An cư trên mảnh đất tình người

Sở hữu một căn hộ, công nhân sẽ không phải lo lắng bị chủ nhà trọ lấy lại phòng khi còn đang ngái ngủ, con cái đến tuổi đi học sẽ không phải gửi về quê vì vướng cái hộ khẩu, điện nước được tính đúng giá. Có nhà, tết đến chẳng phải cuống cuồng tìm đường về quê... Có nhà - Những công nhân làm việc ở Bình Dương thỏa giấc mơ an cư kéo dài hàng chục năm qua. Có nhà - Tự bao giờ, với người công nhân, mảnh đất Bình Dương vốn lạ đã trở thành quen.

Căn hộ 30m2 là giấc mơ của hàng ngàn công nhân. Ảnh T.Thành

Mua nhà 100 triệu trả dần trong 10 năm

Tôi có mặt tại căn hộ của vợ chồng anh Huỳnh Thanh Hải và chị Văn Thị Mộng Mơ tại tầng 3 block A2e, khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ngày nghỉ, anh chị ở nhà, cùng nhau chuẩn bị bữa cơm trưa. Chị bắc chảo phi hành thơm lừng, anh nhặt từng cọng rau xanh mướt, thỉnh thoảng nói đùa một vài câu. Căn hộ 30m2 được sắp xếp gọn gàng, gió từ cửa sổ ùa vào mát rượi. Anh Hải gãi đầu: “Ông bà mình nói, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, căn hộ tuy nhỏ nhưng khéo sắp xếp thì hai vợ chồng, hai con sống thoải mái. Vợ chồng mình mới cưới, chưa có con nên phòng rộng rãi hơn”.

Anh chị cùng sinh năm 1988, người Huế, yêu nhau từ hồi còn ở ngoài quê. Vào Nam, chị xuống Bình Dương làm việc, anh ở Sài Gòn vẫn yêu nhưng không dám cưới. Nguyên nhân được chị chia sẻ là “cưới xong không biết ở đâu nên cứ chần chừ”.

Cách đây hai năm, khi ấy chị Mơ vừa chuyển công tác xuống Bình Dương, nghe thông tin, UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương xây nhà ở xã hội giá 100 triệu bán cho công nhân lao động làm việc trên địa bàn tỉnh, chị liền đi hỏi. Chị bảo, căn hộ 100 triệu, được trả góp trong 10 năm, chuyện thật mà cứ như mơ! Anh chị làm thủ tục mua căn hộ ở tầng 3, giá 170 triệu, trả trước 15 triệu thì được chủ đầu tư Becamex IDC giao nhà. “Phần còn lại chúng tôi chọn phương án trả dần trong 7 năm, hai năm đầu mỗi tháng chỉ phải trả 1 triệu, các năm còn lại trả hơn 1,8 triệu/tháng. Hồi ở Sài Gòn, mỗi tháng thuê phòng trọ hơn 2 triệu đồng, chưa kể điện nước phải trả giá gấp đôi, gấp ba. Tiền cao nhưng mình mãi là người ở trọ. Giờ mỗi tháng cũng trả từng đấy tiền, thậm chí là ít hơn nhưng mình được cấp “giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đồng sở hữu đất” nên nhà này đúng là nhà của vợ chồng mình. Có nhà - Chúng tôi quyết làm đám cưới phát một” - Anh Hải cười tươi.

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Phương (sinh năm 1987, quê Tiền Giang) và chị Ngô Thị Minh Phương (sinh năm 1988, quê Vũng Tàu), làm cư dân ở khu nhà ở xã hội Hòa Lợi hơn một năm, chia sẻ: Ngày rời quê đi làm công nhân anh chị cũng mơ ước nhiều thứ lắm! Nghĩ rằng mình làm vài năm, có vợ có con rồi có nhà nhưng làm hoài làm mãi chẳng thấy dư đồng nào cả. Nhận lương xong, nhằng một phát là tiền cho con, tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước… hết ráo. Đất đai ở đâu cũng tính trăm triệu, chung cư thì nửa tỷ, công nhân mơ cả đời cũng chẳng mua được…Vậy nên hôm ký hợp đồng mua căn hộ ở Hòa Lợi (Bình Dương), anh chị đã béo má mình mấy phát để nếu có mơ thì tỉnh lại. Gọi điện về cho cho ông bà nội, ngoại thông báo con đã mua được nhà mà ông bà không tin, nghĩ mình nói chơi để an ủi ông bà. Anh phải đặt vé xe để ông bà lên thăm nhà mới của con thì mới ổn.

Căn hộ là giấc mơ kéo dài 5 năm đằng đằng của anh chị. Chị Phương kể, ngày cưới, cả hai đều dự trước những khó khăn sẽ phải đối mặt nhưng không nghĩ sẽ nhiều đến thế, đứa con ra đời, tiền lương của hai vợ chồng phải ưu tiên trước cho con. Hai vợ chồng cứ dời nhà trọ mãi, cốt để kiếm chỗ nào rẻ hơn, dành tiền mua sữa cho con. Nhà trọ rẻ thì đồng nghĩa với ngập nước, trời nắng thì mặt trời rọi vào mặt, mưa thì nước dột ướt đầu… Hai năm trước, anh chị chuyển về Bình Dương với hy vọng tiền nhà, chi phí sinh hoat sẽ đỡ đắt đỏ hơn.

“Quyết định chuyển về Bình Dương đã làm thay đổi cuộc sống của cả gia đình. Đi làm được một năm thì nghe thông tin tỉnh có chương trình nhà ở xã hội bán giá rẻ cho công nhân. Vợ chồng tôi liền đăng ký mua ngay. Giờ mỗi khi trời mưa gió, chẳng còn phải mang thau chậu đi hứng nước mưa nữa, tôi sẽ an tâm ngồi bi bô kể chuyện cổ tích cho con trai nghe ” - Chị Phương mỉm cười.

“Đón giao thừa ở nhà mình nó cũng rất khác!”

Gia đình chị Trịnh Thị Minh (quê Thanh Hóa), là cư dân lâu năm ở khu nhà ở xã hội Hòa Lợi này. Chị Minh vào Bình Dương làm công nhân đã hơn 10 năm, chị bảo vì quê xa quá nên vài năm chị mới được về ăn Tết một lần, những lần ở lại đất khách ăn tết là những lần chị khóc hết nước mắt bởi phòng trọ vắng hoe, chị nhớ nồi bánh chưng của mẹ, thèm cái rét bắc đến nao lòng. Rồi chị lấy chồng, ước mơ về căn nhà nhỏ dần khi hai đứa con ra đời, những chuyến về quê đã ít nay lại càng hiếm. Chị bảo, ngày chị mua căn hộ ở khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, chị nhiều đêm không ngủ được vì mừng, từ nay, chị có một lý do để ở lại Bình Dương ăn Tết bởi gia đình chị đã có nhà, có một nơi để đặt bàn thờ tổ tiên, cúng giao thừa.

“Tết này tôi nấu mấy cặp bánh chưng, làm dưa hành, củ kiệu, mứt tết... Giao thừa cúng con gà trống. Sáng mùng Một nhờ đứa em cùng công ty, ở cùng khu này qua xông nhà. Đây là cái Tết thứ 3 cả gia đình ăn Tết trong căn hộ của mình, vẫn là đất khách đấy thôi nhưng không buồn nhiều bởi đón giao thừa ở căn nhà của chính mình thì nó cũng phải khác” - chị Minh mỉm cười. Nhìn lại 10 năm xa quê, chị Minh hài lòng với một gia đình nhỏ, hai đứa con xinh xắn, một căn hộ do vợ chồng chị đứng tên, dù nhỏ thôi nhưng đó là nhà của mình, cũng có cái để bố mẹ an tâm với đứa con gái sống xa nhà.

Để hàng ngàn người lao động có niềm vui an cư như hôm nay, đó là nhờ chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương về xây nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Chia sẻ về điều này, ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết: Chủ trương xây nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động ở Bình Dương với mục đích tạo nơi ở ổn định cho người lao động đang sinh sống và làm việc tại tỉnh. Chủ trương này cũng góp phần nâng cao hiệu quả công việc của người lao động, giúp tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. “Đây là lời cảm ơn của tỉnh Bình Dương đối với công nhân lao động, đã đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của tình Bình Dương” - ông Trần Thanh Liêm nói.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/an-cu-tren-manh-dat-tinh-nguoi-516845.bld