54 USD/lít, người nông dân làm giàu từ sữa lừa

Số lượng ít trong khi công dụng lớn khiến sữa lừa trở thành loại thực phẩm đắt giá. Thậm chí pho mát làm từ sữa lừa có giá 51 USD cho 50 gram.

Từ lâu, máy móc đã thay thế vai trò truyền thống của lừa trong chuyện chia sẻ gánh nặng công việc với nhà nông. Tuy nhiên, loài vật này đang trở nên có giá hơn nhờ vào nguồn sữa. Theo AFP, mỗi lít sữa lừa có giá lên đến 54 USD.

Những chia sẻ từ nhà sản xuất và người tiêu dùng về công dụng và giá trị dinh dưỡng của loại sữa này khiến nó trở nên sáng giá. Darko Saveljic, chủ của một trang trại, cho hay: "Sữa lừa tốt cho da và có thể chữa nhiều loại bệnh".

Chỉ cần dùng một lượng nhỏ mỗi ngày, triệu chứng của các bệnh như hen suyễn và viêm phế quản sẽ thuyên giảm, ông chia sẻ.

Tọa lạc tại Montenegrin, trang trại của ông hiện nuôi 30 con lừa. Tuy có giá trị cao về mặt kinh tế nhưng lượng sữa sản xuất ra có hạn. Theo Saveljic, loài vật này cho sữa chỉ trong 2-3 tháng sau khi sinh và mỗi ngày chỉ thu được khoảng 400 ml, bằng một phần nhỏ lượng sữa mà một con bò có thể cung cấp trong một ngày.

“Đừng mong đợi có nhiều sữa”, người đàn ông này cảnh báo.

Mức giá của sản phẩm mang về nguồn thu lớn tại một quốc gia bé nhỏ nằm ở phía đông nam của châu Âu như Montenegro, nơi ở của hơn 620.000 con người với mức lương trung bình hàng tháng khoảng 530 USD.

Giá trị dinh dưỡng của sữa lừa khiến giá loại thực phẩm này trở nên đắt giá. Ảnh: AP.

Thần dược

Sau nửa giờ lái xe từ thủ đô Podgorica của Montenegro, Valeria Markovic tới trang trại của Saveljic sau khi tìm ra cách chữa bệnh cho con trai Valdo trên Internet. Cậu bé 5 tuổi mắc chứng dị ứng khiến em khó thở vào ban đêm.

“Tôi chỉ biết nữ hoàng Cleopatra tắm trong sữa lừa. Tôi chưa biết về những công dụng khác”, Markovic, một nhà kinh tế, chia sẻ.

Sau khi uống một lượng nhỏ mỗi ngày, bệnh của Vlado đã thuyên giảm.

Photis Papademas, một chuyên gia kiêm trợ lý giáo sư tại Đại học Công nghệ Cyprus, cho hay nhiều bằng chứng cho thấy sữa lừa có thể chữa chứng rối loạn tiêu hóa do hệ thống miễn dịch kém.

Ông thông tin các thành phần của protein trong sữa của loại vật này – tương tự như sữa mẹ nhưng hàm lượng chất béo ít hơn – đã điều tiết hệ miễn dịch song các nhà nghiên cứu vẫn cần thí nghiệm lâm sàng.

“Bằng chứng không quá rõ ràng nhưng người sử dụng có dấu hiệu tốt. Bạn phải rất thận trọng khi kết nối sức khỏe và thực phẩm”, ông nói với AFP.

Những sản phẩm từ sữa lừa cũng phát triển mạnh ở vùng Serbia, nơi mà Khu Bảo tồn Thiên nhiên Zasavica tuyên bố bán loại pho mát đắt nhất thế giới - làm từ sữa lừa - với mức giá 51 USD cho 50 gram.

Đưa vào bảo tồn

Điều tra nông nghiệp Montenegro vào năm 2010 cho thấy nước này có khoảng 500 con lừa. Tuy nhiên Saveljic ước tính số lượng hiện tại chỉ là 150 con. Loài vật này đã được đưa vào chương trình bảo tồn quốc gia đối với các giống bản địa.

Cách đây 3 thập kỷ, hầu hết gia đình tại đất nước này đều nuôi lừa. Số lượng lên đến hàng nghìn con. Tuy nhiên, khi những người nông dân chuyển sang sử dụng máy móc, cá thể lừa ít đi bởi chúng không còn hữu ích như trước.

Đối với Saveljic - 42 tuổi, sản xuất sữa lừa chỉ là một trong những biện pháp bảo tồn loài vật này.

Trang trại của ông được xây dựng cách đây một năm, trong bối cảnh cá thể lừa bản địa thuần chủng suy giảm đến mức báo động. Ông nhận những con lừa bị bỏ đi và cũng mua chúng từ thị trường chăn nuôi. Chúng không được chăm sóc tốt hoặc bị lạm dụng. Một số thậm chí bị mù và suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Những con vật này hiện sống những ngày bình yên.

Saveljic tổ chức cho tham quan trang trại. Phí vào cổng là một kg táo hoặc cà rốt. Ông hy vọng đón du khách mỗi cuối tuần để giúp mọi người nâng cao nhận thức.

Bên cạnh đó, người đàn ông này cũng mời những gia đình có trẻ tự kỷ đến thăm miễn phí. Cha mẹ của chúng cho hay trẻ có những thay đổi tích cực về hành vi sau khi tiếp xúc với loài vật này.

“Nếu bạn đối xử tốt với những con lừa, chúng cũng giống chó, sẽ tôn trọng và sẵn sàng đi với bạn đến khắp mọi nơi”, Saveljic nói.

Kim Ngân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/54-usdlit-nguoi-nong-dan-lam-giau-tu-sua-lua-post699843.html