9 nguyên liệu salbutamol phải có giấy phép mới được nhập khẩu

(HQ Online)- Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có văn bản thông báo rút 9 nguyên liệu salbutamol ra khỏi danh mục nguyên liệu hoạt chất làm thuốc được phép nhập khẩu không yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu của các thuốc trong nước đã được cấp số đăng ký.

Hiện việc lạm dụng Salbutamol trong chăn nuôi vẫn đang khó kiểm soát. Ảnh internet.

Theo đó, 9 nguyên liệu salbutamol (gồm: GP-salbutamol 2,5mg/5ml; GP-salbutamol; GP-salbutamol 1 mg/2ml; hasalbu 2; Salbutamol 2mg; salbucare 5mg/5ml,; solmux brocho; zensalbu nebules 2.5; zensalbu nebules 5.0) khi nhập khẩu buộc phải có giấy phép nhập khẩu.

Liên quan đến việc nhập khẩu Salbutamol (chất tạo nạc hiện đang bị lạm dụng trong nông nghiệp), sau một thời gian cấm nhập khẩu, ngày 10-8, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã cho phép nhập khẩu trở lại salbutamol.

Hành động này của Cục Quản lý Dược vấp phải nhiều lo ngại của các chuyên gia kinh tế và thực phẩm khi cho rằng việc cho phép nhập khẩu trở lại chất tạo nạc sẽ khiến tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi khó kiểm soát hơn.

Song trong thông cáo báo chí gửi cơ quan truyền thông, đại diện Cục Quản lý Dược lý giải, nhiệm vụ của cơ quan quản lý là phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh cho người dân.

Vì vậy, trên cơ sở đề nghị của các cơ sở sản xuất, cân đối giữa lượng nguyên liệu salbutamol còn tồn tại các đơn vị đề nghị và tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc khác trong nước, căn cứ nhu cầu điều trị bệnh của người dân thông qua các hợp đồng cung ứng cho các cơ sở điều trị, Cục Quản lý dược đã cấp phép cho 2 đơn vị nhập khẩu lượng tối thiểu salbutamol đáp ứng nhu cầu điều trị trước mắt của người dân.

Để ngăn chặn các nhà nhập khẩu bán nguyên liệu salbutamol không đúng đối tượng sử dụng, khi cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu, Cục Quản lý dược đã giao Sở Y tế tại địa bàn doanh nghiệp đóng trụ sở để giám sát, kiểm tra việc nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu của các đơn vị trên. Trên cơ sở nắm rõ về số lượng salbutamol mà doanh nghiệp đó nhập khẩu, mục đích sử dụng, Sở Y tế sẽ tiến hành hậu kiểm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tham mưu đưa nguyên liệu làm thuốc salbutamol (cùng với các hoạt chất sử dụng làm thuốc nhưng bị cấm sử dụng trong các ngành khác) vào danh mục nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt quy định tại Luật Dược 2016.

Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng đã có công văn gửi Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường- Bộ Công an; Cục Thú y, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thông báo việc cấp phép này để cùng phối hợp giám sát nhằm đảm bảo lượng nguyên liệu Ssalbutamol được nhập khẩu trên tuyệt đối không thất thoát, lạm dụng sai mục đích.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/9-nguyen-lieu-salbutamol-phai-co-giay-phep-moi-duoc-nhap-khau.aspx