8 KHÔNG để con ăn dặm thành công, ăn rau 'thun thút' của mẹ Việt ở Úc

Chị Nguyễn Tú Trâm, hiện đang sinh sống tại Melbourne (Úc) không hướng con theo chuẩn phải to béo mà muốn con chắc khỏe và cân đối nên luôn đề cao bổ sung rau củ, chất xơ cho bé.

“Bé nhà mình sinh non ở tuần 34 được 2,2kg nên mình khá lo lắng cho con, tuy nhiên được sự hướng dẫn tận tình từ bác sĩ cũng như bản thân cố gắng cập nhật và tuân theo các hướng dẫn nuôi con khoa học nên trộm vía, bé nhà mình hiện giờ ăn ngủ khá ngoan, phát triển vận động cũng không bị chậm gì nhiều so với các bạn sinh đủ tháng”, chị Trâm tâm sự. Bé Na hiện giờ vừa tròn 15 tháng, cân nặng được 12 kg và chiều cao là 80 cm.

Vì bé Na sinh non nên hệ tiêu hóa và hấp thụ của con khá yếu, chị Trâm chia sẻ, bản thân đã rất may mắn đủ sữa mẹ cho con bú hoàn toàn trong một năm đầu nên bé đã được hấp thụ hoàn toàn các kháng thể có lợi trong sữa mẹ.

Khi con được 6 tháng, chị Trâm bắt đầu cho bé ăn dặm. Trước khi quyết định phương pháp ăn dặm phù hợp với con, chị cũng đã tham khảo rất nhiều thông tin và rất tâm đắc với phương pháp ăn dặm chỉ huy BLW.

Tuy nhiên, vì con sinh non nên không thể áp dụng ngay phương pháp này được nên chị đã quyết định áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé Na.

Video bé Na hào hứng và tự giác ăn hết phần ăn của mình:

Trong giai đoạn từ 6-7 tháng, bé Na chỉ ăn 1 bữa/ ngày và thường ăn sau khi bú sữa xong khoảng 40 phút vào lúc 10h trưa hoặc 2h chiều.

Thời gian một tuần đầu, chị Trâm cho bé Na ăn cháo trắng loãng được nấu kĩ theo tỉ lệ 1 gạo: 10 nước. Trước khi cho con ăn, chị Trâm còn cẩn thận tán cháo trên rây một lần nữa để cháo đạt độ mịn thích hợp.

Đặc biệt, chị Trâm không dùng nước xương, thịt để nấu cháo cho con mà dùng hoàn toàn nước luộc rau củ để cháo thơm ngon hơn và giúp con cảm nhận được vị ngọt tự nhiên từ rau củ, giúp kích thích vị giác của bé.

Sang tuần thứ hai trở đi, chị Trâm bắt đầu đổi món cho bé. Xen kẽ những bữa cháo trắng nấu nước rau củ, chị bắt đầu cho con ăn thêm rau củ hấp mềm, tán nhuyễn trên rây và hòa thêm với nước rau củ.

Thời gian này, lượng ăn của bé Na chỉ khoảng 15-20 ml thức ăn cho 1 bữa/ ngày.
“Mình không hiểu sao có nhiều mẹ cho con ăn cả một tô bột đầy ụ, con ăn hết rồi vài hôm sau con chỉ ăn vài thìa rồi bỏ thì mẹ bắt đầu stress vì con không ăn nhiều như trước.Trong khi bé không cần ăn lượng bột cháo nhiều đến như vậy”, chị Trâm chia sẻ.

Đến giai đoạn bé ăn tăng lên 40 ml hay 45 ml 1 bữa/ ngày thì chị Trâm cho con ăn cháo trắng cùng 1 hay 2 loại thức ăn khác đi kèm. Nguyên tắc khi cho con ăn của chị Trâm là tuyệt đối không trộn chung mà đút riêng từng loại thức ăn để con có thể nếm các vị khác nhau.

Nguyên tắc này cũng giữ đến khi bé Na bắt đầu vào giai đoạn ăn thô hơn. “Giai đoạn sau các mẹ có thể linh động trộn cháo trắng hoặc cơm vơi 1 loại thức ăn như thịt hay cá cùng nhau, nhưng rau củ thì mình vẫn làm 1 bát riêng để con ăn xen kẽ”, mẹ Na chia sẻ.

Bé rất hào hứng và tự giác trong bữa ăn.

Đến giai đoạn bé Na được 8-9 tháng tuổi thì chị Trâm tăng khẩu phần ăn của con lên 2 bữa/ ngày, cách ngày cho con ăn trái cây hòa sữa và sữa chua để bổ sung dưỡng chất. Lúc này cháo trắng của bé Na được nấu đặc hơn một chút theo tỷ lệ là 1 gạo: 7 nước.

Trong thời gian đầu của giai đoạn này, chị Trâm vẫn rây cháo trên rây trước khi cho bé Na ăn vì chị muốn con tập làm quen với độ đặc mới trước. Sau đó chị Trâm cho bé Na ăn cháo thô, không tán qua rây nữa thì bé Na rất hợp tác và xử lý phần thô của hạt cháo rất dễ dàng.

Rau củ được chị Trâm hấp chín rồi dùng thìa tán nhuyễn, thịt cũng được giã nát bằng cối chứ không xay nhỏ như trước nữa để bé Na bắt đầu tập nhai.

Bắt đầu từ cuối tháng thứ 9 đến tháng thứ 11, chị Trâm bắt đầu cho bé Na tập bốc bằng tay kết hợp với mẹ vẫn bón cháo cho bé ăn. Cháo giai đoạn này được chị nấu với tỉ lệ 1 gạo : 5 nước và không tán qua rây nữa. Rau củ cũng được cắt khối to rồi hấp mềm để bé có thể nắm bốc và tự ăn. Cá thịt vẫn là hấp hoặc chiên áp chảo.

Từ cuối tháng thứ 11 trở đi, bé Na bắt đầu tập ăn cơm nát được nấu theo tỉ lệ 1 gạo : 3 nước. Thức ăn cũng được mẹ bé xử lý để độ thô tăng hơn một chút so với giai đoạn trước.

“Thỉnh thoảng mình cũng áp dụng phương pháp ăn dặm truyền thống là nấu cháo trộn chung các loại thực phẩm. Tuy nhiên, cách này mình chỉ áp dụng khi bé đã ăn thô hơn và thức ăn không tán nhuyễn mà để dạng khối mềm để bé dù ăn cháo trộn chung nhưng vẫn cảm giác được những thành phần trong cháo”, chị Trâm tâm sự.

Bé Na có thể tự mình ăn rất siêu.

Chị Trâm tâm niệm, cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm và tập cho bé ăn rau từ khi bắt đầu sẽ tốt hơn và hình thành thói quen ăn rau xanh cho con, bữa ăn nào của con cũng nên có một bát rau củ đi kèm .

Nhờ chị kiên trì áp dụng như thế mà bé Na ăn rau khá giỏi và rất hào hứng khi ăn nhiều loại rau củ như súp lơ, cà rốt, bí đỏ, rau cải xanh, rau chân vịt, rau bắp cải ....

Bên cạnh việc ăn dặm, chị Trâm vẫn cho con bú sữa mẹ nhưng lượng sữa giảm dần theo mỗi giai đoạn bé lớn vì sau một tuổi, trẻ bắt đầu tiếp nhận dinh dưỡng từ thức ăn là chính.

Hiện giờ, hàng ngày bé Na ăn 3 bữa chính, 1-2 bữa phụ và bú khoảng 500ml sữa. Bữa phụ của bé Na được chị Trâm thay đổi thường xuyên, từ các món bánh tự làm đến các loại sinh tố hoa quả hoặc rau củ bổ sung nếu hôm đó trong khẩu phần chính ít rau.

Những lưu ý được chị Trâm rút ra trong quá trình cho bé Na ăn dặm:

- Không cho bé ăn dặm quá sớm: Khá nhiều mẹ nhầm lẫn với việc con nhìn người lớn ăn cứ mút tay thòm thèm rồi tự mặc định rằng con đã săn sàng ăn dặm. Điều này là không đúng, vì vào khoảng tháng thứ 3-4, con đã biết quan sát và bắt chước nên khi nhìn người lớn ăn, con có những biểu hiện như vậy là bình thường và bé nào cũng sẽ có hành động như vậy.

Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc bé sẵn sàng ăn dặm. Bởi vì hệ tiêu hóa của trẻ lúc này vẫn chưa hoàn chỉnh, các gai vị giác trên lưỡi của con cũng vậy. Nếu ăn dặm quá sớm thì con rất dễ bị rối loạn vị giác và đây là 1 trong những nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn kéo dài của bé ở giai đoạn sau này.

Chị Trâm chia sẻ rằng, giai đoạn bé tròn 5 tháng đến đủ 6 tháng là giai đoạn tốt nhất để bắt đầu ăn dặm. Chỉ những bé suy dinh dưỡng, nhẹ cân mới phải cho ăn sớm nhưng ít nhất bé cũng phải đủ 4 tháng.

- Không cho bé ăn dặm bằng bột ăn dặm đóng hộp: Chị Trâm được các bác sĩ khuyên không nên dùng bột ăn dặm đóng hộp cho con, vì mặc dù nó khá phổ biến nhưng thật sự không tốt cho con. Trong loại thực phẩm này có chất bảo quản và hương liệu nhân tạo, những tác nhân này sẽ khiến vị giác của con bị rối loạn và cũng chính là nguyên nhân gây biếng ăn giai đoạn trễ.

Vì vậy nên các mẹ nên tự xay bột cho bé ăn hoặc cho bé ăn cháo theo độ loãng phù hợp với tháng tuổi của con.

Một bữa ăn của bé Na được mẹ chuẩn bị, gồm có canh khoai tím nấu thịt băm, khoai tây hấp chín chiên sơ 4 mặt và cơm trắng.

- Không nêm nếm bất cứ gia vị trong thức ăn của con: Số lượng gai vị giác trên lưỡi bé nhiều gấp nhiều lần so với số gai vị giác trong lưỡi của người lớn, do vậy bé sẽ rất nhạy cảm với các gia vị.

Khi các mẹ nếm thấy nhạt có nghĩa là đã rất mặn đối với con. Bé cũng không hề biết vị mặn ngọt nên các mẹ đừng tự cho rằng bé không ăn là do nhạt quá vì bé từ chối ăn có rất nhiều lý do. Các mẹ nên thử khắc phục từng lý do chứ đừng nghĩ đến việc nêm gia vị vào để trẻ ăn.

Ban đầu có thể con sẽ ăn vì thấy vị mặn ngọt rõ rệt nhưng đó chỉ là phản ứng nhất thời của sự tò mò. Sau đó cơ thể bé phải hoạt động quá sức để thận đào thải muối,... thì bé sẽ tự động từ chối ăn và vị giác của bé sẽ bị rối loạn gây ra tình trạng biếng ăn khó khắc phục.

- Không cho bé ăn nằm: Các mẹ nên cho bé ngồi ghế tập ăn hoặc cho bé ngồi vào ghế có độ ngả lưng ra sau nếu bé chưa biết ngồi. Ăn nằm rất dễ gây sặc dẫn đến nhiều hậu quả tai hại.

- Không cho bé ăn quá nhiều: Các bé mới tập ăn dặm chỉ nên ăn ít vì nếu ăn quá nhiều sẽ làm bé bỏ bú sữa, mà giai đoạn dưới 1 tuổi sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính mà con có thể hấp thụ dễ nhất và nhanh nhất.

Bé Na hiện giờ vừa tròn 15 tháng cân nặng được 12 kg và chiều cao là 80 cm.

- Không dùng nước hầm xương để nấu thức ăn cho bé: Nếu muốn nước ngọt ngon thì dùng thịt nạc hay sườn non ninh lấy nước cũng được nhưng chỉ 2 lần/ tuần.

-Không được đút cho bé ăn bất cứ loại thức ăn nào của người lớn, dù chỉ là miếng rau hay miếng khoai: Trẻ cần được hình thành thói quen ăn vào đúng bữa, nếu cho ăn linh tinh như thế thì trẻ sẽ không phân biệt được cảm giác thật đói và được ăn no, ăn đúng bữa là như thế nào.

Nếu người lớn cho bé ăn bất cứ thứ gì vào bất cứ giờ nào không theo nguyên tắc thì bé sẽ bị rơi vào tình trạng chỉ ăn nửa vời, chỉ cần lưng bụng là sẽ quay đi không ăn hết bữa.

-Không cho con xem tivi hoặc bế rong đi ăn: Con cần được ngồi vào ghế ăn, mẹ và con tương tác, giúp bé tập trung vào thức ăn, tập trung thưởng thức mùi vị của thức ăn.

Nếu bé vẫn không chịu ăn thì mẹ nên dừng lại ngay, bế bé ra khỏi ghế và cho bé chơi. 15 phút sau thử lại cho bé vào ghế ăn. nếu bé vẫn không chịu thì mẹ dọn đồ ăn và cho ăn lại sau 2 tiếng.

Chị Trâm cũng đặc biệt lưu ý các mẹ không nên cho bé bú bù sữa ngay lúc đó mà nên để bé biết cảm giác đói thì bé sẽ dễ dàng tiếp nhận việc ăn dặm tốt hơn.

Khánh Linh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/me-va-be/8-khong-de-con-an-dam-thanh-cong-an-rau-thun-thut-cua-me-viet-o-uc-87126/