An toàn vệ sinh viên là ai?

Không như các nhân tố khác luôn được đề cập mỗi khi diễn ra Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) diễn ra, những người mà chúng tôi muốn nhắc tới có một vai trò cực kỳ quan trọng trong mỗi tổ sản xuất, giúp hạn chế tai nạn lao động. Họ là an toàn vệ sinh viên (ATVSV).

“Quyền rơm vạ đá” Ông Nguyễn Trung Sơn - Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật Tổng LĐLĐVN - cho biết: Theo các văn bản của pháp luật, mạng lưới ATVSV là hình thức hoạt động về bảo hộ lao động của người lao động được thành lập theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn, nội dung hoạt động phù hợp với luật pháp, bảo đảm quyền của người lao động và lợi ích của người sử dụng lao động. ATVSV là những người LĐ trực tiếp có am hiểu về nghiệp vụ, có nhiệt tình và gương mẫu về bảo hộ lao động được tổ sản xuất bầu ra. Mỗi tổ sản xuất phải bố trí ít nhất một ATVSV; đối với các công việc phân tán theo nhóm thì nhất thiết mỗi nhóm phải có một ATVSV. Để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động, ATVSV không được là tổ trưởng. Chính vì tầm quan trọng của mạng lưới ATVSV nên đến thời điểm này đội ngũ ATVSV trong cả nước lên tới 160.000-180.000 người. Vì “gánh” một trọng trách đối với cả đồng nghiệp và DN, mà chủ yếu là trách nhiệm đối với sự an toàn của mọi người, trước mỗi ca sản xuất, ATVSV phải quan sát tình trạng ATVSLĐ của máy, thiết bị, điện, mặt bằng sản xuất, phương tiện phòng cháy chữa cháy, phương tiện cấp cứu sự cố… Tất nhiên, nếu phát hiện yếu tố hoặc nguy cơ gây tai nạn lao động thì lập tức ATVSV phải báo cáo tổ trưởng. Bởi vậy, quá trình làm ATVSV có rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Anh Nguyễn Tiến N - ATVSV của đơn vị chuyên về cơ, kim khí tại Hà Nội - kể lại câu chuyện của mình mà vẫn không tránh khỏi áy náy. Khi tổ của anh nhận thêm một công nhân với tư cách là ATVSV, anh N nhiệt tình hướng dẫn cho thành viên mới về các biện pháp an toàn trong lao động. Sự tận tình của anh N khiến cậu công nhân ít tuổi kia tưởng anh là người có chức trong tổ sản xuất. Đến giờ nghỉ giữa ca, chàng lính mới hết rót nước lại hỏi thăm anh N rồi “gài” thêm một câu: “Em mới đi làm, không có kinh nghiệm, có gì sai anh cứ nói, em không quên ơn anh”. Lúc đó, tổ trưởng sản xuất đang ngồi cạnh anh N kiểm tra sổ sách. Chuyện của ATVSV Lê Huỳnh D khá hài hước nhưng sâu thẳm khiến người ta phải nể phục tinh thần trách nhiệm của anh: Công việc của tổ sản xuất nơi anh làm có nguy cơ cao về cháy nổ. Có lần, sau đợt tập huấn, anh photocopy những trang vở ghi lại kiến thức mới nghe giảng để phát cho các thành viên trong tổ. Khổ nỗi, chữ anh viết tháu quá nên ít người hiểu được nội dung. Phát hiện ra điều này, Lê Huỳnh D mua vở luyện chữ của học sinh tiểu học để rèn chữ viết. Đấy là cách đây 3 năm. Bây giờ, Lê Huỳnh D được bầu là ATVSV viết đẹp nhất trong mạng lưới ATVSV của xí nghiệp và là người chuyên được nhờ viết bảng thông báo, từ xí nghiệp đến tổ sản xuất. Ngoài những chuyện khó xử, không ít ATVSV còn bị coi là đối tượng gây khó khăn, cản trở sản xuất chỉ vì họ kiến nghị với tổ trưởng về hiện tượng thiếu ATVS của thiết bị làm việc. Trước ca sản xuất, phát hiện cây lấy chỉ của chiếc máy may bị lệch, chị ATVSV Phạm Thị T báo cáo tổ trưởng và kiến nghị kiểm tra thay mới vì lo ngại quá trình lấy chỉ bị gián đoạn, suốt chỉ có thể văng vào mặt công nhân lao động. Người tổ trưởng cho rằng sẽ mất thời gian, chậm tiến độ giao hàng nếu như thực hiện thay cây lấy chỉ. May mắn, hôm đó không xảy ra sự cố nhưng chị Phạm Thị T đã được nhắc nhở không nên đưa ra đề xuất làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất của tổ. Với trách nhiệm của một ATVSV, chị T đã gặp trực tiếp người có trách nhiệm cao hơn, báo cáo sự việc. Sau khi xem xét, DN quyết định thực hiện kiến nghị của ATVSV. Khi kể câu chuyện này, chị T không tránh khỏi nỗi buồn bởi mục đích cao nhất của người làm công tác ATVSV là phòng tránh các nguy cơ gây ra tai nạn lao động nhưng không phải ai cũng hiểu. Thực tế có không ít người khi được tín nhiệm bầu làm ATVSV đã xác định sẽ chịu “quyền rơm vạ đá” nhưng họ vẫn sẵn lòng vì sự an toàn của đồng nghiệp và của chính mình. Có cả những ATVSV còn tích cực tham gia cấp cứu đồng đội khi bị tai nạn hoặc tham gia giải quyết các sự cố xảy ra , điển hình như vụ bục nước ngày 1.10.2009 tại XN Than Thành Công (thuộc Cty Than Hòn Gai). Chưa có cơ chế, quyền lợi gì của Nhà nước Thử nghiệm mặt nạ phòng độc tại Viện Nghiên cứu KHKT BHLĐ. Ảnh: TL ATVSV hầu hết là công nhân lao động trực tiếp sản xuất, kiêm nhiệm làm ATV nên họ vừa phải thực hiện công việc của mình khi tổ trưởng sản xuất phân công vừa phải làm tròn trách nhiệm của ATVSV. Nếu không làm ra sản phẩm, không hoàn thành định mức thì không có tiền lương và không hoàn thành nhiệm vụ khi bình xét. Nếu phát hiện ra vi phạm, sai sót trong quá trình sản xuất thì ảnh hưởng đến năng suất, thành tích chung của tập thể, ảnh hưởng đến thu nhập của mỗi thành viên. Nguyên nhân này đã là một sức ép đối với các ATVSV. Nhiệm vụ của ATVSV nặng nề cũng như vai trò của họ rất quan trọng trong sản xuất, nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ chế, quyền lợi gì của Nhà nước. Có thể nói, mỗi ATVSV là một đầu mối đảm bảo ATVSLĐ tại dây chuyền sản xuất bởi hơn ai hết họ hiểu quy trình làm việc, nhanh chóng phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, đảm bảo một trong những điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của DN. Hiện, mạng lưới ATVSV mới chỉ có phụ cấp nếu DN có quy chế. Ví dụ, ở Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản VN, ATVSV được hưởng mức phụ cấp từ 0,1-0,3 mức lương tối thiểu hay như ở một số DN quy định mức phụ cấp cho ATVSV dao động từ 50.000-100.000đ. Điều này cho thấy, mạng lưới ATVSV làm việc bằng sự tự nguyện và nỗ lực để không phụ lòng tin của đồng nghiệp là chính. Rất nhiều ATVSV cho rằng: Theo Luật định, người lao động được quyền từ chối những nơi làm việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động nhưng hầu như chưa có ai sử dụng quyền này cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, bởi vậy họ - những ATVSV- sẽ góp phần giảm thiểu những rủi ro, mang lại sự an toàn cho người lao động. (Theo yêu cầu, tên người và một số đơn vị trong bài đã được thay đổi) “ATVSV cần được huấn luyện thường xuyên” Trong môn học Luật pháp-Chế độ chính sách về bảo hộ lao động của Khoa Bảo hộ lao động, nội dung đào tạo ATVSV chiếm 3 đơn vị học trình (45 tiết học). Đây là môn học quan trọng đối với các kỹ sư bảo hộ lao động. Họ rất quan tâm đến môn học này vì nếu làm công tác an toàn tại các DN, cơ sở SXKD sẽ phải làm các nhiệm vụ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 14/1998 của Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế, Tổng LĐLĐVN về công tác bảo hộ lao động. Một trong những nội dung môn học là hướng dẫn hệ thống văn bản pháp luật hiện hành; kỹ năng tổ chức hoạt động bảo hộ lao động ở cơ sở; tham mưu cho DN xây dựng và chỉ đạo hoạt động của mạng lưới ATVSV. Thực tế cho thấy, ATVSV là những người lao động trực tiếp tại cơ sở đều nhiệt tình, có trình độ chuyên môn, song kiến thức chuyên ngành về bảo hộ lao động còn thiếu. Họ hoạt động chủ yếu từ kinh nghiệm sản xuất tại đơn vị nên cần được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ ATVSLĐ thường xuyên hơn. Đây là trách nhiệm không chỉ của DN, tổ chức CĐ mà cả các cơ quan chức năng có liên quan. Nguyễn Thị Xuân Hương - Trưởng Khoa Bảo hộ lao động, Trường ĐH Công đoàn VN S.T ghi

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/an-toan-ve-sinh-vien-la-ai/20103/177830.laodong