70% trẻ nhiễm HIV/AIDS được hưởng dịch vụ theo nhu cầu

70% trẻ em nhiễm HIV/AIDS trong diện quản lý được hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ theo nhu cầu; 72% cơ sở trợ giúp, chăm sóc điều trị trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan được cung cấp kỹ năng về chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Ban Tổ chức cuộc thi "Vẽ tranh và sáng tác thông điệp về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS" năm 2016 trao giải thưởng cho trẻ em đạt giải cuộc thi. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020.

Theo báo cáo, số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hiện nay tại Việt Nam là 121.723 trẻ, trong đó trẻ em nhiễm HIV/AIDS là 6.800; trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV/AIDS là 73.129; trẻ có nguy cơ nhiễm cao (sử dụng ma túy; con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy; sống trong các cơ sở trợ giúp trẻ em) là 41.794.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng phải chịu nhiều hậu quả nặng nề do HIV/AIDS tác động làm hạn chế, thậm chí làm mất đi những quyền cơ bản mà trẻ được hưởng.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 570, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Giúp cho quyền của trẻ em được thực hiện tốt hơn, cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của trẻ; nâng cao nhận thức của cán bộ ở các cơ sở trợ giúp trẻ em, các cơ sở điều trị trẻ em nhiễm HIV/AIDS, các trường học và những tổ chức liên quan cũng được nâng cao năng lực.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện. Mạng lưới liên kết dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được xây dựng. Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em được triển khai và được đánh giá bước đầu có hiệu quả, phù hợp với các địa phương và được địa phương nhân rộng triển khai tại cơ sở.

Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng, các cấp, các ngành tại một số địa phương vẫn còn hạn chế. Hiện nay vẫn còn 27 tỉnh, thành phố chưa bố trí kinh phí cho việc thực hiện Quyết định. Khoảng 30% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ bị nhiễm HIV. Việc tiếp cận với dịch vụ điều trị của trẻ bị nhiễm HIV/AIDS tại một số nơi còn khó khăn do thiếu phòng khám điều trị tuyến huyện, do sự kỳ thị phân biệt đối xử. Còn hơn 30% trẻ chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Cho đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 và chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch. Tỉ lệ trẻ em trong diện quản lý được hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ theo nhu cầu (chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, hưởng chính sách hỗ trợ…) là 70%.

Để đạt được các mục tiêu thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2017-2020, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Tăng cường triển khai các hoạt động cung cấp thông tin, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV cho các cấp, các ngành, các cơ sở dịch vụ trợ giúp trẻ em, các cơ sở điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội liên quan, cộng đồng, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Hỗ trợ cho các em được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Đặc biệt, cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tập trung nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ cho trẻ em này được đáp ứng đầy đủ các dịch vụ và tập trung tăng cường công tác giám sát tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại các địa phương.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức cuộc thi "Vẽ tranh và sáng tác thông điệp về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS" năm 2016 đã công bố và trao giải thưởng cho trẻ em đạt giải cuộc thi.

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/70-tre-nhiem-hivaids-duoc-huong-dich-vu-theo-nhu-cau/292233.vgp