70 năm- chuyện về bản Hiến pháp đầu tiên

Ngày 9/11/1946, Quốc hội khóa I đã biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với 240/242 đại biểu tán thành. Từ bấy đến nay đã tròn 70 năm. 7 thập kỷ trôi qua, nhưng những tình tiết về sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên vẫn khiến nhiều người tò mò.

“Phải có một bản Hiến pháp dân chủ”

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vừa mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở vào một tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vận mệnh của Tổ quốc, nền độc lập của dân tộc vừa mới giành được đang đứng trước nguy cơ mất còn. Vì vậy, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã xác định, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp. Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”.

Ngày 20-9-1945, Chính phủ Lâm thời ra Sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Tháng 11/1945, bản Dự án Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Chính phủ soạn thảo và được công bố để lấy ý kiến các chính giới. Hàng triệu người Việt Nam hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Hiến pháp chứa đựng mơ ước bao đời của nhân dân ta về độc lập và tự do.

Ủy ban kiến quốc của Chính phủ cũng đã tự nghiên cứu và đưa ra một Dự thảo Hiến pháp.

Ngày 2/3/1946, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, Quốc hội đã bầu Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viên.

Nhiệm vụ của Ban là tiếp tục nghiên cứu Dự thảo Hiến pháp để phiên họp sau đem trình trước Ban Thường trực để Ban Thường trực trình Quốc hội. Căn cứ vào bản Dự án của Chính phủ và đối chiếu với bản Dự thảo của Ủy ban kiến quốc, tập hợp những kiến nghị phong phú của toàn dân và tham khảo kinh nghiệm soạn Hiến pháp của các nước ở châu á, châu Âu, Ban Dự thảo Hiến pháp của Quốc hội đã soạn thảo một Dự án Hiến pháp để trình Quốc hội.

Trong phiên họp ngày 29/10/1946, Ban Dự thảo Hiến pháp của Quốc hội được mở rộng thêm 10 vị đại biểu cho các nhóm, đại biểu trung lập, đại biểu Nam Bộ, đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số để tham gia tu bổ thêm bản Dự án.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, từ ngày 28/10 đến ngày 9/11/1946, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam thực hiện quyền lập hiến. Từ ngày 2/11/1946, Quốc hội bắt đầu thảo luận về Dự án Hiến pháp. Các đại biểu của các nhóm đảng trong Quốc hội đã lần lượt phát biểu ý kiến. Các vị đại biểu của các nhóm đều đã nêu ra những ưu điểm của Dự án Hiến pháp, đóng góp thêm một số khía cạnh cụ thể và đi đến thống nhất nội dung của Dự án. Sau nhiều buổi thảo luận và tranh luận sôi nổi, sửa đổi, bổ sung cho từng điều cụ thể, ngày 9/11/1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hiến pháp 1946 với sự nhất trí của 240/242 đại biểu dự họp.

Trong phiên họp ngày 9/11/1946, sau khi tuyên bố Hiến pháp đã trở thành chính thức, Quốc hội ra Nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban thường trực Quốc hội cùng với Chính phủ ban bố và thi hành Hiến pháp khi có điều kiện thuận lợi. Ngày 19/12/1946, mười ngày sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Do hoàn cảnh chiến tranh mà Hiến pháp 1946 không được chính thức công bố, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân không có điều kiện thực hiện. Tuy nhiên Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Ban thường vụ Quốc hội luôn luôn dựa vào tinh thần và nội dung của Hiến pháp 1946 để điều hành mọi hoạt động của Nhà nước.

“Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông”

Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam ghi rõ thành quả của cuộc cách mạng Việt Nam là “đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa”, “Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới”. Lời nói đầu của Hiến pháp xác định ba nguyên tắc cơ bản: Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Hiến pháp 1946 gồm có Lời nói đầu, 7 chương và 70 điều. Điều luật thể hiện rõ nhất nguyên tắc đoàn kết toàn dân là Điều 1 của Hiến pháp, đó là: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Đây là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của Nhà nước Việt Nam: lần đầu tiên một Nhà nước dân chủ nhân dân được thành lập ở nước ta, với hình thức chính thể là cộng hòa.

Hiến pháp năm 1946 chú trọng đặc biệt đến việc bảo đảm quyền lợi dân chủ cho nhân dân. Hiến pháp đã xây dựng một chương riêng về chế định công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhân dân được bảo đảm các quyền tự do dân chủ. Điều 10 Hiến pháp ghi nhận: “Công dân Việt Nam có quyền:- Tự do ngôn luận, Tự do xuất bản, Tự do tổ chức và hội họp, Tự do tín ngưỡng, Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Đây cũng là lần đầu tiên Nhà nước Việt Nam ghi nhận phụ nữ ngang quyền với nam giới trong mọi phương diện và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật

Đánh giá về ý nghĩa của việc ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “… bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà… là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông… Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do… phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.

Tuy nhiên, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, bản Hiến pháp 1946 đã khẳng định những tư tưởng cơ bản về sự lựa chọn con đường phát triển của Dân tộc Việt Nam hiện đại sau khi đã đánh đổ chế độ thực dân để trở thành một quốc gia độc lập và chấm dứt chế độ phong kiến từng tồn tại ngàn năm để lựa chọn một thể chế chính trị hiện đại dựa trên nguyên lý Dân chủ Cộng hòa được thể hiện trong Bản Tuyên ngôn Độc lập đọc vào ngày 2/9/1945.

Cốt lõi cái mới trong mô hình dân chủ thể hiện trong bản Hiến pháp 1946 chính là sự lựa chọn mô hình một viện, được định danh là “Nghị viện Nhân dân” (tương tự như Quốc hội) là cơ quan tập trung quyền lực, có “quyền biểu quyết những dự án, sắc luật của Chính phủ”, có “quyền giám sát và phê bình Chính phủ” nhưng vấn đề mấu chốt chính là “quyền phúc quyết của nhân dân” với những nội dung liên quan đến Hiến pháp thì “những thay đổi khi đã được nghị viên ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.” Cùng với nhiều nội dung liên quan đến quyền tự do cơ bản của con người trong đó có cả “quyền tư hữu tài sản”, bản Hiến pháp 1946 còn thể hiện bước tiến có thể coi là “nổi trội” so với các bản Hiếp pháp cùng thời ngay cả của các quốc gia có nền dân chủ phát triển. Đó là việc Hiến pháp 1946 xác định “người phụ nữ Việt Nam được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền công dân” trong đó có cả quyền tham gia bầu cử và ứng cử.

Thực tế cho thấy trước khi có bản Hiến pháp này thì cái quyền ấy đã được thể hiện một cách sinh động trong cuộc Tổng tuyển cử 6/1/1946. Trong danh sách những đại biểu nữ trúng cử vào Quốc hội khóa I và ngay trong ủy ban soạn thảo Hiến pháp cũng có một thành viên nữ là bà Nguyễn Thị Thục Viên. “Xin nhắc lại ở thời điểm đó, quyền tham gia hoạt động chính trị trong đó có quyền bầu cử và ứng cử vào thời điểm năm 1946 ngay ở nhiều nước Châu Âu vẫn chưa được thực hiện. Cần bổ sung thêm một chi tiết ít được nhắc tới là điều 16 với nội dung: “Những người ngoại quốc đấu tranh cho dân chủ, tự do thì được trú ngụ trên đất Việt Nam. Do vậy việc đánh giá bản Hiến pháp 1946 là “bản hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là một cách nói khiêm nhường” – ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/70-nam-chuyen-ve-ban-hien-phap-dau-tien/