ADB: ASEAN khó đạt được mục tiêu thành lập AEC vào năm 2015

(Seatimes) Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á khó có thể đạt được mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.

Trong buổi lễ ra mắt cuốn sách “Cộng đồng kinh tế ASEAN”, nhà kinh tế học hàng đầu thuộc Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB - ông Jayant Menon cho biết, mục tiêu hội nhập kinh tế khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể sẽ bị bỏ lỡ.

Theo ADB, ASEAN khó đạt được mục tiêu thành lập AEC vào năm 2015.

“Mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ không thể đạt được vào tháng 12 (năm 2015). Các nước ASEAN vẫn còn rất nhiều việc phải làm sau năm 2015 để đạt được mục tiêu này”, ông Menon nói.

Dựa trên bản đánh giá kết quả chuẩn bị cho AEC, tính từ năm 2008 đến tháng 3/2013, ASEAN chỉ đạt được 77,5% các mục tiêu đề ra. Tệ hơn nữa là, các mục tiêu chưa thực hiện đang bị thu hẹp. Có rất nhiều lý do viện dẫn cho điều này, nhưng một trong những nguyên nhân chính đó là sự thờ ơ của khu vực kinh tế tư nhân.

Đồng tác giả cuốn sách, Tiến sĩ Omkar Shrestha cho biết, các cuộc khảo sát gần đây chỉ ra, phần lớn người được hỏi đều không biết gì về AEC 2015 và những tác động của nó, bao gồm cả các cơ quan chính phủ liên quan đến AEC 2015, khu vực tư nhân, các tập đoàn lớn và những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Các khảo sát cho thấy các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã ý thức hơn về những lợi ích mà họ đạt được sau khi hội nhập AEC. Tuy nhiên, hầu hết người được hỏi cho rằng AEC sẽ không tác động nhiều tới hoạt động kinh doanh của họ.

Khoảng 77% người được khảo sát cho rằng, doanh nghiệp của họ sẽ không bao giờ được hưởng lợi ưu đãi thuế quan thấp từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ASEAN ký kết với các đối tác thương mại, và 40% trong số đó không biết về loại ưu đãi thuế này.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng đa số doanh nghiệp đều không được hưởng lợi từ các biện pháp tự do hóa đầu tư.

Đáng chú ý là, 78% số người được hỏi biết về AEC 2015 trên Internet hoặc qua tiếp xúc với doanh nghiệp, chỉ có 28% biết về AEC thông qua chính phủ.

Ông Rodolfo Severino, một đồng tác giả khác của cuốn sách, nhận định dường như chính phủ chỉ thích phô trương lèo loẹt để che giấu khuyết điểm và lờ đi việc thực hiện các chương trình phổ cập kiến thức về AEC cho người dân.

Trong khi đó, ông Menon nhấn mạnh, ASEAN vẫn còn phải giải quyết nhiều vấn đề trước thềm AEC. "Dỡ bỏ những rào cản thương mại trong các khu vực nhạy cảm như nông nghiệp, thép và các nhóm ngành dịch vụ cốt lõi”.

Ngoài ra, ASEAN cần phải loại bỏ hàng rào phi thuế quan như ngăn chặn những kẽ hở trong quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, các quy định chống bán phá giá; đồng thời dỡ bỏ các rào cản biên giới như hạn chế số lượng, quản lý biên giới; dỡ bỏ các hạn chế về hậu cần, giao thông, trở ngại cơ sở hạ tầng, các cơ quan hoạt động yếu kém và áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa về chính sách cạnh tranh và quyền sở hữu trí tuệ (IPR).

Đồng thời cần phải nhanh chóng đào tạo một đội ngũ lao động lành nghề và xây dựng một cơ chế quản lý tốt hơn đối với các lao đông không có tay nghề.

Thêm vào đó, một số vấn đề đáng lưu ý cần phải quyết trước năm 2015 đó là, thu hẹp khoảng cách phát triển, đảm bảo các nền kinh tế kém phát triển như Campuchia, Lào và Myanmar bắt kịp nhanh hơn với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Nguồn Seatimes: http://seatimes.com.vn/adb-asean-kho-dat-duoc-muc-tieu-thanh-lap-aec-vao-nam-2015-0189532.html