70% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 'một đi không trở lại'

Đó là con số bất ngờ được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu ra trong báo cáo trước hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ một loạt các hạn chế trong việc phát triển du lịch tại Việt Nam thể thể qua nhiều chỉ số trong phát triển du lịch so với thế giới và các nước ASEAN...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn các bộ ngành thăm Phố cổ Hội An chiều 8.8.

Sáng nay, tại tỉnh Quảng Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Cùng lãnh đạo của các ban bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh thành, các doanh nghiệp du lịch trong nước. đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch.

Tại Hội nghị, một loạt các tỉnh thành trong cả nước đã nhìn nhận, báo cáo tình hình phát triển du lịch cụ thể của từng địa phương, nêu ra các mặt hạn chế và kiến nghị giải pháp cần được Chính phủ quan tâm tháo gỡ, khó khăn trong phát triển du lịch.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã báo cáo thực trạng, giải pháp phát triển du lịch Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, hàng không cũng đã nêu một loạt các thực trạng tồn tại, kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khoăn, để phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của Đất nước.

Một số kiến nghị nổi bật tại hội nghị, các đại biểu đã nêu rõ về những hạn chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch, tăng cường công tác xúc tiến và quảng bá về mặt du lịch, tăng cường khả năng liên kết vùng, miền về du lịch, cần có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, kiến tạo từ phía cơ quan quản lý nhằm phát triển ngành du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong giai đoạn mới.

Nhiều doanh nghiệp còn kiến nghị về công tác dự báo về thị trường khách du lịch để các địa phương và doanh nghiệp chủ động trong công tác quản lý, tiếp đón cho đến việc đơn giản thủ tục, nhanh chóng triển khai các chính sách đơn giản hóa về visa, hộ chiếu...

Phát biểu tại hội nghị, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, nếu không tăng cường công tác quản lý, thúc đẩy phát triển du lịch thì du lịch Việt Nam có nguy cơ tụt hậu rất lớn.

Theo thống kê, có đến 70% khách du lịch đến với Việt Nam không trở lại. Nguyên nhân được chỉ rõ là do tồn tại 7 nỗi sợ cho du khách, như là sợ " chặt chém", cướp giật, ô nhiễm môi trường....

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, thực trạng môi trường du lịch Việt Nam hiện đang có vấn đề...

Trong khi tiềm năng về phát triển du lịch rất lớn nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh và nhiều chỉ số khác trong ngành du lịch là rất thấp so với thế giới.

Phó Thủ tướng cũng nêu lên một loạt các vấn đề cần thiết phải thực hiện để phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đó là thay đổi trong nhận thức và tư duy về phát triển du lịch; Cải thiện cơ sở hạ tầng; tập trung cải thiện môi trường du lịch; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước về phát triển du lịch.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh thêm một số vấn đề. Trong đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến môi trường du lịch, đề nghị lãnh đạo các tỉnh thành cần quan tâm thực hiện. Đó là vấn đề về chỉ số mức độ văn minh của một cộng đồng trên thế giới được đánh giá qua 3 tiêu chí, là trật tự, giá cả liên quan đến vấn đề đạo đức kinh doanh và vệ sinh môi trường.

Kết luận tại Hội nghị, ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu phát biểu tham luận.

Dù phát triển nhiều năm qua, nhưng du lịch Việt Nam hiện còn nhiều mặt hạn chế, chưa xứng với tiềm năng du lịch.

Sự phát triển của du lịch cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cần có sự phối hợp, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Thủ tướng cũng cho biết, đồng ý với một số chủ trương kiến nghị của các đại biểu, giao các bộ ngành liên quan, chỉ đạo thực hiện như cấp 200 tỷ đồng thực hiện visa điện tử; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực trực tiếp làm việc trong ngành du lịch, đào tạo và nâng cao năng lực của lực lượng hướng dẫn viên quốc tế ở một số ngoại ngữ hiếm;Bộ VHTTDL sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử cụ thể trong du lịch; Bộ GTVT chủ trì phối hợp thực hiện văn hóa ứng xử thân thiện, văn minh tại cửa khẩu, cảng biển nơi đón khách du lịch; Đồng ý thành lập quỹ hỗ trợ, phát triển du lịch; Giáo dục về chính trị, văn hóa, phẩm chất đạo đức, ngoại ngữ cho Hướng dẫn viên du lịch; Kiểm soát chặt chẽ và tăng cường quản lý các điểm đến, cơ sở lưu trú, xử lý nghiêm sai phạm; Công tác xúc tiến quảng bá du lịch phải cụ thể trong các kế hoạch...

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần, phát triển du lịch nhưng phải giữ vững truyền thống văn hóa Việt Nam. Phát triển du lịch phải tận dụng điều kiện người dân và doanh nghiệp, hướng đến cộng đồng.

Bên cạnh đó, những vấn đề khó khăn, chưa thể giải quyết như thành lập Bộ du lịch, mở casino hay phố đèn đỏ trong du lịch, Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm và giải thích nhiều lý do, hạn chế từ những việc này...

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/70-khach-du-lich-quoc-te-den-viet-nam-mot-di-khong-tro-lai-581541.bld