Ẩn chứa ân tình người nghệ sĩ

Đoàn Kịch nói CAND không quên xây dựng kế hoạch biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ Công an các địa phương và nhân dân, để làm một món quà tinh thần ý nghĩa trao tặng đồng đội mỗi dịp cuối năm, động viên họ vững tâm làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là trong dịp Tết luôn nhiều thách thức và khó khăn.

Đại tá, NSƯT Công Bảy, Trưởng Đoàn Kịch nói CAND cho biết, sau khi có các buổi biểu diễn tại Hà Nội phục vụ Đại hội Đảng, Đoàn đã chuẩn bị chu đáo để ngay sau Tết có các chương trình biểu diễn đặc sắc phục vụ lực lượng Công an và nhân dân Hải Phòng với vở “Khát vọng những linh hồn” và phục vụ Công an tỉnh Hải Dương vở kịch “Không phải là vụ án”- tác phẩm đã giành Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu hình tượng Người chiến sĩ CAND 2015.

Trong dịp lễ hội đầu năm, Đoàn Kịch nói CAND sẽ về với các chiến sĩ Công an và bà con ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, sau đó là Hòa Bình. Dự kiến, các nghệ sĩ –chiến sĩ sẽ về tận tuyến huyện để biểu diễn. Cùng với các vở kịch đã từng giành các giải thưởng trong các đợt Liên hoa sân khấu, Đoàn còn mang về các địa phương những chương trình hài kịch đặc sắc, mang đậm sắc xuân.

Là một trong không nhiều đơn vị nghệ thuật “kín lịch” biểu diễn suốt những ngày trước, trong và sau Tết, Nhà hát Kịch Hà Nội đã chứng tỏ sức hút của mình. NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, năm nay, ngay trong đêm 30, cả 2 đoàn kịch của Nhà hát vẫn đi biểu diễn phục vụ bà con và diễn liên tục đến tận 10 Tết, nhiều ngày có 2 suất diễn.

Nhà hát đã xây dựng chương trình hài kịch có nội dung phong phú, hấp dẫn, phù hợp với không khí vui xuân. Từ 8 Tết, rạp Công Nhân của Nhà hát đã mở cửa để biểu diễn các chương trình văn hóa tâm linh, mỗi tuần có 2 ngày và mỗi ngày 2 buổi. NSND Hoàng Dũng cũng cho biết thêm, sau Tết, các nghệ sĩ của Nhà hát kịch Hà Nội sẽ lên đường đến với bà con các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong khoảng hơn một tháng với các tiết mục hài mang đậm nét riêng của Nhà hát tên tuổi này cùng vở diễn “Sự sắp đặt của số phận” vừa được dàn dựng.

Là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện chủ trương của Bộ VHTTDL, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã đến 2 huyện Mèo Vạc và Quản Bạ (Hà Giang) trước Tết Nguyên đán. Tại 9 điểm trường của 2 huyện Mèo Vạc và Quản Bạ và tại sân vận động huyện Mèo Vạc, các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã phục vụ hàng nghìn khán giả là đồng bào và thiếu nhi vùng sâu, vùng xa và đã để lại ấn tượng và tình cảm đặc biệt trong lòng nhân dân, khi đã không quản khó khăn, đường xa, đèo cao để về với đồng bào.

Giành nhiều giải thưởng trong năm 2016, “con chim đầu đàn” của sân khấu Việt Nam là Nhà hát Kịch Việt Nam cũng tiếp tục mang 2 vở diễn “Trong mưa giông thấy nắng” và “Bệnh sĩ” đến với bà con nhân dân một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đây là 2 vở diễn đã được khán giả yêu mến trong suốt thời gian qua, kể từ khi dàn dựng.

Với thế mạnh là loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống rất phù hợp trong mùa lễ hội, Nhà hát chèo Việt Nam đã có kế hoạch biểu diễn 10 buổi tại tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 3 Tết. Đây là một hoạt động ý nghĩa khi góp phần gìn giữ, phát huy sân khấu của dân tộc.

Cảnh trong vở “Không phải là vụ án” của Đoàn kịch CAND.

Trước và sau Tết nguyên đán, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng có 10 buổi diễn phục vụ đồng bào ở huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên và huyện Hiệp Hòa tỉnh, Bắc Giang. Mỗi đêm diễn đều là những tiết mục được lựa chọn kỹ càng.

Không đợi đến dịp này, mà bắt đầu từ tháng 1-2016 đến sau Tết Nguyên đán, Nhà hát Tuồng Việt Nam có 10 buổi biểu diễn cho bà con ở 10 xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa với vở “Phương thuốc thần kỳ”.

Những chuyến đi về các vùng sâu vùng xa luôn đầy ắp khó khăn, vất vả, nhưng các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng luôn cảm thấy ấm lòng hơn khi những tiết mục biểu diễn của môn nghệ thuật khá kén khán giả này luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của bà con. Nhà hát còn xây dựng vở diễn “Tình mẹ”-một chương trình đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng lần XII để biểu diễn ở nhiều nơi cùng những màn sử thi ca ngợi anh hùng dân tộc qua từng thời kỳ chống giặc ngoại xâm.

Trước khi những cánh đào xuân hé nụ, các nghệ sĩ của Liên đoàn xiếc Việt Nam đã xây dựng chương trình mang tên “Cờ hoa” rồi lặn lội về tận vùng biên giới xa xôi ở miền Trung để biểu diễn phục vụ bà con nhân dân các dân tộc.

Tại cùng biên giới Việt Lào ở tỉnh Hà Tĩnh, các nghệ sĩ đã dành cho bà con 2 đêm biểu diễn, sau đó, lại có 6 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân Thanh Hóa. Liên đoàn xiếc Việt Nam còn mang các tiết mục đặc sắc của mình lên vùng cao Hà Giang, phục vụ bà con địa phương 5 đêm diễn, chưa kể nhiều buổi biểu diễn phục vụ riêng bà con Việt kiều tại Lào.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giai-tri-van-hoa/an-chua-an-tinh-nguoi-nghe-si-382019/