546ha rừng đặc dụng tại huyện Đắc Hà, Kon Tum tiếp tục nguy cơ bị đốn hạ: Chi 27 tỉ đồng xây tường rào bảo vệ

Tỉnh Kon Tum đang xây dựng một bức tường rào bằng bêtông bảo vệ 546ha rừng đặc dụng tại huyện Đắc Hà. Gỗ đã ngã, máu đã đổ khi lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng, đốn hạ gỗ quý. Dãy tường rào trị giá 27 tỉ đồng bao quanh khu rừng được dựng lên để ngăn “lâm tặc”. Tuy thế, tỉnh Kon Tum cũng quan ngại, chưa thể nói biện pháp trên đã khả thi (!?).

Tường rào bao quanh rừng đặc dụng Đắc Uy (Kon Tum). Ảnh ĐÌNH VĂN

“Nạn phá rừng phức tạp”
Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng (BQLRĐD) Đắc Uy - Nay Y Riu cho biết, khu rừng nằm ngay thị trấn Đắc Hà (huyện Đắc Hà), cách TP. Kon Tum 27km. Đây là nơi hiếm của cả nước với nhiều gỗ quý như trắc (đặc hữu), hương, sao đen, chò sót... và động vật là khỉ, culi, mang. “Mà gỗ trắc thì có giá cao, nên lâm tặc không chừa bất cứ thủ đoạn gì để cắt cây. Chúng thường đi đêm khuya, một nhóm mười mấy người, nghiện hút có, “đầu gấu” có. Từ đó, dõi động tĩnh cán bộ, điện thoại cho nhau, chỉ cần anh em sơ hở là nó cắt. Mưa lớn, nó hạ là anh em không nghe, hoặc tinh vi hơn, chúng dùng dây cáp buộc để cắt từng đoạn, tránh cây ngã gây tiếng động”, ông Nay Y Riu ta thán.
Khi bị phát hiện, lâm tặc ngang nhiên chống trả quyết liệt, dao rựa, mã tấu sẵn sàng. Cao điểm, tỉnh Kon Tum phải huy động cả trăm người để truy bắt lâm tặc. Chánh Văn phòng Sở NNPTNT Kon Tum - Phạm Xuân Khanh cho biết, cũng vì bảo vệ gỗ quý, ông Nay Y Riu - đã bị lâm tặc chặt đứt một ngón tay. Năm 2015, BQLRĐD Đắc Uy xảy ra 5 vụ phá rừng trái phép với 13m3 gỗ thiệt hại, xử phạt hành chính 4,5 triệu đồng, khởi tố 1 vụ.
BQLRĐD Đắc Uy mô tả công tác bảo vệ rừng ở đây là quá tải, mỗi tháng được nghỉ 1-2 ngày, lương 2-2,5 triệu đồng/tháng đối với cán bộ hợp đồng. Ăn, ở trong lán trại sơ sài, tạm bợ, rắn rết... nhiều người thấy khổ quá, xin chuyển đi nơi khác.
Liệu có khả thi (!)
Để bảo vệ khu rừng, tỉnh Kon Tum đề ra nhiều phương án, cuối cùng biện pháp xây dựng tường rào bao quanh khu rừng 564ha được “phê duyệt”. Công trình có tên: “Hàng rào và các công trình bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng đặc dụng Đắc Uy”. Tỉnh Kon Tum giao Sở NNPTNT làm chủ đầu tư, ngày 10.6.2016 khởi công, dự kiến hoàn thành ngày 7.12.2016. Giá trị công trình là 27 tỉ đồng, từ nguồn vốn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chánh VP UBND tỉnh Kon Tum - Bùi Thanh Bình hồ hởi: “Tỉnh trình phương án này và được Chính phủ chấp thuận chủ trương”.
Tại đây, PV thấy công trình đang xây dựng dang dở, có đoạn đã hoàn thành, tường bằng bêtông cốt thép, cao khoảng 1,8m, bên trên cuộn kẽm gai. Đoạn khác, công nhân đang đổ móng, cát, ximăng, máy trộn bêtông nổ máy hoạt động inh ỏi. Công việc rất hối hả, khẩn trương. Bức tường khi hoàn thành sẽ dài 7,5km bao quanh phần lớn khu rừng 564ha. Tuy vậy, theo ông Nay Y Riu, có một đoạn dài 4km không thể xây tường vì địa hình đồi dốc nên chỉ giăng kẽm gai bảo vệ. Trước thắc mắc lâm tặc quyết chặt gỗ quý, chúng có phá hàng rào? Lực lượng có đủ để canh tường rào bêtông? Chánh VP tỉnh Kon Tum - Bùi Thanh Bình - bình thản: “Cái đó tùy thuộc vào thực tế, ngay cả căn nhà kiên cố thế trộm còn vào được nữa là. Nguyên tắc có hàng rào thì bao giờ cũng bảo vệ tốt hơn, giờ còn đang xây, hiệu quả như thế nào chưa trả lời được”. Tương tự, GĐ BQLRĐD Đắc Uy - Nay Y Riu - nghi ngại: “Có nhiều vấn đề khách quan, cũng không thể nói xây tường rào là coi như bảo đảm 100%”.
Giao rừng cho dân bảo vệ
Trong khi Kon Tum xây tường rào thì tỉnh Gia Lai bảo vệ rừng bằng cách giao khoán cho người dân. Làng Klah, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang (Gia Lai) có hơn 100 hộ được giao khoán bảo vệ gần 400ha rừng, hưởng 4 triệu đồng/hộ/năm. Giám đốc Quỹ Bảo vệ - Phát triển rừng Gia Lai - Võ Văn Hạnh, khẳng định: “Việc giao rừng cho người dân đã phát huy được sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng. Họ làm rất tốt công tác phòng, chống cháy rừng, không phát rừng làm nương rẫy, cảnh giác, phòng ngừa, ngăn chặn lâm tặc. Diện tích rừng được giao cho người dân quản lý là rất tốt”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/546ha-rung-dac-dung-tai-huyen-dac-ha-kon-tum-tiep-tuc-nguy-co-bi-don-ha-chi-27-ti-dong-xay-tuong-rao-bao-ve-593045.bld