9 nhóm mặt hàng thiết yếu không tăng giá

Trong khi Hà Nội đang triển khai 315 điểm bán hàng bình ổn giá từ nay đến tháng 3/2011 thì nhiều siêu thị, cửa hàng đã điều chỉnh giá bán theo mức tăng từ 5-7% so với tháng 8/2010. Lần tăng giá này tập trung vào nhóm hàng nhập ngoại, chủ yếu là sữa, sôcôla, mỹ phẩm, đồ uống… Sở Công thương Hà Nội cho biết, 9 nhóm mặt hàng thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá của thành phố vẫn được các doanh nghiệp giữ nguyên giá như cam kết.

Có mặt ở đại lý sữa lớn trên phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm vào sáng 25/9, chúng tôi ghi nhận được khá nhiều ý kiến bức xúc của khách hàng khi giá sữa ngoại tăng vùn vụt trong thời gian qua. Qua khảo sát trên thị trường, hầu hết các mặt hàng sữa ngoại từ đầu tháng 9 đến nay đều tăng từ 8-10%. Cầm hộp sữa Pidiasuare của hãng Abott loại 1,8kg có giá 729 nghìn đồng trên tay, chị Nguyễn Thị Loan bất bình: "Hãng sữa tăng giá liên tục khiến người tiêu dùng lao đao. Một hộp sữa cho trẻ mà mất gần tiền triệu, quả là đắt như vàng". Mặc dù còn vài ngày nữa là Thông tư 112 của Bộ Tài chính về quản lý giá sữa có hiệu lực, nhưng hầu hết các hãng sữa ngoại đã điều chỉnh tăng giá chạy trước thông tư. Đến nay mới chỉ có 2 hãng sữa cam kết không tăng giá đến cuối năm là Mead Johnson Nutrition và Công ty cổ phần Thực phẩm Hanco. Giá cả nhiều mặt hàng vẫn ổn định. Không chỉ có giá sữa mới gây bất bình cho người tiêu dùng mà trong những ngày cuối tháng 9 này, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng ở Hà Nội và TP HCM đều tăng khiến các bà nội trợ ngỡ ngàng. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: "Từ tháng 8, hiệp hội đã nhận được thông báo tăng giá nhiều mặt hàng của các nhà cung ứng. Hàng hóa tăng đợt này chủ yếu tập trung vào nhóm mặt hàng nhập ngoại như mỹ phẩm, sôcôla, đồ uống, rượu… Các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng không đáng kể, đặc biệt là 9 mặt hàng được thành phố bình ổn giá thì không tăng". Hà Nội đang triển khai 315 điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó hệ thống siêu thị chiếm tới 2/3. Bất chấp Hà Nội đang triển khai Quỹ bình ổn giá kéo dài từ tháng 7/2010 đến tháng 3/2011 thì giá hàng chục mặt hàng vẫn tăng. Đặc biệt, tại một số điểm "bình ổn giá", ngoài 9 nhóm hàng đã cam kết không tăng giá bán là gạo, dầu ăn, thủy hải sản, rau củ, thực phẩm chế biến sẵn, đường, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm thì nhiều mặt hàng khác vẫn tăng như thường. Thậm chí, theo phản ánh của người tiêu dùng, dù 13 doanh nghiệp tham gia chương trình đều khẳng định sẽ giảm giá tối thiểu 10% nếu thị trường có biến động nhưng giá một số mặt hàng bình ổn vẫn đắt hơn so với bên ngoài. Ông Vũ Vinh Phú cho biết, mỗi tháng người dân Hà Nội chi tiêu 5.000 tỷ đồng, trong khi Quỹ bình ổn giá của Hà Nội chỉ có 400 tỷ đồng. Giá hàng hóa và dịch vụ tăng, kéo theo đời sống thực tế của người nghèo giảm, bởi mức lương tăng không theo kịp mức giá tăng trên thị trường. Theo đánh giá của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, giá nhiều mặt hàng trong hệ thống siêu thị tăng, nhưng sức mua vẫn không giảm, chưa có đột biến. Trong tháng 9/2010, sức mua của người Hà Nội tập trung vào ăn uống và dịch vụ chiếm tới 70%, còn lại 30% dành cho mua sắm và tích lũy. Ông Phú nhấn mạnh: "Từ nay đến cuối năm nhu cầu mua sắm tăng cao, không tránh khỏi việc giá sẽ tiếp tục tăng. Nếu xảy ra tình trạng đột biến về giá thì quỹ bình ổn lúc này sẽ tung ra để kéo giá xuống". Nhưng với tình hình hiện nay, thiết nghĩ, Sở Công thương Hà Nội khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp đã được thành phố cho vay vốn ưu đãi phải dự trữ đầy đủ hàng hóa có hạn sử dụng lâu dài. Với các loại thực phẩm như thịt, trứng, rau… doanh nghiệp ký hợp đồng, chuyển tiền tạm ứng cho nhà cung cấp, đảm bảo cung ứng kịp thời hàng hóa khi thị trường có biến động. Để tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cần tiến hành kiểm tra, giám sát giá tiêu dùng trên thị trường. Theo ông Nguyễn Công San, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Hà Nội, trong kế hoạch kiểm tra thị trường từ nay đến cuối năm 2010 của Chi cục Quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra về giá vào các mặt hàng được Nhà nước bình ổn giá, có hình thức xử lý đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất tăng giá bất hợp lý như dịp cuối năm 2009 vừa qua

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2010/9/137627.cand