7 năm, gần 58.000 vụ trục lợi bảo hiểm thiệt hại trăm tỉ đồng

Hiện nay, hiện tượng trục lợi bảo hiểm diễn ra tràn lan không những gây thiệt hại cho các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm mà còn khiến dư luận vô cùng bức xúc. Trước vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Hiệp hội bảo hiểm đánh giá như thế nào về tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày diễn biến phức tạp, giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

Theo số liệu của Cục quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), giai đoạn từ 2007-2013, thống kê 15/29 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ có 5.079 vụ trục lợi bảo hiểm với số tiền là 215,3 tỉ đồng (35,6 tỉ đồng/năm), số vụ tăng từ 723 vụ/năm 2007 lên 1.070 vụ/năm 2012. Bảo hiểm nhân thọ có 52.860 vụ trục lợi bảo hiểm với số tiền 530 tỉ đồng (gần 90 tỉ đồng/năm). Các vụ trục lợi bảo hiểm chủ yếu xảy ra trong bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người, sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ. Mới đây, vụ tự chặt tay, chân để trục lợi bảo hiểm đã gây rung động xã hội, khiến cộng đồng bắt đầu nhìn nhận trục lợi bảo hiểm thực sự đã là một vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội.

Để ngăn ngừa tình trạng trục lợi bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm đã kiến nghị hình sự hóa tôi danh trục lợi (gian lận) bảo hiểm, và Bộ luật hình sự năm 2015 đã có một điều luật mới (Điều 213) quy định các hình phạt từ phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 7 năm. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp phòng ngừa, hạn chế trục lợi bảo hiểm. Hiệp hội cũng sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét việc cho phép cơ quan bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội hợp tác với DNBH dưới hình thức cung cấp dịch vụ công có thu phí (cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu, dịch vụ giám định bảo hiểm…), xem xét việc kiến nghị các Bộ ngành liên quan ban hành những văn bản hướng dẫn quy định về trách nhiệm, chế độ cung cấp thông tin, điều tra các vụ án liên quan đến trục lợi bảo hiểm; kiến nghị Nhà nước nghiên cứu ban hành văn bản luật quy định về hoạt động của các tổ chức điều tra trục lợi bảo hiểm độc lập làm cơ sở để các tổ chức này được thành lập, hoạt động, góp phần vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu trục lợi bảo hiểm, vì sự phát triển chung của cộng đồng cũng như sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm

Ngoài việc tích cực nêu vấn đề và kiến nghị với Nhà nước như trên, Hiệp hội cũng phối hợp chặt chẽ với các DNBH hội viên trong công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm. Cơ quan thường trực Hiệp hội thường xuyên thu thập và chia sẻ với các DNBH hội viên các thông tin về hình thức, thủ đoạn trục lợi bảo hiểm, khuyến cáo các DNBH thắt chặt và nâng cao các quy trình nghiệp vụ, kiểm soát nội bộ, rà soát các quy tắc, điều khoản bảo hiểm nhằm hạn chế những lỗ hổng có thể dẫn tới trục lợi bảo hiểm.

Hiệp hội có những chương trình hợp tác với các cơ quan chức năng (ví dụ như Cục Cảnh sát giao thông) để hỗ trợ DNBH hội viên trong việc điều tra xác minh các hồ sơ tai nạn có nghi ngờ trục lợi bảo hiểm. Hiệp hội cũng đang xem xét việc thành lập một bộ phận phòng chống trục lợi bảo hiểm chuyên trách vào thời điểm thích hợp, trước tiên là sẽ thành lập các bộ phận/ban bán chuyên trách phòng chống trục lợi bảo hiểm với thành viên là các cán bộ phụ trách bộ phận bồi thường, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, pháp chế của các DNBH hội viên để phối hợp với nhau nâng cao hơn nữa công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm. Hiệp hội cũng tổ chức những chương trình đào tạo nâng cao nghiệp vụ , đào tạo giám định viên bảo hiểm cho DNBH hội viên, trong đó chú trọng đến các khóa đào tạo giám định viên bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe để chất lượng đội ngũ giám định trở nên chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực phát hiện hành vi trục lợi bảo hiểm.

Ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các DNBH của Việt Nam sẽ được phép thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại các nước thành viên nếu đáp ứng điều kiện của nước sở tại. Bên cạnh đó, các DNBH nội sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Ngành bảo hiểm cần chuẩn bị những gì để đón sóng những cơ hội và vượt qua thách thức TPP mang tới?

Trên thực tế, thời gian vừa qua thị trường bảo hiểm Việt Nam đã tương đối mở cửa, các DNBH đã quen với sự cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, các DNBH đang hoạt động ở Việt Nam đa số là của nước ngoài, có sự hỗ trợ mạnh về quản trị, công nghệ, sản phẩm, nhân lực…từ công ty mẹ là những công ty BH lớn của các nước đã có nền bảo hiểm phát triển. Bảo Việt Nhân thọ là công ty bảo hiểm nội duy nhất, hiện đang giữ vị trí số 1 thị trường, có mô hình quản trị và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, theo kịp được với các DNBH ngoại khác trên thị trường.

Với bảo hiểm phi nhân thọ, theo tôi các công ty bảo hiểm nội có một số điểm yếu sau: Thứ nhất là áp dụng công nghệ tin học trong quản lý còn yếu; Thứ hai là chất lượng dịch vụ còn thấp, các công ty cạnh tranh về phí bảo hiểm và hoa hồng là chủ yếu; Thứ ba là phương thức bán hàng, kênh bán hàng vẫn chủ yếu là truyền thống, chưa tận dụng hết công nghệ hiện đại trong tiếp thị, khai thác và tương tác với khách hàng; Thứ tư là các sản phẩm chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu mới phát sinh như rủi ro mạng, bảo hiểm bảo lãnh, tín dụng…, các giá trị gia tăng (value added) cho sản phẩm chưa nhiều; Thứ năm là thiếu hụt nhân sự có trình độ ở một số lĩnh vực như chuyên gia tính toán bảo hiểm (actuary), chuyên gia phân tích, chuyên gia luật, chuyên gia đánh giá rủi ro một số ngành kỹ thuật, công nghệ cao...; Thứ sáu là mạng lưới đại lý khai thác không ổn định, tính chuyên nghiệp thấp, năng suất lao động kém, đa số làm đại lý là nghề phụ; Thứ bảy là có nhiều công ty quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, chiến lược kinh doanh không rõ ràng; Thứ tám là số lượng công ty được xếp hạng (rating) của các tổ chức xếp hạng uy tín thế giới ít – đây là trở ngại lớn đối với các công ty không được xếp hạng khi muốn vươn ra thị trường khác, trong cả hoạt động bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm.

Các DNBH cần có chiến lược khắc phục các hạn chế này để đón sóng những cơ hội và vượt qua thách thức do TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN, cũng như các Hiệp định thương mại khác mà Việt Nam là thành viên, mang lại.

K.Linh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/7-nam-gan-58000-vu-truc-loi-bao-hiem-thiet-hai-tram-ti-dong-600672.bld