8 điều đáng học hỏi từ các hệ thống giáo dục thành công trên toàn thế giới

Từ lâu, các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới đã được thử nghiệm và cải tiến để tạo ra kết quả học tập và cách trau dồi phát triển cá nhân cao nhất cho trẻ em. Trẻ sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các nền văn hóa và tư tưởng của quốc gia mà trẻ đang được hưởng nền giáo dục.

Nhiều quốc gia cơ cấu giáo dục của họ theo những cách khác nhau nhưng đây là 4 nước có nền giáo dục thành công nhất.

Nhật Bản

Phát triển nhân cách trước, kiến thức sau

Bất cứ ai đã đến Nhật Bản sẽ thấy người Nhật rất lịch sự và văn minh. Điều này là do văn hóa Nhật có vai trò lớn trong việc xây dựng nhân cách của một đứa trẻ trước khi bắt đầu giáo dục kiến thức.

Trong những năm đầu tại trường học, trẻ em Nhật Bản sẽ được giáo dục phát triển sự tôn trọng, lòng từ bi, quảng đại, phân biệt đúng sai, công lý, tự kiểm soát bản thân và sự quyết tâm. Những đặc điểm này giúp thiết lập cảm giác cân bằng cần thiết để trẻ thành công trong học tập và cuộc sống tương lai.

Sinh viên Nhật Bản tự dọn vệ sinh trường

Trong khi nhiều trường học quyết định thuê lao công để làm sạch mọi ngóc ngách thì ở Nhật Bản, sinh viên phải tự làm sạch các phòng học, hành lang, nhà ăn, thậm chí cả nhà vệ sinh.

Các sinh viên sẽ chia thành các nhóm để làm công việc này hàng ngày. Hoạt động này trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống giáo dục Nhật Bản bởi vì nó dạy cho một đưa trẻ cách dọn dẹp và tầm quan trọng của thói quen giữ gìn vệ sinh. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng thúc đẩy tinh thần đồng đội giữa các học sinh, dạy cách tôn trọng công việc của mình và công việc của người khác.

Phần Lan

Càng đơn giản càng tốt

Hệ thống giáo dục của Phần Lan cũng là một trong những điểm nổi tiếng của quốc gia này. Một điều làm nên sự nổi tiếng này là giảm ý tưởng xuống mức thấp nhất có thể. Giáo viên Phần Lan dành khoảng 600 giờ/năm để giảng dạy trên lớp học, gần gấp đôi với thời gian dạy của giáo viên ở Mỹ. Ưu điểm của hành động này cho phép giáo viên có nhiều thời gian để đầu tư và phát triển chuyên môn, đỡ gánh nặng hướng dẫn con cái học cho bố mẹ. Mà cuối cùng, hoạt động này giúp nâng cao chất lượng dạy học: đào tạo ra những học sinh giỏi và ra lò đội ngũ giảng viên chất lượng.

Trẻ dành nhiều thời gian học hỏi bên ngoài lớp học

Phần Lan và các nước Bắc Âu khác, trong đó có Na Uy và Thụy Điển, luôn nhấn mạnh vào quá trình đào tạo bên ngoài trường lớp. Trẻ em ở Phần Lan dành nhiều thời gian khám phá và chơi vì nhà trường cho rằng đó là một phần quan trọng trong quá trình học tập của trẻ.

Ngay cả vào mùa đông, trẻ em vẫn tham gia các chuyến dã ngoại, khám phá rừng, núi. Ngoài việc khuyến khích trẻ hoạt động bên ngoài, tiếp xúc với thiên nhiên còn giúp các em nâng cao sức khỏe, sự hạnh phúc và giúp bộ não phát triển.

Singapore

Đầu tư nhiều vào công nghệ

Singapore là một trong những quốc gia có nền giáo dục đạt nhiều thành tựu nhất châu Á cũng như thế giới với rất nhiều công nghệ hỗ trợ việc học và giảng dạy. Công nghệ là một đòn bẩy giúp cải thiện chất lượng giảng dạy tại Singapore và tạo cơ hội cung cấp thông tin cho trẻ. Nhà trường đầu tư môi trường học tập kỹ thuật số, truy cập internet tốc độ cao, sách giáo khoa điện tử, nhiều tài liệu học tập thông minh. Đặc biệt, nền giáo dục này hoàn toàn hỗ trợ cho các học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp.

Giới thiệu tầm quan trọng của tâm lý học về sự tích cực

Singapore đã có nhiều cải cách đáng kể trong hệ thống giáo dục trong những năm gần đây. Một trong những điều bổ sung đặc biệt là nhà trường phát triển chương trình giảng dạy kỹ năng xã hội và tình cảm, giúp trẻ tập trung khám phá tâm lý tích cực, khả năng phục hồi sau khó khăn. Giáo dục tích cực là một trong những chương trình tích hợp cơ bản và quan trọng, nuôi dưỡng và định hình cách giải quyết vấn đề của trẻ mỗi khi gặp khó khăn.

Đức

Không có sự so sánh giữa các trường

Những bài kiểm tra chương trình giảng dạy quốc gia ở các quốc gia khác nhau trên thế giới được sử dụng để so sánh thành tích giữa các trường. Điều này đặt nhiều áp lực vào học sinh, khiến các em khó phát triển cá nhân. Tại Đức, các bảng xếp hạng sẽ không được công bố, trường học không phải lo lắng về danh tiếng. Các trường sẽ không có sự so sánh, giúp tập trung hơn vào quá trình giáo dục chứ không phải kết quả, đem lại cho trẻ cách tiếp cận thú vị, ít bị áp lực học tập.

Ít phân biệt giữa các học sinh có lực học khác nhau

Phân cấp lực học của trẻ là hành động của nhiều trường học trên thế giới. Tại Đức, các trường phát triển toàn diện hơn, giảng dạy và hỗ trợ trẻ ở mọi lực học trong cùng một môi trường. Điều này phá vỡ sự phân biệt giữa trẻ em trong việc học tập, thúc đẩy sự linh hoạt của trẻ, loại bỏ sự kỳ thị.

Thế nào là hệ thống giáo dục hoàn hảo?

Mặc dù nhiều quốc gia châu Á đang tiếp thu hệ thống giáo dục phương tây nhưng để đạt hiệu quả cao nhất, quốc gia đó phải đáp ứng được sự khác biệt về nhu cầu, văn hóa và thử nhiều cách. Một trong những điều không thể không đầu tư là dạy trẻ về chiến lược cảm xúc và cách tư duy tích cực, khuyến khích trẻ suy nghĩ về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng.

Không chỉ có vậy, chính quyền không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc đầu tư vào chất lượng chuyên môn của giáo viên. Dù quan điểm của bạn về hệ thống giáo dục hoàn hảo như thế nào đi nữa, thành công của một quốc gia chính là thành công của giáo dục.

Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Xã hội

Ái Lê

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/8-dieu-dang-hoc-hoi-tu-cac-he-thong-giao-duc-thanh-cong-tren-toan-the-gioi-d48656.html