92% dân số thế giới hít thở không khí bị ô nhiễm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 10 người sống trên Trái Đất thì có 9 người hít thở nguồn không khí bị ô nhiễm.

Theo một báo cáo mới của WHO, 92% dân số trên thế giới phải hít thở nguồn không khí bị ô nhiễm. Việc này dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh như ung thư phổi, tim mạch và đột quỵ.

Bản đồ cho thấy mức độ ô nhiễm không khí trên toàn cầu, màu càng nóng cho thấy mức độ ô nhiễm càng nặng. Đây là dữ liệu chi tiết nhất từng được công bố bởi WHO. Ảnh: Tổ chức Y tế Thế giới.

Tỷ lệ này chiếm mức cao ở các khu vực Bắc Phi, Nam Á, Đông Á và tây Thái Bình Dương. Cứ 3 ca tử vong ở khu vực này thì có đến 2 ca là do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, điều này càng nghiêm trọng hơn khi nhiều nước ở đây là các nước nghèo.

Ngoài ba triệu người chết mỗi năm do mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời, thì ô nhiễm trong nhà cũng là một điều đáng lo ngại. Ô nhiễm trong nhà được gây ra bởi các chất đốt gây ô nhiễm như khói từ gỗ, củi… khi sử dụng trong nhà. Một trên chín ca tử vong do ô nhiễm là bởi ô nhiễm không khí trong nhà.

Nếu so sánh kết quả với từng quốc gia riêng biệt, Turkmenistan là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời. Tiếp theo là Tajikistan, Uzbekistan, Afghanistan, và Ai Cập, là năm nước đứng đầu danh sách này.

Các hạt bụi gây ô nhiễm có kích thước rất nhỏ tồn tại trên từng tế bào tóc, lông của con người. Ảnh: US EPA.

“Các nước phát triển nhận thức được việc cải thiện chất lượng không khí, trong khi những nước nghèo biến không khí ngày một tệ hơn. Đó là xu hướng chung trên toàn thế giới”, tiến sĩ Carlos Dora của WHO cho biết.

Dù vậy, Bắc Mỹ đang làm điều này tốt hơn Châu Âu. Lý do là vì Châu Âu còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu diesel và việc canh tác nông nghiệp có thể tạo ra amoniac và methane.

Trung Quốc tuy là một đất nước giàu có, nhưng đây là đất nước có tỷ lệ tử vong cao thứ sáu do ô nhiễm không khí. Khói bụi dày đặc được liên tục tỏa ra từ các khu công nghiệp trong những thành phố lớn và các chất công nghiệp gây ô nhiễm khác khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

Ngành công nghiệp phát triển nóng vội của Trung Quốc là nguyên nhân khiến nước này có chất lượng không khí cực kém. Ảnh: Getty.

WHO đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, bao gồm phát triển hệ thống giao thông công cộng bền vững, quản lý chất thải công nghiệp và sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo được.

Dữ liệu này được thực hiện khảo sát bằng các vệ tinh và hơn 3000 trạm khảo sát trên mặt đất. Báo cáo sử dụng số liệu từ năm 2012, cho thấy con số đã rất khủng khiếp từ 4 năm về trước.

Quang Niên (BBC)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/92-dan-so-the-gioi-hit-tho-khong-khi-bi-o-nhiem-c7a451991.html