5G đem lại gì cho khách hàng và nhà mạng?

5G là chương phát triển kế tiếp của mạng viễn thông, được thiết kế nhằm đáp ứng các yêu cầu vận hành cao cấp và phức tạp hơn. Nếu hiện giờ tương tác “thời gian thực” đang ngày càng phổ biến thì 5G xuất hiện và sẽ tạo ra một “thời kỳ hiện thực hóa của những tưởng tượng”.

5G xuất hiện và sẽ tạo ra một hời kỳ hiện thực hóa của những tưởng tượng.

5G phục vụ cho một thế giới vạn vật kết nối trong đó sự kết nối biến dữ liệu thành thông tin, tri thức để sử dụng phục vụ cho kinh doanh, con người và xã hội. 5G được mô tả bởi sáu từ: “Linh hoạt - An toàn - Sử dụng tần số hiệu quả - Chi phí hợp lý - Nhanh - Tốc độ cực nhanh - Bền vững”. Nói ngắn gọn, công nghệ 5G là một mạng lưới phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp.

Thế hệ di động đầu tiên xây dựng hệ điều hành nền tảng và làm cho chúng hoạt động. Thế hệ thứ hai là sự phát triển tăng vọt của thị trường, với những dịch vụ gia tăng tốc độ cao hơn như SMS và hỗ trợ dữ liệu. 3G khiến mọi thứ diễn ra nhanh hơn, thêm nhiều dịch vụ mới và băng rộng di động chính thức ra đời. Với 4G ngày nay, lưu lượng dữ liệu đã vượt lưu lượng thoại, dịch vụ sử dụng qua băng rộng di động đã vượt xa dịch vụ truyền thống, mạng LTE cung cấp những hỗ trợ nâng cao cho dữ liệu và công nghệ mạng di động được tích hợp bao gồm Wi-Fi với Wi-Fi Calling.

Khác với các thế hệ công nghệ trước, 5G không chỉ dừng lại là một tổ hợp các công nghệ mới. Mục tiêu chính của 5G là phát triển dựa trên sự đầu tư chín muồi của hạ tầng hiện tại, mang tới những bước tiến mới hơn đối với truy cập vô tuyến, cloud, công nghệ lõi cùng với những công nghệ bổ trợ.

5G ra đời với sự kỳ vọng tạo ra những bước tiến mới như sẽ gấp 1.000 lần lưu lượng, kết nối hàng chục tỉ thiết bị kết nối, tốc độ dữ liệu người dùng đạt được lên tới gấp 10 - 100 lần, độ trễ giảm 5 lần và độ khỏe của pin tăng gấp 10 lần.

5G đang trong giai đoạn chuẩn hóa, dự kiến thương mại thiết bị và hạ tầng sẽ diễn ra vào năm 2020. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các công ty liên quan đến CNTT đều phải tiến hành nghiên cứu, ứng dụng giải pháp để chuyển đổi sang 5G một cách hiệu quả, không tốn kém về chi phí đầu tư và hạ tầng.

Tại sao cần có 5G?

Chúng ta đang sống trong một xã hội kết nối. Trong vòng 1 phút rất nhiều hoạt động diễn ra như có 293.000 status trên Facebook, hơn 5 triệu clip được xem trên YouTube, 2,6 triệu tìm kiếm trên Google, 88.000 cuộc gọi Skype, 25.000 sản phẩm được mua bán trên Amazon và 571 website mới.

Thế giới đang chứng kiến quá trình chuyển đổi từ việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng sang triển khai các dịch vụ mới. Các giải pháp được phát triển chuyển dịch từ giải quyết hiệu quả các vấn đề tồn tại bấy lâu nay sang tạo ra các ứng dụng sáng tạo trên mọi khía cạnh của xã hội. Trong tương lai những dịch vụ thoại không còn tăng trưởng đòi hỏi các nhà khai thác phải đầu tư vào Cloud và ảo hóa để giảm bớt sự phức tạp và tăng tính linh hoạt.

Những sự thay đổi diễn ra ở khắp mọi nơi. Âm nhạc và phim ảnh đang phổ biến ở dạng Streaming qua mạng, không còn yêu cầu về đóng gói, vận chuyển. Trong lĩnh vực giao thông, rất nhiều tiềm năng đang được khai thác khi kết nối giữa người có nhu cầu di chuyển bằng phương tiện, với các loại phương tiện, hệ thống tính cước, xăng dầu, giải quyết ùn tắc, hệ thống giao nhận hàng hóa. Ngành truyền hình đã, đang và sẽ chứng kiến nhiều thay đổi. Việc tiêu thụ của truyền hình chuyển từ việc sở hữu thuộc Nhà nước, cung cấp kiểu “over-the-air” cho các tivi của hộ gia đình sang truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh đến Smart Tivi cung cấp qua nền tảng Internet tới rất nhiều nhà cung cấp nội dung tới bất cứ đâu, tới bất cứ loại thiết bị nào. Người sử dụng phương tiện công cộng di chuyển thuận lợi, xác định nơi xảy ra tai nạn giao thông, điều khiển từ xa đối với các loại máy móc phải vận hành ở môi trường độc hại.

Internet chuyển dịch từ chủ yếu truyền tải các thông tin dạng văn bản sang truyền tải lượng video chiếm tới 70%. Xu hướng xem video trực tuyến cũng tăng lên nhanh chóng từ games, truyền hình các sự kiện trực tiếp. Ví dụ Facebook Live cho thấy xu hướng người tiêu dùng tự tạo ra các nội dung truyền hình và quảng bá trực tiếp. Virtual Reality (VR) đang là hình thức video có lưu lượng phát triển nhanh nhất. Cisco dự đoán trong vòng từ 2015 tới 2020, VR sẽ tăng gấp 61 lần. Microsoft Window 10 thống kê cho thấy VR và Augmented Reality là hai tính năng cơ bản trong Quý 1/2017. Trong tương lai việc sử dụng hai tính năng này sẽ cần phải thực hiện di động, không dây và người dùng cần có cảm giác không phải lo lắng về việc hết pin.

5G là nền tảng hỗ trợ rất nhiều ứng dụng sáng tạo, giúp cho vạn vật được kết nối kiểm soát an toàn, tự động và từ xa. Mạng 5G đảm bảo hệ thống và cơ sở hạ tầng được vận hành trong phạm vi kiểm soát, kèm cảnh báo và tương tác với nhau trên nền tảng hiệu quả chi phí và thân thiện. Trong tương lai với mạng 5G, mọi thứ sẽ được kết nối: từ mũ bảo hiểm xe đạp, hệ thống nước, mùa vụ, hàng vận chuyển, cấu trúc tài chính và những loại vật gặp nguy cơ tiềm ẩn.

Cơ hội kinh doanh 5G ra sao?

Theo nghiên cứu của Ericsson kết hợp với tổ chức tư vấn Arthur D. Little, tới năm 2026, các nhà khai thác viễn thông có thể khai thác 5G để đạt được thêm 34% doanh thù từ các dịch vụ số hóa ngành công nghiệp khác.

Giai đoạn hiện nay các nhà khai thác viễn thông di động đang đối diện với việc tổng doanh thu đến từ các dịch vụ di động giảm dần, khác hẳn mức tăng trưởng 10% - 15% của 1 thập kỷ trước đây.

Dự đoán về mức tăng trưởng trung bình hàng năm về doanh thu dịch vụ của các nhà khai thác là 1,5% trong giai đoạn 2016 đến 2026 ở quy mô toàn cầu. Mức tăng này ổn định, tuy nhiên còn khiêm tốn khi so sánh với những cơ hội tăng trưởng do 5G đem lại từ việc số hóa các ngành công nghiệp. Dự kiến trong quãng thời gian trên, dịch vụ từ 5G có thể tăng trưởng mức trên 13%. Năm 2016, ngành dịch vụ số đang là 939 tỉ đô la Mỹ. Việc tăng cường đầu tư vào số hóa các ngành công nghiệp ngày càng phát triển và dự kiến sẽ tạo ra gần 3,3 tỉ đô la Mỹ tới năm 2026.

Trong đó, có 8 ngành công nghiệp được cho là tiềm năng nhất khi khai thác 5G để tạo ra các dịch vụ số hóa. Đó là các ngành Tài chính, Ô tô, Giao thông công cộng, Giải trí và âm nhạc, Sức khỏe, Y tế, Năng lượng, Sản xuất, An ninh quốc phòng. Chỉ tính riêng trong 8 ngành này, tới năm 2026, dự kiến mức doanh thu các dịch vụ số hóa từ 5G là 1.233 tỉ đô la Mỹ trong đó Năng lượng và sản xuất chiếm tỉ trọng cao nhất. Mỗi ngành đó tạo ra khoảng 19-20% trong tổng doanh thu dự kiến trên.

Mai Lan

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/vien-thong/5g-dem-lai-gi-cho-khach-hang-va-nha-mang-156368.ict