6 nguyên tắc khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại SCIC

Quy định trên tại Thông tư số 118/2014/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện CSH nhà nước tại SCIC.

Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc không còn vốn nhà nước thuộc đối tượng chuyển giao, cơ quan đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu (CSH) nhà nước tại các DN này phải xử lý dứt điểm các tồn tại mới thực hiện chuyển giao quyền đại diện CSH nhà nước tại DN.

Quy định trên tại Thông tư số 118/2014/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện CSH nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Thông tư hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện CSH nhà nước tại các DN từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về SCIC và việc chuyển giao quyền đại diện CSH nhà nước tại các DN SCIC đã tiếp nhận về các Bộ, UBND cấp tỉnh.

6 nguyên tắc chuyển giao được Thông tư nêu rõ, bao gồm:

Thứ nhất, việc chuyển giao quyền đại diện CSH nhà nước tại DN về SCIC phải đảm bảo nguyên tắc: Công khai; minh bạch; có kế thừa; không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; có sự phối hợp giữa các bên để cùng xử lý các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình chuyển giao theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, việc tổ chức chuyển giao được thực hiện theo từng DN và có đầy đủ các hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này.

Thứ ba, trường hợp sau khi chuyển giao, nếu số liệu có thay đổi, các bên liên quan theo quy định tại Thông tư này phối hợp làm rõ nguyên nhân, đưa ra biện pháp xử lý và điều chỉnh lại số liệu chuyển giao chính thức.

Thứ tư, đối với DN kinh doanh thua lỗ hoặc không còn vốn nhà nước thuộc đối tượng chuyển giao, cơ quan đang thực hiện quyền đại diện CSH nhà nước tại các DN này phải xử lý dứt điểm các tồn tại theo quy định của pháp luật mới thực hiện chuyển giao quyền đại diện CSH nhà nước tại DN và phải xác định rõ, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân không chấp hành quy định của pháp luật để gây ra tổn thất cho Nhà nước (nếu có).

Thứ năm, đối với DN thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện CSH nhà nước có sự thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì cơ quan đang thực hiện quyền đại diện CSH nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định thay đổi này.

DN thuộc đối tượng SCIC tiếp nhận quyền đại diện CSH nhà nước sau thời điểm Thông tư này có hiệu lực, khi SCIC chưa thực hiện việc tiếp nhận thì các Bộ, UBND cấp tỉnh chỉ đạo Người đại diện hoặc cơ quan liên quan xem xét, biểu quyết việc không thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của DN, ngoại trừ việc điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Thứ sáu, đối với các DN SCIC đã tiếp nhận và đang thực hiện quyền đại diện CSH nhà nước, trường hợp Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo việc chuyển giao lại quyền đại diện CSH nhà nước tại DN từ SCIC về Bộ, UBND cấp tỉnh thì SCIC phối hợp với các Bộ, UBND cấp tỉnh triển khai công tác chuyển giao lại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

SCIC không tiếp nhận quyền đại diện CSH nhà nước tại các DN trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh; DN chủ yếu làm nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ công ích trên tổng doanh thu của 3 năm liên tiếp liền kề trước thời điểm xem xét chuyển giao đạt từ 50% trở lên; và các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn Gafin.vn: http://gafin.vn/20140827054918523p0c33/6-nguyen-tac-khi-chuyen-giao-quyen-dai-dien-chu-so-huu-tai-scic.htm