Agribank giúp dân vươn khơi bám biển

Xác định cho ngư dân vay đóng tàu không chỉ là hoạt động kinh doanh thông thường mà còn trở thành nhiệm vụ chính trị của các ngân hàng thương mại, thời gian qua Agribank đã dành trên 5000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản. Đến nay nhờ đồng vốn của Agribank, nhiều con tàu mới được đóng và đã hạ thủy.

Tại Agribank chi nhánh Thanh Hóa, các chi nhánh loại 3 vùng ven biển và thành phố đã tổ chức tiếp cận khách hàng theo danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, tổ chức đoàn lãnh đạo Agribank đi học tập kinh nghiệm công tác cho vay đánh bắt xa bờ tại Agribank huyện Quỳnh Lưu – tỉnh Nghệ An; làm việc với một số nhà máy đóng tàu để tìm hiểu các mẫu tàu; định mức kinh tế kỹ thuật, phương pháp cho vay và quản lý vốn để cán bộ có thêm kiến thức giới thiệu, tư vấn cho ngư dân và phục vụ công tác thẩm định cho vay được thuận lợi, nhanh chóng.

Nhờ nguồn vốn vay từ Agribank nhiều con tàu của ngư dân đã được hạ thủy

Đến nay, tổng số tàu UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 03 đợt là 55 tàu. Trong đó, tàu khai thác hải sản xa bờ là 42 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 13 chiếc. Số khách hàng Agribank tiếp cận là 40 chiếc bao gồm 12 tàu hậu cần và 28 tàu khai thác đánh bắt. Đến ngày 30/11/2015, có 04 chi nhánh là: Hội sở, Nghi Sơn, Hoằng Hóa và Hậu Lộc đã cho vay được 06 khách hàng (1 tàu dịch vụ hậu cần, 5 tàu đánh bắt xa bờ), trong đó 4 tàu vỏ sắt, 2 tàu vỏ gỗ, tổng số tiền phê duyệt cho vay là 68, 51 tỷ đồng và dư nợ đã giải ngân được 30,82 tỷ đồng.

Có thể nói, Nghị định 67 thật sự là cú hích để Agribank phát triển mạnh hơn nữa trong đầu tư vào nông nghiệp nhất là thủy sản. Ngay từ khi NĐ 67 ra đời, Agribank Chi nhánh Quảng Trị xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với ngân hàng có vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Sau mấy tháng triển khai thực hiện NĐ67, Agribank Chi nhánh Quảng Trị đã ký hợp đồng cho vay đối với 03 dự án đóng mới tàu vỏ thép và 01 dự án đóng tàu vỏ gỗ cho khách hàng hai huyện Gio Linh và Triệu Phong.

Tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về việc giải ngân cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá, đến nay đã hạ thủy được 14 tàu công suất lớn. Tất cả những con tàu này đã và đang hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong đó các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh, nhất là Ngân hàng Agribank Bình Thuận vào cuộc rất tích cực bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp các ban, ngành chức năng trong tỉnh tổ chức các buổi tọa đàm tuyên truyền, tư vấn về chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Giúp ngư dân hiểu được chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho việc đóng tàu công suất lớn để vươn khơi xa, cũng như các quy trình, hồ sơ, thủ tục vay đóng mới và nâng cấp tàu cá.

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện, ngư dân nhiều địa phương trong tỉnh đã nộp đơn đăng ký vay vốn đóng tàu. Đến hết tháng 10, Bình Thuận đã có 130 chủ tàu đăng ký vay vốn theo Nghị định 67 được UBND tỉnh phê duyệt, nhiều nhất là ngư dân huyện đảo Phú Quý và thị xã La Gi. Trên cơ sở danh sách này, các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh đã tiếp cận, hướng dẫn thủ tục cho 127 chủ tàu vay vốn theo quy định.

Phó Giám đốc Agribank Bình Thuận Huỳnh Tấn Nam cho biết, để giúp ngư dân biết về điều kiện vay, trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ vay, ngân hàng đã thành lập các tổ công tác tại các chi nhánh, phòng giao dịch, cử những cán bộ chuyên trách, hiểu sâu, nắm rõ chính sách tín dụng theo Nghị định số 67 trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục vay vốn theo quy định. Tạo điều kiện cho ngư dân được vay ở mức cao nhất có thể.

H.Trang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/agribank-giup-dan-vuon-khoi-bam-bien-32977.html