80% người dân hài lòng về DVHCC: Giật mình vì “con số lạ”

(ĐSPL)- Bộ Nội vụ vừa đưa ra bảng công bố khiến người dân và các chuyên gia nghi ngờ độ sát thực. Theo đó, khi khảo sát tại ba tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Phú Thọ, có tới hơn 80% người dân được hỏi đã trả lời họ hài lòng với dịch vụ hành chính công.

Tuy nhiên, nực cười ở chỗ, sau này, chính bộ Nội vụ đã lên tiếng khẳng định, những người trả lời khảo sát tại bảng điều tra này được trả "thù lao", một số là người nhà của công chức và có trình độ học vấn thấp...

"Choáng" với những con số

Được biết, đợt khảo sát lần này nằm trong lộ trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ. Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ hành chính công (DVHCC). Mục tiêu đặt ra của chương trình khá rõ ràng: Đến 2015 có trên 60% và đến 2020 có trên 80% số người dân bày tỏ sự hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính.

Ba tỉnh được chọn khảo sát thử nghiệm là Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định, thời gian khoảng đầu năm 2013 đến giữa năm 2014. Sau khi bộ Nội vụ đưa ra kết quả, nhiều người cảm thấy nghi ngờ về tính xác thực của bản khảo sát.

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, với hơn 1.570 phiếu khảo sát, kết quả cho thấy tỉ lệ người trả lời phỏng vấn thể hiện sự hài lòng đối với các loại DVHCC lên đến 86%. Trong số đó, nhóm người sử dụng dịch vụ cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được đánh giá mức độ hài lòng cao nhất với trên 89%; tiếp đến là sự hài lòng khi xin GCN đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở của hộ gia đình đạt 88%, cấp GCN đăng ký kinh doanh cho DN (sở KHĐT) đạt trên 79%. Cũng tương tự, ở tỉnh Thanh Hóa, riêng lĩnh vực đất đai, kết quả 83% số người dân đánh giá là hài lòng và rất hài lòng. Lĩnh vực xây dựng có 80% số người dân khá hài lòng; tỉ lệ dân không hài lòng và không ý kiến chỉ chiếm 4%. Khi người dân đang "ngơ ngác" về kết quả khảo sát này thì lại "ngỡ ngàng" hơn, lãnh đạo các sở Nội vụ Thanh Hóa, Phú Thọ, Bình Định thừa nhận rằng, người trả lời bảng hỏi được trả thù lao, thậm chí là người thân của một số cán bộ công chức...

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Thứ trưởng bộ Nội vụ cho hay, qua khảo sát thí điểm, Bộ sẽ cân nhắc trong việc đưa ra phương pháp khảo sát hợp lý, khách quan nhất, từ đó kết quả sẽ làm căn cứ để quá trình cải cách hành chính thực hiện sát sao hơn. Đặc biệt, sẽ có đơn vị độc lập hoàn toàn đứng ra đánh giá, thậm chí sẽ phúc tra kết quả khảo sát của địa phương.

Chị N.T.M. (34 tuổi, kế toán của một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng tại TP. Thanh Hóa) bức xúc: "Chẳng hiểu người ta đi khảo sát khi nào và lấy cái số liệu ấy ở đâu ra, chứ từ trước đến nay, không chỉ Thanh Hóa mà người dân trên cả nước "kêu trời" về cán bộ, công chức gây khó dễ, nhũng nhiễu nếu không có tiền "bôi trơn". Đơn cử như công ty tôi, khi đi làm thủ tục nộp thuế, kê khai thuế, chúng tôi cũng bị cán bộ "cháo hành" cho "lên bờ xuống ruộng", phải đi lại nhiều lần, tốn kém thời gian và các khoản chi phí "ngoài quy định". Bất cứ ai cứ vào thử các cơ quan Nhà nước xem thái độ của cán bộ, công chức như thế nào, cần gì phải khảo sát. Người nằm trong diện khảo sát được cho tiền, "mớm" lời thì cái gì họ chẳng nói. Tôi thất vọng về bản kết luận này".

Nhiều người kêu trời về tình trạng nhũng nhiễu của dịch vụ hành chính công. ảnh minh họa.

Vì thành tích sẵn sàng "mông má" kết quả

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật , ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, đây là số liệu không phản ánh đúng thực chất của ba tỉnh được khảo sát. Bởi, nếu phản ánh đúng thì các tỉnh đó phải phát triển kinh tế mạnh mẽ, cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người. Tất nhiên là khi người trả lời được nhận tiền hoặc người trả lời là người quen của cán bộ công chức thì các câu trả lời sẽ không còn mang tính khách quan nữa. Muốn phản ánh đúng, trung thực câu trả lời người được hỏi phải tuyệt đối không bị chi phối bởi một yếu tố nào. Nhưng trong những trường hợp trên, thông qua người nọ người kia, kết quả được phân tích, được định hướng trước thì ai chẳng đặt nghi vấn về độ trung thực của nó. "Đồng tiền và quan hệ họ hàng đương nhiên là sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu và chất lượng kết quả", ĐBQH Bùi Thị An thẳng thắn.

Trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính) cho biết: "Tôi cảm thấy giật mình khi nghe thấy kết quả này. Giật mình bởi, sao lại có con số lạ như thế. Tuy nhiên, sau khi định hình lại, tôi thấy điều đó là bình thường. Bình thường bởi lẽ, trong thời gian gần đây, nhiều thông tin vốn lạ mà lại thành bình thường. Chẳng hạn như việc đánh giá cán bộ công nhân viên chức, phản ánh nhiều nơi cho thấy có 30% không làm được việc song theo báo cáo của bộ Nội vụ trình lên Quốc hội thì có khoảng 1% là không hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc như vừa qua, các tỉnh đưa ra các con số phát triển về GDP đến bây giờ lại lộ ra là mỗi nơi không giống nhau, không thể dựa vào đó để phát triển được. Giữa báo cáo và thực tiễn có một khoảng cách rất xa".

TS. Ngô Thành Can.

Theo TS. Can, mục đích của cuộc khảo sát là xem người dân đánh giá thế nào về cơ quan công quyền, thái độ phục vụ nhân dân đến đâu. Nếu đã tốt rồi, hài lòng rồi thì việc gì ta phải cải cách nữa. Điều này dẫn đến hệ lụy nguy hiểm rằng, những người có ý định cải cách hành chính sẽ dễ dàng thỏa mãn. Bao nhiêu lời kêu ca của người dân đối với cơ quan công quyền về tình trạng hạch sách, nhũng nhiễu chẳng lẽ lại thành vô nghĩa. Trong khi đó, nhiều cuộc hội thảo về phòng chống tham nhũng đã thừa nhận thực trạng đưa "lót tay" để có được việc làm trong khu vực công, hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ ở bệnh viện tuyến huyện/quận còn phổ biến...

Bộ trưởng Bộ Tài chính mới đây cũng thừa nhận là cán bộ thuế vẫn còn "ăn vặt" tiền của người dân và doanh nghiệp. Những điều trên đều ngược với kết quả của cuộc điều tra này. "Chính vì thế tôi cảm thấy băn khoăn về phương pháp điều tra. Có thể, phiếu thiết kế tốt nhưng phương pháp điều tra không chuẩn. Bên cạnh đó, người trả lời cũng không chuẩn vì trả lời theo gợi ý và trước đó đã được nhận tiền nên vui vẻ trả lời cho xong chuyện. Đó là chưa kể đến có rất nhiều người thân tham gia khảo sát. Chỉ với những điều này thôi đã thấy rằng kết quả khảo sát có phần thiếu nghiêm túc. Nó giống như bệnh thi đua chạy theo thành tích, không phản ánh được thực tế. Nếu lấy con số này mà làm căn cứ, làm chính xác thì "hỏng" hết", TS.Can nhấn mạnh.

TS. Ngô Thành Can cho rằng, từ trước đến nay chúng ta cũng đã thực hiện nhiều cuộc điều tra, khảo sát nhưng có một số cơ quan chạy theo thành tích nên sẵn sàng "mông má" kết quả. Chẳng hạn như điều tra về tác động của thủy điện đến dân cư, điều tra về GDP... Trong lĩnh vực công, bên cạnh những số liệu mà các đơn vị tiến hành, cũng cần có những điều tra của các đơn vị độc lập, thu thập những ý kiến đúng, xuất phát từ thực tế. Phương án, vừa sử dụng kết quả của đơn vị nội bộ vừa sử dụng kết quả của đơn vị độc lập để làm căn cứ điều chỉnh chính sách thì sẽ hợp lý hơn.

Lãng phí và vô cùng nguy hiểm

Cũng theo vị TS. này, dù tiến hành thí điểm ở ba tỉnh thành thôi nhưng nó cũng tiêu tốn không ít kinh phí, thời gian, công sức, trang thiết bị máy móc. Nếu quả thật, nó cho ta biết đó là kết quả đúng, giúp ích cho việc làm chính sách thì quá tốt. Còn nếu tiêu tốn tiền mà đưa ra con số sai, lấy con số sai đó mà ra quyết sách thì vô cùng nguy hiểm. Những lời kêu ca của dân về kê khai thuế, thủ tục hải quan hay thái độ của công chức, viên chức, văn hóa hành vi ứng xử của công chức với nhau… thì nói lên điều gì.

VĂN CHƯƠNG- PHẠM HẠNH

Xem thêm video clip : Clip: Chết cười với hình ảnh bé đi chơi vườn thú

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/80-nguoi-dan-hai-long-ve-dvhcc-giat-minh-vi-con-so-la-a48113.html