7 khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Dù là thị trường tiềm năng đối với Việt Nam nhưng hiện các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn gặp phải không ít khó khăn như thuế quan, thiếu thông tin, rào cản ngôn ngữ…

Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như hàng thủy sản. Ảnh: Nguyễn Huế.

Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Không chỉ vậy, quan hệ thương mại Việt Nam- Trung Quốc còn có nhiều thuận lợi về mặt địa lý, vận tải hàng hóa tiện lợi, tiết giảm được nhiều chi phí, hình thức trao đổi thương mại đa dạng…

Không chỉ có thuận lợi trong giao thương, Trung Quốc còn có nhu cầu rất lớn đối với hàng hóa của Việt Nam. Tại hội thảo “Thông tin thị trường và cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc” ngày 9-11, ông Đào Việt Anh, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Trung Quốc cho hay, Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh như nông lâm sản (gạo, sắn, cao su, rau quả, chè…); hàng thủy sản (tôm, cá da trơn…).

Tuy nhiên, khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam đã gặp phải không ít khó khăn. Theo ông Đào Việt Anh thì có 7 khó khăn đang hiện hữu.

Thứ nhất, hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc- ASEAN (CAFTA). Nhưng Trung Quốc hiện áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 13-17%, điều này vô hình trung làm giảm mức độ cạnh tranh về giá của sản phẩm nhập khẩu khi tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc ban hành Luật An toàn thực phẩm mới. Theo đó, tất cả các sản phẩm thực phẩm khi xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải có chứng thư đi kèm do cơ quan chủ quản nước xuất khẩu cấp.

Thứ ba, sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của các nước ASEAN.

Thứ tư, trao đổi, mua bán hàng hóa theo hình thức thương mại biên giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ năm, việc xác minh năng lực doanh nghiệp đối tác phía Trung Quốc chưa được chú trọng và còn nhiều hạn chế.

Thứ sáu, thiếu thông tin tổng thể về thị trường Trung Quốc như chính sách xuất nhập khẩu, nhu cầu thị trường, hệ thống thương nhân để kết nối và giao dịch.

Thứ bảy, về rào cản ngôn ngữ trong giao dịch với các doanh nghiệp Trung Quốc, một số doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị về đội ngũ am hiểu tiếng Trung để phục vụ công tác liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Với những khó khăn này, ông Đào Việt Anh lưu ý doanh nghiệp, khi giao dịch, kinh doanh tại Trung Quốc, cần xác minh thực lực và uy tín của các doanh nghiệp Trung Quốc nhất là các đối tác được tìm kiếm qua mạng.

Mọi giao dịch đều phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ và có tính ràng buộc cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên tìm hiểu sâu về các quy định nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc với các hàng hóa mà doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác, giao dịch với đối tác Trung Quốc nhất là những sản phẩm như thực phẩm, nông sản, thủy sản vì đây là những sản phẩm chịu kiểm soát ngặt nghèo về kiểm dịch.

Vị này cũng cung cấp một số địa chỉ mà doanh nghiệp có thể tìm thấy sự hỗ trợ như: Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, các chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Côn Minh, Quảng Châu, Nam Ninh và Phòng Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Á, Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương.

Năm 2015, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam- Trung Quốc đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2014; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu 49,5 tỷ USD, tăng 13,3%; nhập siêu 32,4 tỷ USD, tăng 12,5%.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/7-kho-khan-khi-xuat-khau-sang-trung-quoc.aspx