6 đặc phái viên đem lại hy vọng gì cho Hàn Quốc?

Hôm thứ Hai (15/5), Tổng thống Moon Jae-in đã bổ nhiệm xong 5 vị trí Đặc phái viên phụ trách quan hệ với 5 cường quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Liên minh châu Âu (EU) - Đức...

Phái viên đặc biệt Moon Hee-sang của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo ngày 18/5/2017 (Ảnh: Yonhap)

Đặc phái viên với Tòa thánh Vatican (cường quốc về đức tin) sẽ được chọn từ nay cho đến cuối tuần sau.

Mỹ: Không đòi 1 tỷ USD chi phí cho THAAD?

Đặc phái viên phụ trách quan hệ với Mỹ Hong Seok-hyun đã đến Washington hôm 17/5 trong chuyến thăm 4 ngày.

Hong cho biết ông đã trao bức thư của Tổng thống Moon cho Tổng thống Trump và bày tỏ sự cảm ơn vì đã hỗ trợ an ninh cho Hàn Quốc. Trump đáp rằng ông rất mong đợi hội nghị thượng đỉnh hai nước ở Washington vào cuối tháng 6.

Trump nhấn mạnh trong cuộc gặp kéo dài 15 phút với đặc phái viên Hong Seok Hyun: “Ông sẽ không đàm phán với phía Triều Tiên chỉ để đàm phán, mà đàm phán là để có kết quả'.

Về cuộc họp riêng nhưng ngắn gọn với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster, về việc triển khai của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối - THAAD, Hong nói: "Tôi thông báo với đối tác rằng đang có tranh luận về các vấn đề thủ tục trong quá trình triển khai, và vấn đề này sẽ được thảo luận tại Quốc hội Hàn Quốc." Đáp lại, McMaster nói rằng Hoa Kỳ nhận thức và hiểu được các ý kiến khác nhau về vấn đề đó. Cuộc họp chủ yếu là bàn về chủ đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề về chi phí của THAAD đã không được đưa ra.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Moon đã rất mạnh mẽ khi nói rằng việc quyết định xây dựng Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD đã không có thủ tục hợp pháp qua trưng cầu dân ý. Sau này, các trợ lý của tổng thống Moon nói quan điểm này không hoàn toàn đồng nghĩa rằng Moon phản đối việc triển khai. Trump đã từng yêu cầu Hàn Quốc trả cho hệ thống này 1 tỷ USD. Điều này trái với thỏa thuận triển khai trong đó Hoa Kỳ đã đồng ý trả tiền cho hệ thống nếu Hàn Quốc chịu trách nhiệm vận chuyển và cung cấp mặt bằng.

Trung Quốc - trọng tâm cũng là THAAD

Đặc phái viên Lee Hae-chan của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới Trung Quốc hôm thứ Năm (18/5) để thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon và Chủ tịch Trung Quốc Tập có thể diễn ra bên lề Hội nghị G20 được tổ chức ở Đức vào tháng 7 và một lần nữa vào ngày 24/8 khi hai nước đánh dấu kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao.

Với việc bàn bạc cải thiện quan hệ song phương đang căng thẳng do Hàn Quốc bị Trung Quốc áp dụng các biện pháp trả đũa nhằm chống lại việc lắp đặt THAAD trên đất Hàn Quốc, ông Lee nhấn mạnh: "Về vấn đề THAAD, tôi sẽ làm hết sức mình để giải thích đầy đủ lập trường của Tổng thống Moon (với phía Trung Quốc)".

Trước đó, ông Tập đã gặp một phái đoàn Hàn Quốc đến dự một diễn đàn quốc tế tổ chức tại Bắc Kinh. Điều này thể hiện tầm quan trọng và mối quan tâm mà ông đặt vào các mối quan hệ Seoul - Bắc Kinh. Vị Trưởng phái đoàn bình luận, cuộc điện đàm chúc mừng của Tập với Moon, kéo dài 40 phút hôm 11/5, dường như đã "gây ra sự nhất trí lẫn nhau trong việc phục hồi quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc".

Với Nhật - vướng vấn đề “nô lệ tình dục”

Đặc phái viên phụ trách quan hệ với Nhật Bản Moon Hee-sang đã tới Tokyo hôm thứ Tư (17/5) và gặp gỡ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sáng 18/5, trao đổi ý kiến về phương án cải thiện quan hệ Hàn - Nhật và phương án phối hợp trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông Moon Hee-sang không đàm phán lại thỏa thuận năm 2015 với Nhật Bản về vấn đề những người được gọi là phụ nữ mua vui thời chiến tranh. Ông cho biết, với tư cách đặc phái viên tới thăm Nhật Bản, đề xuất đàm phán lại sẽ là quá đà. Nhưng ông kêu gọi Nhật Bản hợp tác tìm ra một giải pháp “thứ 3”, có thể làm hài lòng dư luận cả hai nước.

Ông Moon Hee-sang đã trực tiếp trao lá thư riêng của Tổng thống Moon Jae-in, bày tỏ quan điểm chính phủ Hàn Quốc muốn lãnh đạo hai nước gặp mặt sớm và thường xuyên. Điều này cho thấy Seoul mong muốn nối lại mối quan hệ ngoại giao hòa thuận với Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đáp từ rằng Hàn Quốc là nước "quan trọng nhất", và cùng chia sẻ lợi ích chiến lược.

Trước đó, chiều 17/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio đã tiếp ông Moon Hee-sang. Hai bên tái khẳng định rằng hai nước, và Mỹ, sẽ tiếp tục cùng đối phó với chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Đặc phái viên Song Young-gil dự kiến sẽ đến Nga vào tuần tới. Đặc phái viên cho Liên minh châu Âu - Đức và đặc phái viên với Tòa thánh Vatican cũng dự kiến sẽ khởi hành trong tương lai gần.

Vai trò của các phái viên đặc biệt

Nhiệm vụ trọng tâm của các đặc phái viên nói trên là chuyển thư tay của Tổng thống Moon Jae-in đến Chính phủ nước sở tại, và giải thích về chính sách cũng như tầm nhìn mới của tân Chính phủ Hàn Quốc, xúc tiến gặp gỡ các nhân vật quan trọng của nước sở tại, trao đổi ý kiến về phương án phát triển mối quan hệ song phương.

Đặc phái viên phụ trách quan hệ với Mỹ Hong Seok-hyun từng - Chủ tịch nhật báo Joongang và đài truyền hình cáp JTBC - từng là Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ năm 2005. Ông được cho là rất am hiểu về tình hình nước Mỹ, và có mạng lưới quan hệ rộng rãi tại đây.

Cựu Thủ tướng Lee Hae-chan, người được tiến cử làm Đặc phái viên phụ trách quan hệ với Trung Quốc, cũng là người từng có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều quan chức chủ chốt của Trung Quốc.

Đặc phái viên phụ trách quan hệ với Nhật Bản, nghị sĩ Moon Hee-sang, cựu Phó Chủ tịch Quốc hội từng giữ chức Chủ tịch liên minh nghị sĩ Hàn - Nhật từ năm 2004 đến năm 2008.

Đặc sứ phụ trách quan hệ với Nga Song Young-gil từng là Phó chủ tịch Hội đồng ngoại giao nghị viện Hàn-Nga, và từng nhận huân chương vì Hòa bình hữu nghị của phía Nga.

Đặc phái viên phụ trách quan hệ với Liên minh châu Âu - Đức Cho Yoon-je là giáo sư Đại học Sogang, một chuyên gia về khu vực châu Âu, đồng thời từng là Đại sứ Hàn Quốc tại Anh. Nhiều chính trị gia và học giả cũng nằm trong danh sách những người tháp tùng các đặc phái viên nói trên.

VƯƠNG HƯNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/6-dac-phai-vien-dem-lai-hy-vong-gi-cho-han-quoc-post194163.html