6 biện pháp giảm căng thẳng cho người dân đô thị

Ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, đường phố đông đúc, không khí nóng nực, thiếu bóng cây xanh… là vấn đề hầu như đô thị nào cũng gặp phải. Điều này khiến những người dân đô thị thường xuyên bị căng thẳng, thậm chí gặp phải vấn đề tinh thần nhiều hơn.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, so với những người sống ở nông thôn người dân thành phố mắc chứng rối loạn lo âu cao hơn 21% và có nguy cơ gia tăng rối loạn cảm xúc là 39%. Trong khi đó, tính tới năm 2050 có tới 66% dân số thế giới mong muốn được sinh sống ở các thành phố. Điều này chắc chắn sẽ gây sức ép lên cuộc sống và sức khỏe tinh thần của những người dân thành thị.

Theo Tiến sĩ Mazda Aldi - người đứng đầu Clinic Fliedner, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu stress của bệnh viện Charité (Berlin, Đức) cho biết: “Cuộc sống đô thị ảnh hưởng đến cách bộ não chúng ta đối mặt với stress. Nói thế không có nghĩa cuộc sống đô thị làm hư hại não bộ của chúng ta, nhưng vì nó thay đổi cách ta đối phó với stress và khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác có thể trở thành chất độc”.

Những yếu tố nguy cơ bao gồm: người có gen di truyền bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt…Càng căng thẳng, những yếu tố nguy cơ có thể “bùng phát” thành bệnh.

Tuy chưa tìm ra nguyên nhân chính, nhưng rõ ràng những khu vực thành thị đông dân có thể là nguyên nhân gây căng thẳng và ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của người dân sống ở đó. Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia để đối phó với cuộc sống ở những thành phố lớn.

Hãy tới công viên

Cuộc sống trong một căn hộ bị vây quanh bởi những con đường đông đúc, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người la hét và ngổn ngang rác trên phố, ô nhiễm… có thể gây stress và tác động tiêu cực tới tâm trạng của bạn, đặc biệt là những người có vấn đề về bệnh tâm thần. Theo Tiến sĩ Andrea Mechlli (trường Đại học Kings), dành thời gian cho không gian xanh hoặc sống gần không gian xanh là một trong những cách để chống lại căng thẳng hiệu quả. Đáng tiếc, tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội, các công viên rất ít ỏi và thậm chí còn là đối tượng bị xà xẻo vì mục đích kinh doanh.

Xây dựng tình làng nghĩa xóm

Cảm thấy thoải mái như khi ở nhà hoặc kiểm soát tốt mọi việc cũng giúp cải thiện đáng kể trạng thái tinh thần của bạn, đẩy lùi lo âu. Tiến sĩ Aldi nói: “Biết rõ vị trí các cửa hàng, quan tâm tới nơi ở, hàng xóm cũng làm tăng mối liên kết với thành phố, môi trường sống trong bạn. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy an toàn và kết nối chặt chẽ với xã hội. Bù lại, bạn phải tham gia vào các hoạt động xã hội nhiều hơn. Nhưng điều này cũng có thể mang lại lợi ích cho não bộ của bạn”.

Có một “lối thoát” chiến lược

Để dành cho những khi muốn trốn chạy cuộc sống xô bồ, mệt mỏi, bạn cần chuẩn bị cho mình một nơi riêng tư hay “lối thoát” chiến lược. Đó có thể là một công viên gần nơi bạn ở nhất, thậm chí chính ngôi nhà của bạn cũng được. Hãy cố gắng để mọi căng thẳng, cảm xúc tiêu cực bên ngoài cánh cửa. Tiến sĩ Aldi cho biết, bạn sẽ cảm thấy mình vẫn giữ được kiểm soát và giúp đẩy được căng thẳng của cuộc sống đô thị đi xa.

“Miễn là bạn kiểm soát tốt sự kích động và stress, nó sẽ không thể gây hại” – Aldi nói. Với hầu hết mọi người, làm như vậy có thể để lại khoảng trống để cảm thấy an toàn trong môi trường đô thị. Nhưng với một số nhóm người như những người di cư, kiểm soát môi trường sống có vẻ khó khăn hơn.

Hạn chế dùng ô tô

Người dân thành phố không nên dùng ô tô cá nhân nữa. Tiến sĩ Aldi giải thích rằng: “Sử dụng ô tô dường như làm tăng căng thẳng cho những người dân ở thành phố khi di chuyển, tìm chỗ đỗ xe. Trong khi đi bộ hoặc đạp xe đi làm sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần của họ hơn”. Thử tưởng tượng mà xem, lái xe trong giờ cao điểm ở một thành phố đông đúc, bị kẹt cứng trong đám đông dài dằng dặc chắc chắn sẽ khiến stress tăng cao.

Để ý đến xung quanh nhiều hơn

Gặp tắc đường, quả tải giao thông trong bầu không khí nóng nực là ác mộng của mọi người. Chìa khóa để đánh bại căng thẳng lúc này là hiểu biết được mọi thứ xung quanh để học cách chấp nhận nó như một phần của cuộc sống. Aldi khuyên: “Đừng sống nội tâm mà nên cẩn thận quan sát môi trường sống của bạn. Điều đó sẽ giúp chúng ta có cảm giác kiểm soát được tình hình và sẽ đẩy lùi được stress” – Aldi nói.

Biết nguồn gốc tiếng ồn

“Cách hữu ích đối phó với tiếng ồn là biết nguồn gốc của nó” – Aldi cho biết.

Cố gắng đi ngủ trong khi tiếng động lớn bên ngoài ngôi nhà cứ vang lên sẽ chỉ làm tăng cảm giác lo lắng của bạn. Điều tốt nhất là tìm nguyên nhân gây ra tiếng động đó. Có thể không ngăn chặn được nhưng biết tiếng ồn xuất phát từ đâu có thể giảm thiểu căng thẳng của bạn, vì nó khiến bạn có cảm giác vẫn kiểm soát được mọi việc.

Trên đây chỉ là một vài gợi ý mà người dân sống ở đô thị có thể dùng đến trong thời gian phải “chịu đựng” đủ thứ khó chịu của nó. Aldi cũng nói thêm, các chuyên gia vẫn đang cố gắng để khiến cuộc sống đô thị dễ thở hơn thông qua tìm hiểu cách thức cuộc sống đô thị tác động lên tinh thần và cảm xúc của chúng ta để tìm ra hướng giải quyết.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/6-bien-phap-giam-cang-thang-cho-nguoi-dan-do-thi