Ăn uống ngày tết và những điều lưu ý để không nhập viện

Ăn uống ngày tết và những điều lưu ý để không nhập viện, ai cũng cần phải biết để an toàn cho sức khỏe!

Tết Nguyên đán là dịp có số người bị ngộ độc thực phẩm nhiều nhất trong năm do vi khuẩn và hóa chất bảo quản. Để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong dịp Tết và người tiêu dùng nên chủ động biết cách chọn và bảo quản những thực phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe cho gia đình.

Hãy lưu ý khi ăn uống ngày tết để không nhập viện.

Bánh chưng, dưa muối: Lượng muối cao

Bánh chưng, bánh tét có gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, chỉ thiếu một ít chất xơ nhưng sẽ được cân bằng nếu ăn với các loại dưa món, dưa hành và sau đó tráng miệng bằng vài lát dưa hấu.

Dù vậy, cần lưu ý là các loại bánh này rất giàu năng lượng (trên 200Kcal/100g), nhiều chất béo và là các chất béo từ thịt mỡ ít có lợi cho sức khỏe. Bánh chưng, bánh tét lại khá mặn ngay cả khi không ăn kèm dưa món nên có thể gây tăng tiết axit dịch vị nếu ăn nhiều.

Do đó, ở người thừa cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý dạ dày có tăng tiết dịch vị… không nên dùng nhiều bánh chưng, bánh tét. Hầu như không gia đình Việt Nam nào thiếu món củ kiệu, dưa hành trong những ngày Tết.

Thịt thà, giò chả: Béo, nhiều đạm

Loại thịt động vật hiện diện thông dụng nhất trong những món ăn cổ truyền ngày Tết Việt là thịt heo. Người miền Nam có tập quán kho một nồi thịt ba rọi với trứng vịt ăn kèm với dưa giá và nấu một nồi canh khổ qua dồn thịt heo băm nhuyễn với một số nguyên liệu khác. Người miền Bắc thì lại hay nấu thịt đông, hoặc làm món chân giò ninh măng. Thật ra, tự bản thân những món ăn này đã khá cân đối về mặt thành phần dinh dưỡng thông qua sự kết hợp khéo léo giữa các chất đạm, chất béo trong thịt và các thành phần chất xơ, vi chất trong các loại rau. Tuy nhiên, những người có một bệnh lý nền như thừa cân, cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ cũng cần lưu ý là các món ăn này đều khá nhiều chất béo không no không tốt cho tim mạch và lại khá mặn. Vì vậy chỉ nên dùng với một số lượng hạn chế khoảng 100g mỗi ngày, ít hơn nữa nếu các bệnh lý cao huyết áp, tim mạch vẫn chưa được điều trị ổn định. Cách bảo quản để đảm bảo thực phẩm luôn tươi ngon

Lựa chọn thực phẩm đúng cách đã khó và cách bảo quản thực phẩm như thế nào để đảm bảo thực phẩm luôn tươi ngon, không bị hỏng cũng là một vấn đề được nhiều bà nội trợ quan tâm.

Tủ lạnh là vật dụng tiện nghi trong mỗi gia đình, tuy nhiên chúng ta không nên quá phụ thuộc vào tủ lạnh mà mua quá nhiều thực phẩm dự trữ bởi như vậy sẽ giảm đi độ tươi ngon và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Do tâm lý của người Việt Nam là “no ba ngày tết” nên ai cũng dự trữ nhiều thực phẩm…và hầu như tất cả các sản phẩm được dự trữ một cách thủ công, để vào tủ lạnh. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, thức ăn tết thường được chế biến và dự trữ để ăn nhiều ngày nên rất dễ bị ôi thiu, mốc kể cả để trong tủ lạnh, tủ đá nếu không đúng cách, vì vậy, không nên mua, dự trữ và nấu quá nhiều thức ăn chế biến sẵn trong ngày Tết.

Nguồn Phụ Nữ Today: http://phunutoday.vn/suc-khoe/an-uong-ngay-tet-va-nhung-dieu-luu-y-de-khong-nhap-vien-97929.html