9 cách đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng giúp mẹ có nguồn sữa dồi dào cho con

Làm thế nào để có nguồn sữa dồi dào và chất lượng cho con luôn là mối quan tâm hàng đầu của các mẹ bỉm sữa. Dưới đây là 9 cách tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả giúp mẹ tăng tiết sữa và đảm bảo nguồn sữa ngọt lành cho con.

Cho trẻ bú đúng cách

Trẻ bú đúng cách và đúng tư thế sẽ nhận được nguồn sữa từ mẹ nhiều hơn. Mẹ hãy chú ý để miệng trẻ ngậm đầy núm vú và ôm giữ cơ thể trẻ sát với mẹ, sao cho mũi trẻ áp vào vú mẹ, mũi trẻ và cằm tạo thành một đường thẳng hướng xuống dưới. Lúc đầu, khi vú đang căng đầy, nhiều sữa đầu (lỏng, giống như sữa đã lấy hết kem) trẻ mút mạnh, nuốt rồi nghỉ, cứ theo nhịp đó, sau đó vú mẹ mềm hơn, bắt đầu có sữa sau (giàu chất béo, rất tốt để trẻ tăng cân và giúp não phát triển) và trẻ bú từ tốn hơn, vì vậy cần cho trẻ bú hết từng bên bầu vú để bảo đảm thành phần dinh dưỡng được cân đối.

Ảnh minh họa

Chia nhỏ số lần cho trẻ bú

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, cữ bú của trẻ càng xa nhau, khả năng tiết sữa của mẹ càng giảm dần. Do đó, mẹ cần thường xuyên cho trẻ bú và chia nhỏ số lần bú của trẻ để giúp nguồn sữa dồi dào hơn.

Nếu những mẹ vốn ít sữa, thiếu sữa cho con, đừng ngại ngần đánh thức trẻ đang ngủ để cho bú. Sự tiết sữa ở người mẹ cũng tuân theo quy luật cung cầu, càng để cho trẻ ngậm lấy đầu vú nhiều lần, đủ để vắt kiệt bầu vú thì sữa càng được tạo ra nhiều. Có thể cho trẻ bú với khoảng cách rất gần ở một thời điểm nào đó trong ngày, thường là chiều tối, lúc trẻ hay quấy khóc nhất để đến đêm trẻ ngủ dài hơn. Trẻ cần bú ít nhất 10-12 lần trong 24 giờ hoặc cách 2 giờ 1 lần và về đêm không quá 4 giờ 1 lần.

Sớm phát hiện trẻ chỉ mút mà không nuốt

Khi nhận thấy trẻ chỉ mút mà không nuốt, mẹ cần dùng ngón cái để nâng đầu vú, các ngón khác đặt ở đáy bầu vú và bóp nhẹ nhằm duy trì dòng chảy của sữa.

Đổi bên bầu vú

Việc mẹ đổi bầu vú khi trẻ chưa bú hết sẽ có thể ảnh hưởng đến sự tiết sữa. Khi bà mẹ ít sữa, cần cho trẻ bú cạn một bên rồi mới chuyển sang bầu vú kia. Và lần cho bú sau, hãy bắt đầu với bầu vú đã có thời gian hồi phục lâu hơn.

Hạn chế cho trẻ bú bình

Trẻ sơ sinh cần sử dụng những cử động lưỡi và hàm khác nhau khi bú mẹ và bú bình. Do đó ở những tháng đầu đời của trẻ, mẹ không nên cho con bú bình với việc làm này có thể khiến quá trình bú mẹ của trẻ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu.

Ảnh minh họa

Đảm bảo tốt dinh dưỡng cho mẹ

Điều kiện cơ bản, nếu người mẹ không có chế độ dinh dưỡng tốt thì rất khó đủ sữa cho nhu cầu của con. Mỗi ngày cần từ 1.800-2.200 calo, uống nhiều nước rất quan trọng để có nhiều sữa.

Nên dùng máy hút sữa ngay sau khi trẻ bú xong

Máy hút sữa có chất lượng tốt giúp hút cạn sữa còn lại, hút trong 10-20 phút, kể cả khi bóp nặn không ra sữa. Cách này giúp bầu vú chỉ còn lại rất ít sữa, bầu vú rỗng sẽ kích thích sự tiết sữa nhiều hơn cho lần bú sau. Tại sao cần hút sữa thường xuyên sau mỗi lần cho con bú? Lại cũng do quy luật cung cầu, bầu vú càng được kích thích nhiều thì càng tiết nhiều sữa. Không đưa ra những lời khuyên chung chung, kinh nghiệm cá nhân mình sử dụng Spectra s1 cực kỳ hiệu quả.

Xem thêm: Chỉ ra 6 nguyên nhân vô tình khiến trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ

Chườm nóng

Một trong những bí quyết để kích thích sữa về mà mẹ có thể tự thực hiện tại nhà là chườm nóng kết hợp massage ngực, đồng thời chườm nóng cho vai và lưng trước khi cho con bú.

Ảnh minh họa

Tránh xa đồ uống có cồn

Uống rượu thực sự làm giảm lượng sữa và ức chế phản xạ xuống sữa. Mặc dầu đôi khi dùng đồ uống có độ cồn có thể an toàn với phụ nữ cho con bú nhưng với bà mẹ ít sữa thì vẫn nên tránh.

Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng sữa:Thuốc uống tránh thai, thuốc chống cảm cúm hay thuốc chống dị ứng có thể giảm tiết sữa, do đó cần hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.

TH

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/me-va-be/9-cach-don-gian-nhung-cuc-ky-quan-trong-giup-me-co-nguon-sua-doi-dao-cho-con-74890