Ăn bao tử nhím trị đau dạ dày

SGTT - Nhiều nghiên cứu y học và kinh nghiệm thực hành cho thấy thịt và các bộ phận khác của nhím rất giàu dinh dưỡng, đồng thời có tác dụng tốt trong bào chế ra những bài thuốc dân gian.

Dinh dưỡng Khi sử dụng bao tử nhím trị bệnh cần có sự theo dõi của các thầy thuốc chuyên khoa. Ảnh: Phi D. - Tân Đại Thông qua báo Sài Gòn Tiếp Thị, chúng tôi có nhận được thư của bạn đọc Nguyễn Thị Hằng (chung cư 840, Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM) hỏi về công dụng của bài thuốc trị đau dạ dày bằng bao tử nhím. Trong thư bạn Hằng viết: “Chồng tôi và cả tôi bị đau dạ dày nhiều năm nay. Mỗi lần ăn gì hơi chua là đau không thể tả được. Tôi đã uống nhiều thuốc tây nhưng không khỏi. Mới đây chồng tôi có được một người bạn ở quê chỉ cho bài thuốc lấy bao tử nhím tán ra pha với mật ong uống. Tôi có tìm hiểu thông tin trên mạng thì thấy rất mâu thuẫn, người nói bao tử nhím tốt cho dạ dày, người bảo có chất độc hại. Tôi không biết thực hư thế nào nên kính nhờ báo có giải thích giùm. Nếu không đúng nên thông tin để mọi người tránh, còn nếu như có hiệu quả mong báo hướng dẫn cụ thể hơn những cách sử dụng…” Sau khi tra cứu các tài liệu chính thống và bằng kinh nghiệm điều trị, chúng tôi xin có trao đổi đôi lời với bạn Hằng như sau. Nhím là động vật hoang dã sống trong thiên nhiên nhưng nay đã được người ta nuôi thả nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu ẩm thực ngày càng tăng vì thịt nhím có tiếng nạc chắc, thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Từ xa xưa, thịt và các bộ phận khác của nhím đã có mặt trong các bài thuốc dân gian. Lông nhím vị cay, tính ấm, có công dụng hành khí, chỉ thống (giảm đau), giải độc; thịt nhím vị ngọt, tính lạnh có tác dụng bổ dưỡng, nhuận tràng; mật nhím dùng chữa đau mắt, đau lưng và xoa bóp khi bị chấn thương; ruột già, gan và phổi nhím có thể chữa bệnh phong nhiệt… Đặc biệt dạ dày (bao tử) nhím có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, giảm đau và giải độc, thường dùng chữa các chứng bệnh như ngộ độc, trĩ xuất huyết, lòi đom, di mộng tinh, nôn mửa, kiết lỵ ra máu và đau dạ dày. Trong sách Bản thảo cương mục, nhà dược học vĩ đại Lý Thời Trân cũng cho rằng dạ dày nhím không độc và được dùng để chữa bệnh dạ dày. Trong dân gian, người ta thường dùng dạ dày nhím để: Chữa trĩ và lòi đom chảy máu: dạ dày nhím cắt nhỏ, sao cho phồng lên rồi tán bột, mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần 2 – 4g với nước sắc hoa hòe. Chữa ngộ độc: lấy một cái dạ dày nhím rửa sạch, sấy khô, giã nhỏ, trộn với 100g gạo cẩm rang vàng, tán nhỏ, rây bột mịn, mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 10g. Với bệnh lý dạ dày: dùng dạ dày nhím còn chứa nguyên thức ăn bên trong đem phơi hoặc sấy khô rồi thái nhỏ, sao chín, tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 10g vào lúc đói với nước cơm. Nếu uống kết hợp theo công thức bột dạ dày nhím với mật ong hoặc bột dạ dày nhím với mật ong và bột nghệ thì hiệu quả càng tốt. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh mật ong và bột nghệ có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, làm dịu các cơn đau và làm mau lành các vết thương, vết loét. Đặc biệt, mật ong còn có khả năng đưa độ axít của dịch vị trở về bình thường và có công dụng bồi bổ sức khỏe rất kỳ diệu. Hơn thế nữa, trong y học cổ truyền, mật ong và nghệ đen hoặc nghệ vàng cũng là những vị thuốc thường có mặt trong các phương thang có công năng chữa trị chứng vị quản thống, một bệnh danh tương ứng với các bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, rối loạn chức năng dạ dày, rối loạn tiêu hóa… trong y học hiện đại. Riêng với dạ dày nhím, rất tiếc là cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học hiện đại nào chứng minh tác dụng chữa trị viêm loét dạ dày trên cả thực nghiệm và lâm sàng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian và qua quan sát nhiều trường hợp trong thực tiễn, chúng tôi nghĩ cũng có thể mạnh dạn áp dụng loại bột thuốc dạ dày nhím để chữa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở một mức độ nhất định. Đương nhiên, khi dùng phải có sự theo dõi chặt chẽ của các thầy thuốc chuyên khoa. Cũng có ý kiến cho rằng dùng dạ dày nhím rừng để chữa bệnh thì có hiệu quả hơn vì thức ăn của chúng rất phong phú và có những thứ mà nhím nhà không thể có được, hơn nữa tác dụng chữa trị của dạ dày nhím chính là các thức ăn chứa trong đó chứ không phải bản thân phủ tạng này. Tất cả những điều đó là những gợi ý rất lý thú cho các công trình nghiên cứu khoa học cẩn trọng và nghiêm túc. ThS.BS Hoàng Khánh Toàn chủ nhiệm khoa đông y, bệnh viện Quân đội trung ương 108

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail31.aspx?columnid=31&fld=htmg/2009/0901/56336&newsid=56336