6 diễn viên lồng tiếng quen thuộc với khán giả phim Việt

(2Sao) - Họ là những diễn viên không chỉ cống hiến cho khán giả những vai diễn hay, mà phía sau mỗi thước phim, họ lại dùng chất giọng đẹp của mình với sự diễn xuất thầm lặng góp phần rất lớn cho thành công của diễn viên.

NSND Lan Hương

Khán giả vẫn luôn quen với hình ảnh người vợ, người mẹ hiềm thục, chịu thương chịu khó, cả đời cần mẫn chăm lo cho gia đình qua những vai diễn mà NSND Lan Hương thủ vai trong những bộ phim “Vệt nắng cuối trời”, “Nếp nhà”, “Bí thư tỉnh ủy” ... Bên cạnh việc đóng phim, chị còn miệt mài tham gia lồng tiếng cho các bộ phim truyền hình dài tập. Giọng nói trầm ấm, truyền cảm trời phú, tất cả các vai diễn của chị đều do chị tự lồng tiếng.

Những khán giả yêu thích bộ phim Ô sin hẳn còn nhớ bà Kumi - một người phụ nữ sang trọng uy quyền nhưng rất nhân từ. Và người lồng tiếng cho nhân vật này chính là NSND Lan Hương. Chị tâm sự, khi lồng tiếng cho những diễn viên có khả năng diễn xuất xuất sắc, chị phải cố gắng rất nhiều để không làm cho vai diễn kém đi. Khi lồng tiếng cho một diễn viên nghiệp dư, diễn xuất kém, chị lại phải cố gắng để cứu cho phần diễn xuất của diễn viên đó. Hiện, chị đang cộng tác với chương trình“Chuyện kể lúc 0 giờ” trong vai người dẫn chuyện.

NSƯT Phú Thăng

Trên sân khấu cũng như ở trên phim truyền hình, NSƯT Phú Thăng được xem là một trong những nghệ sĩ thành công ở những vai phản diện, những nhân vật hai mặt. Nổi tiếng ở vai trò diễn viên nhưng có lẽ cũng ít người biết được rằng, nghệ sĩ Phú Thăng còn là một trong số ít các nghệ sĩ có nhiều khả năng khác như: Lồng tiếng, đọc kịch bản phim, phóng sự, kí sự... Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, anh đã tham gia lồng tiếng nhiều bộ phim truyện nhựa và phim truyền hình nổi tiếng của nước ngoài trong đó có bộ phim nổi tiếng Nhật Bản: Osin. Anh còn tham gia đọc lời bình của chương trình "Thăng Long kí sự", "Khám phá Việt Nam"…

NSƯT Minh Hằng

NSƯT Minh Hằng là một trong những nữ nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn của Nhà hát Tuổi trẻ. Chị là nghệ sỹ cùng lứa với “dàn nghệ sỹ sân khấu danh tiếng” như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, Chí Trung… May mắn với phim về mặt hình ảnh, chị còn may mắn cả phần… tiếng. Trước đây, tất cả những phim có Lê Vân, Lê Vi, Như Quỳnh, Phương Thanh, Thu Hà… đóng vai chính, đều là giọng lồng tiếng của chị. Theo Minh Hằng, lồng tiếng cũng là một đam mê của chị. Là diễn viên lồng tiếng rất khó, khi lồng tiếng phải nhập vai gấp 3-4 lần so với diễn viên diễn xuất.

NSƯT Hương Dung

Nghệ sĩ Hương Dung là gương mặt từ lâu đã trở nên thân thiết với khán gián giả truyền hình cả nước qua các bộ phim: "Vị tướng tình báo và hai bà vợ", "Dòng sông phẳng lặng", "Chạy án 1", "Chạy án 2", "Cổ vật".... Sở hữu một giọng đọc chuẩn và dễ đi vào lòng người, từ những năm 80, Hương Dung đã được mời đọc lời dẫn chương trình phát thanh thanh niên hay các chương trình như Vì An ninh Tổ quốc, Quân đội.

Gần 20 năm nay, chị rất thành công trong công việc của một diễn viên lồng tiếng. Giọng Hương Dung xuất hiện nhiều đến nỗi bạn bè, người thân của chị bảo rằng, hễ thấy phim Việt Nam lúc nào là thấy tiếng Hương Dung lúc đó. Kể từ vai lồng tiếng đầu tiên là lồng tiếng cho nhân vật Tuyên phi Đặng Thị Huệ (do Lê Vân đóng) trong phim "Đêm hội Long Trì" của đạo diễn Hải Ninh, cho đến nay, số phim mà Hương Dung tham gia lồng tiếng đã lên tới hàng trăm, còn số tập phim thì phải lên tới con số hàng ngàn. Trong đó phải kể đến những phim như: lồng tiếng cho diễn viên Thu An trong "Mẹ chồng tôi", cho nghệ sĩ Thanh Quý trong phim "Mùa lá rụng trong vườn", các phim khác: "Tia nắng mong manh", "Đường đời", "Mùa lá rụng", "Chuyện phố phường", “Lập trình cho trái tim”... Đặc biệt là trong sêri phim "Cảnh sát hình sự" đến nay thì hầu hết các phần đều có chị tham gia lồng tiếng cho các nhân vật nữ trung tuổi như "Phía sau một cái chết", "Cô gái đến từ Băng Cốc"... Các bạn nghề của chị vẫn thường đùa: "Cứ ca nào "khó đỡ" thì đều rơi vào tay Hương Dung cả!".

NSƯT Trung Hiếu

Ngoài diễn xuất, NSƯT Trung Hiếu còn là diễn viên lồng tiếng rất giỏi, đặc biệt là nhân vật Chu Văn Quềnh trong "Đất và người" qua giọng nói của anh trở nên rất sinh động. Khán giả khó mà quên được chất giọng lè nhè, nhừa nhựa của nhân vật Chu Văn Quyềnh trong phim. Câu “thường thôi” nhão nhớt rất đặc trưng của nhân vật này, sau đó trở thành một câu nói cửa miệng xuất hiện với tần xuất dày đặc trong các… quán nhậu.

Trung Hiếu thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim trên truyền hình được chiếu vào khung giờ vàng và đều đặn lồng tiếng cho rất nhiều bộ phim khác. Anh lồng tiếng trong tất cả các bộ phim mình tham gia và còn tham gia lồng tiếng đến 2/3 các bộ phim truyền hình ở miền Bắc. Khi đi lồng tiếng thì rất nhiều khán giả mới nghe qua đã phát hiện ra ngay giọng Trung Hiếu, vì giọng của Trung Hiếu cũng khá đặc biệt. Nhiều người vẫn bảo anh "mặt chính diện nhưng giọng phản diện". Và có lẽ, cái giọng nói không lẫn vào ai ấy cũng chính là một trong những lợi thế khiến các vai diễn của anh không giống ai.

Nguyệt Hằng

May mắn mỉm cười khi Nguyệt Hằng bắt đầu được đào tạo tại Nhà hát Tuổi Trẻ (1990 – 1994), với một số vai thùy mị, có sức chịu đựng tốt và sau này là những vai đầy cá tính mạnh mẽ. Được biết đến như một nghệ sĩ lồng tiếng rất có nghề với chất giọng tốt, truyền cảm cùng với việc được đào tạo bài bản đã khiến Nguyệt Hằng thể hiện khá tốt tính cách các nhân vật: Lâm Oanh trong “Những người sống quanh tôi”, Tuệ Lâm của “Vệt nắng cuối trời”, Bảo Trinh của “Bí mật Eva”…

Công việc thường xuyên của Nguyệt Hằng là đi lồng tiếng. Cô thường lồng tiếng cho nhân vật chính các phim như “Duyên nghiệp”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Của để dành”... Nguyên do để Nguyệt Hằng tiếp xúc thường xuyên với công việc lồng tiếng, lại bắt đầu từ chính nhân vật Lâm Oanh của cô, khi cô tự lồng tiếng cho nhân vật của mình. Cô tâm sự, cô lồng tiếng vì thích sống với số phận nhân vật, dùng tiếng nói của mình để “cứu” các diễn viên không chuyên nghiệp.

Nguyễn Nga

Nguồn VietnamNet: http://2sao.vn/p1002c1022n20140704091646727/6-dien-vien-long-tieng-quen-thuoc-voi-khan-gia-phim-viet.vnn