Ai quên Ất Dậu năm nào?

Ngay trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, lịch sử ghi nhận khoảng hơn 2 triệu đồng bào ta ở 32 tỉnh, thành, tính từ Quảng Trị trở ra lâm vào thảm họa chết đói. “Ai quên Ất Dậu năm nào/Hai triệu người chết thủ cao ngất trời/Ai làm chua xót người ơi/Con vần xác mẹ bú hơi sữa tàn”…

Làng quê Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình) hôm nay.

Với mong muốn hiểu rõ hơn về một trang sử bi thương của dân tộc, mới đây chúng tôi tìm về xã Tây Lương, huyện Tiền Hải (Thái Bình). Như bao làng quê Bắc Bộ khác, Tây Lương hiện ra trước mắt chúng tôi thanh bình, trù phú. Ngồi sau xe máy của Chủ tịch UB MTTQ xã Nguyễn Văn Tiến rong ruổi qua các thôn làng trong xã, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn điều này. Toàn bộ hệ thống đường làng ngõ xóm, đường ra đồng của xã đều đã được trải bê tông. Hai bên đường nhà cửa xây dựng khá khang trang, nhiều nhà trong số này là nhà cao tầng, biệt thự. Tuyến đường tránh thị trấn Tiền Hải băng qua đồng lúa xã Tây Lương, qua sông Trà Lý sang huyện Thái Thụy mới được xây dựng giúp diện mạo Tây Lương thêm phần hiện đại.

Vào thăm gia đình ông Nguyễn Tường Phượng ở ngay đầu thôn Trung Tiến, thấy gia cảnh đề huề, nhà cửa rộng rãi, khang trang nhìn thẳng ra cánh đồng rộng mênh mông phía trước-nơi lúa mùa đang độ xanh ngát. Nhìn cảnh xóm làng yên bình, trù phú này không ai nghĩ người dân nơi đây từng phải trải qua thảm cảnh chết đói. Nhưng đó lại là sự thật!

Ông Phượng-người nay đã 81 tuổi, nhân chứng hiếm hoi còn lại ở Tây Lương chứng kiến nạn đói năm Ất Dậu ngay tại làng quê mình kể rằng, năm ấy (1945) ông lên 10 tuổi, chưa hiểu nhiều về thế sự, chỉ biết ngoài người thân, họ hàng, bà con lối xóm quê ông khi ấy xuất hiện nhan nhản “Tây mũi lõ” và người “da vàng như mình nhưng không nói tiếng mình” mà mãi sau này ông mới biết là người Pháp và người Nhật. Khi ấy ông cũng không biết quân Pháp, quân Nhật đến quê ông để làm gì, chỉ biết xóm làng ngày càng tiêu điều, xơ xác.

“Bố tôi có chiếc thuyền buôn trên sông Trà Lý nên nhà tôi không đến nỗi nhưng phần đông xóm làng thì khó khăn lắm! Hằng ngày, câu cửa miệng tôi nghe được từ người lớn là chuyện làm sao đến bữa có cái để ăn bởi khi đó thóc gạo cực kỳ khan hiếm, đắt đỏ. Bữa ăn của hầu hết các gia đình chỉ là ít gạo trộn lẫn ngô, khoai” - ông Phượng nhớ lại.

Chỉ tay ra cánh đồng trước nhà, ông Phượng kể: “Như cánh đồng này vụ mùa năm 1944 thay vì trồng lúa tôi thấy toàn trồng đay, đến vụ xuân năm 1945 trồng lúa nhưng mất mùa toàn bộ do bị rầy ăn sạch”. Đứa trẻ lên 10 là ông khi ấy lờ mờ nhận ra một chuyện gì đó thật khủng khiếp đang ập đến làng quê mình. Nhất là khi thấy người làng lao ra đồng mò cua, bắt ốc; rau sam, rau má không còn một ngọn; chuối trong vườn cũng không kịp ra buồng bởi người ta chặt sạch lấy củ, lấy thân làm thức ăn. “Ngay từ đầu năm Ất Dậu tôi đã thấy trong làng có nhiều đám ma lắm. Người lớn bảo với chúng tôi rằng những người vừa được đem chôn đều chết vì không có cái ăn” - ông Phượng kể tiếp.

Vợ chồng ông Nguyễn Tường Phượng (thôn Trung Tiến, xã Tây Lương).

Theo ông Phượng, từ tháng 3 trở đi cảnh tượng vô cùng khủng khiếp khi mỗi ngày trong làng trong xã lại có đến vài chục người chết đói. Lúc này người chết không được làm đám ma nữa. Nhiều người chết quá nên họ chỉ được người nhà, hàng xóm bó chiếu khiêng ra đồng chôn vội, có khi chôn chung vài người một hố. Nhiều người đi chôn người chết đói xong về cũng bị chết vì đói. Sau mỗi đêm, trong nhà, ngoài ngõ, ngoài đồng, ngoài chợ lại thấy la liệt xác người chết đói, cả người trong xã lẫn người ở đâu đó đến khất thực gục xuống vì đói. Tuần đinh xử lý không xuể, họ dùng dây kéo lê xác người chết đói quăng xuống hố. Thậm chí nhiều người chết đói trong nhà đã lâu nhưng không ai biết.

Thôn Hiên có gia đình ông Bê hai vợ chồng và 3 đứa con chết đói từ khi nào không ai hay. Đến khi mùi thốc lên người làng mới biết, họ chẳng biết làm gì khác ngoài châm lửa đốt cháy ngôi nhà đó.

“Cứ sau mỗi đêm thôn Trung Đồng (tên gọi cũ của thôn Trung Tiến) quê tôi lại có thêm vài nhà tối đèn. Một phần do người trong những ngôi nhà ấy đã chết hết, những người chưa chết thì cũng bỏ nhà lê lết đi tha phương cầu thực. Như những đoàn ma đói, họ lần mò lên thị xã Thái Bình, vượt sông Hồng qua TP Nam Định, lên tận Hà Nội với hy vọng kiếm được cái ăn. Nhưng khi đó những người bỏ làng đi chẳng khác gì cảnh “con kiến leo cành đa”. Bởi lẽ, thị xã Thái Bình hay TP Nam Định khi ấy cũng đầy người chết đói, người ta phải dùng xe bò thu gom xác chết nằm la liệt trên đường. Còn ở Hà Nội khi ấy xác người chết đói cũng được gom đầy khu vực Giáp Bát. Những người rời làng đi do vậy cũng chung số phận, đa số bị chết đói ở dọc đường. Tôi đi theo thuyền buôn của cha dọc sông Trà Lý, lần nào cũng thấy xác người nổi lềnh phềnh mặt sông… ” - ông Phượng nhớ lại.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tây Lương Nguyễn Văn Tiến nghẹn ngào: “Xem lại lịch sử Đảng bộ xã Tây Lương mới thấy hậu quả của nạn đói ngày ấy thấy thê thảm lắm chú ạ! Có những gia đình như bà Nhang Vui ở xóm Trại (Hoàn Khê) có 30 người thì tới 27 người chết đói. Hay gia đình cụ Phúc bố, con, cháu, chắt tổng cộng có 31 người thì 26 người chết đói. Có những dòng họ như họ Tô, có 35 người thì chết 31 người. Họ Hoàng có 31 người thì 26 người chết đói. Hai dòng họ này khi ấy gần như bị xóa sổ. Có những xóm như xóm Bối Xuyên có 51 hộ thì 40 hộ có người chết đói, trong đó có 18 hộ chết không còn ai; xóm Trại ở thôn Thượng có 21 hộ, 82 nhân khẩu đều chết hết không ai. Tổng cộng nạn đói năm Ất Dậu đã cướp đi sinh mạng 3.968 người ở xã Tây Lương, 280.000 người của cả tỉnh Thái Bình”…

Ông Phượng cho hay, năm 1995, khi thực hiện công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945, Giáo sư Văn Tạo-khi ấy là Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam cùng một số nhà nghiên cứu Nhật Bản đã về khảo sát tại Tây Lương, trong đó có đến tìm gặp cha ông để tìm hiểu. Phải đến khi đó ông mới có dịp hiểu rõ tường tận nguyên nhân dẫn đến thảm họa nạn đói năm Ất Dậu, trong đó Tây Lương quê ông phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Theo đó, chính chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp cùng với thiên tai, mất mùa là những nguyên nhân trực tiếp. Ngay từ năm 1940, khi đặt chân đến Đông Dương, Nhật đã thi hành hàng loạt chính sách phát-xít, trong đó buộc Pháp hằng năm phải cung cấp một lượng lớn lương thực. Để có lương thực “cống” cho Nhật và để tích trữ phòng khi quân Đồng minh chưa tới có thể quay lại đánh bật kẻ đang nhăm nhe thay mình cai trị Đông Dương, thực dân Pháp khi ấy đã đồng loạt tăng các loại thuế, từ thuế đinh, thuế điền đến tô tức, khiến nông dân vô cùng cực khổ.

Rồi nữa, do “khát” nhiên liệu phục vụ chiến tranh, khi đó Nhật đã bắt dân ta phải nhổ lúa trồng đay, thầu dầu, lạc để chúng đưa về nước chế biến thành nhiên liệu. Lịch sử ghi nhận, theo chính sách này, năm 1940, diện tích trồng đay ở miền Bắc nước ta chỉ có 5.000 ha, đến năm 1944 tăng lên 45.000 ha, gấp gần 10 lần. Khi nạn đói ở miền Bắc xảy ra, lấy lý do đường sắt và các tuyến giao thông Bắc-Nam khác bị hư hỏng, có thể bị quân đồng minh tấn công nên Nhật cấm, siết chặt việc vận chuyển lương thực từ miền Nam ra miền Bắc.

Trong tình thế đó, Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim-chính phủ do chính người Nhật dựng lên, chịu mọi sự bảo hộ, kiểm soát của Nhật-đã chẳng thể làm được gì để cứu đói cho người dân của mình, dẫn đến thảm họa hơn 2 triệu người dân miền Bắc, miền Trung bị chết đói…

Ông Nguyễn Tường Phượng chia sẻ: 81 tuổi đời, bây giờ ngẫm lại ông càng hiểu rõ vì sao khi đó dân mình lại tin và theo Mặt trận Việt Minh, theo cách mạng nhiều đến vậy. Đơn giản, chính lúc đen tối nhất của cuộc đời mình, Việt Minh, cách mạng đã sát cánh cùng người dân khi đó đa phần bần hàn, đói rách, chỉ ra, mang đến cho họ con đường sống.

Điều ông Phượng-người nay đã có hơn 40 năm tuổi Đảng- trăn trở đó là 70 năm sau thảm họa nạn đói năm Ất Dậu cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi, no đủ hơn rất nhiều lần nhưng vì nhiều lý do xã hội vẫn còn không ít những cảnh đời khốn khó. Trong khi đó, đó đây xã hội vẫn có những việc làm thể hiện sự lãng phí, có sự lãng phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đi liền với đó là những hành vi tiêu cực, tham nhũng.

“Nếu biết rằng chỉ cần có bơ gạo, củ khoai, củ sắn xưa hàng triệu người Việt mình đã không đến nỗi phải chết đói; nếu biết rằng chỉ cần một phần nhỏ trong số tiền bạc, của cải bị lãng phí có thể giúp đỡ nhiều người đang khốn khó hôm nay có được mái nhà che mưa nắng, được đến trường, vượt qua bệnh tật hiểm nghèo…mới thấy một hành vi dù nhỏ nhưng gây lãng phí đáng lên án đến nhường nào” - người đảng viên già nhắn nhủ.

Trần Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/ai-quen-at-dau-nam-nao/63364