫu phải đồng ý cho phép tung bức ảnh trên mạng. Đấy là cái ràng buộc từ đầu, tức là can thiệp đúng pháp luật và bảo vệ được cho người mẫu, người chụp.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ làm việc với Bộ Văn hóa Thông tin và Truyền thông để kiểm soát máy chủ phát tán ảnh lên mạng. Cái đó hoàn toàn kỹ thuật nhưng lại rất quan trọng khi mà sự phát triển của internet kinh khủng như bây giờ.

Theo tôi, quản lý ảnh trên mạng hiện nay là cực kỳ khó. Thông tư sắp tới áp dụng cho tất cả nghệ sĩ, kể cả tự do. Chỉ có điều, Thông tư này chỉ can thiệp vào ảnh nghệ thuật, còn ảnh báo chí thì sao? bởi người ta nói sẽ thực hiện theo luật báo chí. Nhưng cũng khó vì giữa ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí cái sự phân biệt cũng lại vô cùng mong manh. Chính vậy mà phạm vi điều chỉnh và việc khoanh vùng Thông tư này cũng là cả một vấn đề.

PV: - Thưa ông, với những trường hợp cụ thể như nude vì môi trường, mặc quần ren lên sân khấu biểu diễn trước các bà mẹ Việt Nam anh hùng, ảnh nóng của Mai Phương Thúy, dư luận rộ lên kêu phản cảm, cơ quan chức năng vào cuộc có ý kiến chung chung rồi mọi việc lại chìm xuồng trong êm ả, đâu vẫn hoàn đó. Ông có nhận xét gì về cách đánh trống bỏ dùi như thế?

Cục trưởng Vi Kiến Thành: - Tôi nghĩ đấy không phải là cách đánh trống bỏ dùi vì dư luận xã hội ở đây phái bảo thủ cho rằng cái gì cũng phải làm theo đúng ý kiến của tôi.

Nhưng khả năng dung hòa và thích nghi với thực tại của người Việt Nam mình là kém bởi vì tính hiếu thắng là lớn trong mỗi con người Việt Nam.

Bộ cũng đã có ý kiến trả lời bộ ảnh đó là không đến mức độ khiêu dâm, mà chỉ dừng lại ở sự gợi cảm thì cũng nên dừng ở lại mức đó thôi.

Huyền Biển - Trần Phương (Thực hiện)

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xi-nhan/trai-hay-phai/201202/anh-Mai-Phuong-Thuy-dam-hay-nghe-thuat-la-dohoi-dong-quyet-2132952/