83/100 ứng dụng Android có quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm của người dùng

Một cuộc khảo sát trực tuyến trên được Kaspersky Security Network (KSN) thực hiện trên 17 quốc gia cho thấy, người dùng thường cài đặt 12 ứng dụng Android hàng tháng nhưng chỉ xóa đi 10 ứng dụng, tăng thêm 2 ứng dụng trên thiết bị của mình mỗi tháng.

Theo đó, tình trạng ứng dụng dư thừa đang tồn tại khá phổ biến trên thiết bị cầm tay (smartphone là điển hình) của người dùng. Chỉ một nửa (55%) các trường hợp người dùng thường xuyên làm mới và sửa đổi nội dung của thiết bị và xóa các tài liệu và ứng dụng không sử dụng đến.

KSN cho biết, việc nâng cấp và làm sạch ứng dụng ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết để có thể chống lại các phần mềm sử dụng các lỗ hổng ứng dụng xâm nhập vào thiết bị. Tuy nhiên từ cuộc khảo sát cho thấy, chỉ có hơn 1/4 (28%) người dùng nâng cấp ứng dụng trên thiết bị khi họ buộc phải làm, và 10% trong số đó cố gắng để không cần nâng cấp.

Các phát hiện kĩ thuật của Kaspersky Lab cho thấy trong 100 ứng dụng Android mà người dùng có thể quản lý (cài đặt và xóa), thì có đến 83 ứng dụng có quyền truy cập vào các dữ liệu nhạy cảm của người dùng như danh bạ, tin nhắn, và thậm chí có thể thực hiện cuộc gọi và gửi tin nhắn.

Nguy hiểm hơn, phát hiện từ KSN cũng cho thấy không ít ứng dụng có thể hoạt động mà không cần sự cho phép của người dùng. Trung bình mỗi người dùng có khoảng 66 ứng dụng trên thiết bị Android của họ. Khi thực hiện một bài kiểm tra cho 66 ứng dụng phổ biến này, 54 ứng dụng khởi chạy trong khi người dùng không hề chạm vào chúng, tiêu tốn 22MB dung lượng mỗi ngày mà người dùng không hề hay biết.

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-nghe/83100-ung-dung-android-co-quyen-truy-cap-vao-du-lieu-nhay-cam-cua-nguoi-dung-650157.bld