7 địa phương tạo ra 53% GDP, 71% thu ngân sách: Vì sao chênh lệch?

"Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và hai tỉnh là Bình Dương và Đồng Nai chỉ chiếm có 5,5% diện tích cả nước, 27% dân số, 24% lao động. Nhưng 7 địa phương này tạo ra 53% GDP, 71% thu ngân sách và 50% xuất khẩu. Vì sao lại như vậy?".

Thảo luận tại Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế , đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn Trà Vinh), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, con đường ở đây phải thay đổi tư duy, tái cơ cấu không bắt đầu từ câu hỏi tiền ở đâu, mà là câu hỏi thị trường ở đâu, sản phẩm ở đâu. Từ đó mới đến người đâu, tiền đâu và đất đâu.

Bởi thực tế chỉ ra, có nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu đã có tiền nhưng sau đó phá sản. Ví dụ như dự án Gang thép Thái Nguyên, không phải thiếu vốn, vốn ban đầu 3.600 tỷ đồng, sau nâng lên gần 8.000 tỷ đồng nhưng rồi vẫn không hoạt động.

Vấn đề tiếp theo ông Nhân đặt ra, đó là vì sao các vùng kinh tế phối hợp kém hiệu quả?

“Mỗi tỉnh do một ủy ban nhân dân lãnh đạo và kết quả kinh tế-xã hội của tỉnh đó mình được hưởng. Không có ai lãnh đạo chung một vùng, hưởng kết quả một vùng, vì vậy xu hướng là mạnh ai nấy làm”, ông Nhân lý giải.

Như vậy, theo ông Nhân, để triển khai cơ chế vùng phải có ba đại diện, phải hợp tác ba bên, đó là hợp tác hai công và một tư. Công đó là chính quyền địa phương, chính quyền Trung ương và tư là hội doanh nghiệp lành nghề cho từng ngành hàng. Ba bên trao đổi với nhau để: Một, thuyết phục về lợi ích của hợp tác. Hai, tin tưởng, phối hợp đầu tư. Ba, tin cậy, chia sẻ lợi ích của quá trình phối hợp.

Liên quan đến phát triển vùng, ông Nhân cũng nêu một ví dụ cần được đem ra thảo luận vì đôi khi chúng ta có mâu thuẫn. Đó là: đầu tư cho những vùng đang phát triển hay đầu tư cho vùng khó phát triển?

Ông Nhân cho biết, hiện nay 5 thành phố, bao gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và hai tỉnh là Bình Dương và Đồng Nai chỉ chiếm có 5,5% diện tích cả nước, 27% dân số, 24% lao động. Nhưng 7 địa phương này tạo ra 53% GDP, 71% thu ngân sách và 50% xuất khẩu. Vì sao lại như vậy?

Ông Nhân phân tích: Vì năng suất lao động ở 7 địa phương này bằng 3,3 lần năng suất lao động của các tỉnh còn lại. Vì GDP/km2 của các tỉnh này bằng 19 lần GDP/km2 của các tỉnh còn lại.

"Tức là hình dung nếu GDP các tỉnh này tạo ra trên 1km2 trong 5-6 năm thì bằng các địa phương khác cả 100 năm. Thu ngân sách/km2 của 7 tỉnh này bằng 42 lần thu ngân sách/km2 các tỉnh còn lại. Tức là thu trong vòng 2-3 năm/km2 bằng các tỉnh còn lại thu 100 năm", ông Nhân cho biết.

Như vậy, ông Nhân cho rằng cần một chính sách thích đáng để tạo trung tâm động lực phát triển, từ đó đóng góp ngân sách ngày càng nhiều hơn. Và đặc biệt là quản lý các địa phương này phải mang tính quản lý đô thị, không phải quản lý nông thôn.

Đăng đàn giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ lo ngại tư duy nhiệm kỳ, tư duy cục bộ từng khu vực sẽ ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu.

Ông Dũng cho rằng khi những giải pháp quyết liệt có thể ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, do đó có nguy cơ tái cơ cấu bị trì hoãn hoặc thực hiện không nhất quán, thiếu quyết liệt, không thực chất rất lớn, làm chậm quá trình tái cơ cấu kinh tế nói chung.

Cho rằng cần phải đổi mới tư duy để thực hiện tái cơ cấu, Bộ trưởng Dũng đề nghị lãnh đạo các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, thiếu khát vọng, e ngại khó khăn, không dám đối mặt với khó khăn, thách thức để tận dụng cơ hội, thậm chí biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn.

Bên cạnh đó, phải vượt qua được lợi ích cục bộ của từng ngành, từng địa phương để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương một cách hiệu quả hơn, tránh bị cát cứ và chia cắt. Có vậy thực hiện mới thành công tái cơ cấu và nâng cao được chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

N.Mạnh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/7-dia-phuong-tao-ra-53-gdp-71-thu-ngan-sach-vi-sao-chenh-lech-2156102.html