Ẩm thực Tây Bắc - Độc đáo, hấp dẫn

Chúng tôi vừa có chuyến lên Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên để tìm hiểu về những món ăn truyền thống, nhưng độc đáo, hấp dẫn trong mâm cỗ ngày Tết của đồng bào Mường, Mông, Tày, Thái, Dao, La Hủ... đang sinh sống trên vùng núi rừng Tây Bắc Tổ quốc.

Bánh dày, món không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông

Bánh dày, món không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi tại nhà ông Hàng A, bản người Mông Trà Lĩnh, xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình). Tròn 75 tuổi, nhưng người lão vẫn chắc nịch, bắp chân, bắp tay rắn soăn như cành lim, cành sến. Lão bảo: Trong mấy ngày Tết, mâm cỗ người Mông nhất thiết phải có bánh dày, giống như người Kinh có bánh chưng. Người Mông coi bánh dày là biểu tượng của mặt trăng, mặt trời, ngọn nguồn, khởi thủy cho sự tồn tại của vạn vật. Bánh dày được chế biến bằng gạo nương, rất thơm, đem nấu chín rồi đổ vào máng gỗ để giã. Lúc làm bánh dày, cả nhà quây quần bên nhau. Thanh niên khỏe mạnh thay nhau giã bánh, phụ nữ ngồi gói bánh xếp lên cái mâm lót bằng lá chuối. Để mấy ngày, bánh cứng lại, khách đến chơi, chủ nhà mới cắt bánh cho vào chảo rán với mỡ lợn hoặc nướng trong bếp than. “Bánh "no" lửa, nở tung, thơm lựng. Trong mấy ngày Tết, nhà nào cũng làm vài chục cái bánh dày, nhà nhiều làm đến cả trăm cái”, lão Hàng A say sưa kể.

Ông Quàng Thế Vi, người Thái, bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La), cho biết: Ngày Tết, với người Thái, món ăn tinh thần là múa xòe, nhảy sạp. Hội xòe thâu đêm đến sáng. Đã vào vòng xòe, dàn sạp là quên ăn, quên ngủ. Mâm cỗ người Thái đãi khách khá độc đáo như: Pà pỉng tộp (cá nướng), khảu lam (cơm lam), nhứa mù khủa (thịt lợn hấp), nhứa giảng (thịt trâu hun khói). Hiện, ở Mộc Châu còn có món bê chao nổi tiếng làm bằng nguyên liệu tự nhiên, gia vị để ướp chủ yếu là mắc kén, ớt, tỏi, gừng... được làm công phu. Ai đã một lần được thưởng thức món "xôi tình yêu, rượu men lá, cá ống tre" thì nhớ mãi, không thể quên được người Thái Sơn La.

Ẩm thực người Thái Mường Sang

Người Mường Hòa Bình có những món ẩm thực mới nghe "tên" đã nuốt nước bọt mà tìm đến như: Măng chua nấu thịt gà hạt dổi, lợn thui luộc, thịt lợn muối chua, chả cuốn lá bưởi, cá nướng, cá đồ, cơm lam, cơm các màu.

Mế Bùi Thị Hiên, xóm Lũy, xã Phong Phú, Mường Bi, 1 trong 4 mường (Bi, Vang, Thàng, Động) lớn nhất tỉnh Hòa Bình, nói: “Ví như món thịt gà nấu măng chua. Gà nuôi thả, một con chỉ 1 - 1,5 kg, thịt ra ướp với măng chua (măng giang), khi thịt gà và măng đã chín, rắc thêm ít hạt dổi nướng. Khi ăn, cả 3 món (thịt gà, măng chua, hạt dổi) quyện vào nhau nghe "ấm" chân răng. Hay món lợn thui luộc. Món này không thể thiếu trong mâm cỗ. Lợn thả rông, có con nuôi cả năm mới được 20 - 30kg, thịt xoăn, chắc, thơm, ngọt, bì lợn giòn. Du khách đã đến Hòa Bình là phải tìm, thưởng thức món này”.

Mâm cỗ người Mường Bi

Chưa kể, ở Hòa Bình còn có món cá đồ, chả nướng lá bưởi. Cá đồ là cá bắt ở suối, đem về rửa sạch, độn với lá thơm hoặc măng chua rồi đem đồ như hầm cách thủy. Thường một ốt cá bày ra được một đĩa. Phải ăn khi cá còn nóng mới ngon. Món chả cuốn lá bưởi nướng làm công phu nhưng rất thơm, ngon. Người ăn không biết chán.

Mâm cỗ ngày Tết của đồng bào Tây Bắc ít khi có thịt quay, giò, chả, nem, chủ yếu là các món của nhà làm được như kể trên. Mỗi dân tộc có món ẩm thực riêng, cách pha chế riêng. Nhưng có chung một điểm, đó là: Rất độc đáo, hấp dẫn, chỉ một lần thưởng thức là mãi không bao giờ quên được, cũng như tình người Tây Bắc đã gặp rồi, cứ lưu luyến mãi chẳng muốn chia tay.

Hồng Bài

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/am-thuc-tay-bac-doc-dao-hap-dan_t114c1159n99506