Vụ chìm ca nô Cần Giờ 9 người chết kéo dài quá trình tố tụng đến bao giờ?

Sau 3 năm ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, hiện Công an TPHCM đã phục hồi điều tra vụ chìm ca nô BP-12-04-02 làm 9 người chết xảy ra tại vùng biển Cần Giờ vào năm 2013. Diễn tiến trên khiến cho quá trình tố tụng trong vụ án về tai nạn giao thông này lại thêm kéo dài.

Gần 5 năm sau vụ tai nạn làm 9 người chết, quá trình tố tụng vụ án về tai nạn giao thông này lại tiếp tục.

Vụ án tai nạn giao thông kéo dài đến 5 năm

Theo diễn biến vụ án, vào ngày 2.8.2013, tại vùng biển thuộc huyện Cần Giờ (TPHCM), vụ tai nạn giao thông đường thủy đã xảy ra khiến 9 người tử nạn, trong đó có tài công Phạm Duy Phúc.

Do tài công Phúc điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02 đã tử vong, cơ quan CSĐT đình chỉ điều tra tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy” và khởi tố ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Công nghệ Việt Séc và Đinh Văn Quyết - Giám đốc Công ty Vũng Tàu – Marina – đơn vị sản xuất ca nô trên về tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

Sau khi CQĐT ra kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TPHCM, đến ngày 17.10.2014, VKSND TPHCM hoàn tất cáo trạng truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự.

Đến ngày 17.4.2015, Tòa án nhân dân TPHCM ra quyết định trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.

Ngày 26.5.2015, VKSND TPHCM ra công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn.

Ngày 25.6.2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm.

Đến ngày 17.7.2015, TAND TPHCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần hai.

11 ngày sau, VKSND TPHCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” để điều tra bổ sung cho Công an TPHCM.

Ngày 28.8.2015, Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.

Bởi vậy, Cơ quan này đã ra quyết định tạm đình điều tra vụ án hình sự theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 372-01 ngày 4.9.2013 để chờ kết luận giám định.

Đến ngày 29.3.2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) – Công an TPHCM ra Quyết định trưng cầu giám định số 372-33 gửi Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) yêu cầu giám định lý lịch tư pháp đối với ca nô BP-12-04-02.

Đến ngày 3.5.2018, Cục Hàng Hải – Bộ GTVT đã ra kết luận giám định bổ sung đối với ca nô này.

Cục Hàng hải kết luận giám định bổ sung như thế nào?

Căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu đối chiếu với các quy định của pháp luật về Đường thủy nội địa có liên quan, Cục Hàng hải xác định, ca nô BP 12-04-02 là phương tiện thủy nội địa. Hồ sơ thiết kế H29C do Cty CP tư vấn thiết kế DK lập không thể hiện tốc độ thiết kế của phương tiện. Căn cứ vào các quy định của Bộ GT-VT và Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, Cục Hàng hải kết luận không đủ cơ sở để xác định ca nô trên là phương tiện thủy cao tốc.

Còn nếu theo hợp đồng mua bán giữa Biên phòng Vũng Tàu và Cty Việt-Séc có ghi tốc độ tối đa tàu đa năng H29 mới 100% là 65km/h. Nếu đây là tốc độ của phương tiện BP 12-04-02 bị tai nạn thì phương tiện này là một trong những phương tiện tốc độ cao theo quyết định 19/2008/QĐ-BGTVT.

Tiếp tục trả lời câu hỏi nguyên nhân tai nạn lật phương tiện BP 12-04-02 là do không đáp ứng tiêu chuẩn ổn định cân bằng ngay từ khi sản xuất và trước khi vận hành, hay còn có tác nhân trong quá trình vận hành, kèm các hồ sơ tài liệu được cung cấp, Cục Hàng hải kết luận trong hồ sơ mà cơ quan trưng cầu giám định cung cấp không có hồ sơ giám sát kỹ thuật đối với quá trình đóng mới phương tiện BP 12-04-02 và tại thời điểm xảy ra tai nạn tàu BP 12-04-02 chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng cho việc thiết kế, đóng và đăng kiểm phương tiện có thân vỏ chế tạo bằng vật liệu PPC, nên không có đủ cơ sở khẳng định phương tiện này có đáp ứng tiêu chuẩn ổn định cân bằng ngay từ khi sản xuất và trước khi vận hành hay không.

Các tác nhân trong quá trình vận hành liên quan đến tai nạn lật phương tiện có thể là do phương tiện chở quá số người cho phép, phương tiện đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn.

T.S

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/vu-chim-ca-no-can-gio-9-nguoi-chet-keo-dai-qua-trinh-to-tung-den-bao-gio-613325.ldo