7 dấu hiệu cơ thể cần bổ sung vitamin

Mệt mỏi bất thường, chuột rút, da khô nẻ là những dấu hiệu chứng tỏ cơ thể bạn cần nạp thêm vitamin.

Cách tốt nhất để nạp đủ vitamin, khoáng chất, chất oxy hóa cần thiết cho cơ thể là ăn uống hợp lý và lành mạnh.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) từng đưa ra báo cáo cứ 10 người thì có ít nhất 1 người bị thiếu vitamin. Đã đến lúc bạn cần lắng nghe nhu cầu của cơ thể để đáp ứng cho phù hợp.

Dưới đây là 7 dấu hiệu cho thấy có thể đã đến lúc bạn cần bổ sung những khoáng chất cần thiết để duy trì cơ thể khỏe mạnh:

1. Tóc và móng tay yếu

Khi tóc và móng tay yếu, hãy thử bổ sung biotin từ ngũ cốc nguyên hạt, trứng. Ảnh: ShutterStock.

Cần bổ sung: biotin

Nguồn: ngũ cốc nguyên hạt, trứng, sữa, hạnh nhân và protein trong cá hồi/gà.

Nếu bạn bị viêm da, da tấy đỏ hay bong da, hoặc thấy tóc mỏng hơn, giảm độ bóng, dễ gãy, có thể bạn đã không nạp đủ lượng biotin cần thiết. Dấu hiệu tương tự cũng xảy ra với móng tay.

Liều lượng gợi ý (nên tham khảo bác sĩ trước khi thực hiện): 30 microgram/ngày

2. Thói quen tiểu tiện thay đổi

Cần bổ sung: niacin

Nguồn: Thịt, cá, trứng, hạnh nhân, rau xanh, bánh mỳ và ngũ cốc.

Pellagra - hay còn gọi là bệnh thiếu niacin - có thể khiến bạn gặp rắc rối với các bệnh liên quan tới dạ dày như táo bón, nôn mửa.

"Niacin đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể hoạt động đúng cách. Nó giúp tăng cường cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu, giảm cứng động mạch, sản sinh ra một số hormone nhất định trong tuyến thượng thận giúp loại bỏ chất độc ra khỏi gan", Kristine Aurthur, bác sĩ dinh dưỡng tại California (Mỹ), phát biểu.

Liều lượng gợi ý: 14-18 miligram

3. Mang bầu

Cần bổ sung: folate

Nguồn: Rau xanh đậm (như rau chân vịt/cải bó xôi), đậu gà, đậu lăng.

Phần lớn người trưởng thành đều nhận đủ lượng folate cần thiết qua ăn uống. Tuy nhiên, phụ nữ mang bầu cần được bổ sung axit folic. Lý do là thiếu folate có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho bào thai. Theo CDC, folate giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh - cấu trúc tồn tại trong thời kỳ phôi thai và sẽ phát triển thành não và cột sống.

Liều lượng gợi ý: 400 microgram. Cần thiết phải tham khảo ý kiến bác sĩ.

4. Dễ bị bầm tím

Cần bổ sung: Vitamin C

Nguồn: hoa quả giống cam quýt, đu đủ, ớt chuông vàng, ổi, cải xoăn, dâu tây.

Vitamin C không được sinh ra tự nhiên trong cơ thể nên việc mọi người thiếu vitamin C là chuyện khá phổ biến.

"Vitamin C là chất chống oxy hóa cần thiết để bảo vệ tế bào trước sự phá hủy của các gốc tự do mà chúng ta tiếp xúc trong môi trường như ô nhiễm không khí, khói thuốc, tia cực tím từ mặt trời. Nó cũng giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật" - chuyên gia dinh dưỡng Sherry Ross tại Santa Monica (Mỹ) tư vấn.

Theo bác sĩ Sherry Ross, khi thiếu vitamin C, cơ thể sẽ rất dễ bị bầm tím do các mạch máu yếu gần bề mặt da bị vỡ, gây chảy máu.

Liều lượng gợi ý: 60 miligram

5. Mắt đỏ

Cần bổ sung: Vitamin B2

Nguồn: sữa, thịt, trứng, hạnh nhân, cá, rau xanh

Thiếu vitamin B2 - hay còn gọi là riboflavin - thường có những dấu hiệu rất rõ ràng như mắt thường xuyên bị đỏ.

Tình trạng thiếu hụt vitamin B2 phổ biến hơn ở những người có chế độ ăn uống cực đoan, như những người quá gầy hay có vấn đề về tiêu hóa. Cơ thể cần riboflavin để phát triển và duy trì sức khỏe toàn diện và để phân nhỏ carbohydrate, protein, chất béo.

Đảm bảo chế độ ăn uống đa dạng, hợp lý sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe. Ảnh: Getty Images.

6. Mệt mỏi bất thường

Cần bổ sung: calcium

Nguồn: Các sản phẩm từ bơ sữa như sữa, yogurt, rau xanh, hạnh nhân, đậu gà.

Nếu thiếu calcium, xương sẽ bắt đầu xuống cấp và bạn sẽ luôn cảm thấy thiếu năng lượng.

Liều lượng gợi ý: Mặc dù các khuyến cáo vẫn là nạp calcium càng nhiều càng tốt qua chế độ ăn uống, bạn vẫn có thể bổ sung một lượng giới hạn calcium nếu bạn chưa nạp đủ lượng cho phép mỗi ngày là 1.000 milligram cho phụ nữ dưới 50 tuổi và 1.200 milligram cho phụ nữ trên 50.

7. Chuột rút

Cần bổ sung: vitamin E

Nguồn: Hạnh nhân, dầu thực vật, rau xanh, trứng, ngũ cốc.

Đây là một trong những vitamin nền tảng nhất đối với nhu cầu của cơ thể với nhiệm vụ chính là làm chậm quá trình lão hóa.

"Dù tình trạng thiếu hụt vitamin E khá hiếm, nó vẫn có thể xảy ra với những người có vấn đề về hấp thụ chất béo như bệnh Crohn, chứng xơ nang, thiếu ăn, chế độ ăn ít chất béo, hay những vấn đề về gen ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất béo" - chuyên gia dinh dưỡng Ross phát biểu.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí California Medicine đã cho thấy mối liên quan giữa thiếu hụt vitamin E với hiện tượng chuột rút.

Liều lượng gợi ý: 15 milligram.

Phương Ly

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/7-dau-hieu-co-the-can-bo-sung-vitamin-post688958.html