52.782 lần vi phạm quá tốc độ

Đây là số liệu đáng chú ý trong kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tháng 10/2016, được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) thông tin ngày 18/11.

Việc vi phạm của các lái xe cần được trích xuất, xử lý nghiêm. Ảnh: T.A

Kết quả thống kê tháng 10/2016 cho thấy, bình quân có 70,88% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục ĐBVN. Cũng trong thời gian này, cả nước ghi nhận tổng số 52.782 lần vi phạm quá tốc độ. Lũy kế đến hết tháng 10/2016 trên cả nước có tổng số 1.541.717 lần vi phạm quá tốc độ.

Kết quả trong tháng, các Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã xử lý 1.193 xe (thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng là 1.160 xe; từ chối cấp phù hiệu 33 xe).

Còn tính trong 10 tháng đầu năm 2016, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm đối với 8.311 phương tiện (thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng là 7.083 xe; từ chối cấp phù hiệu 1.218 xe). Thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 10 đơn vị.

Tổng cục ĐBVN đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở GTVT tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT; Tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở đối với các phương tiện không truyền dữ liệu. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải có biện pháp và liên hệ ngay với đơn vị cung cấp thiết bị để khắc phục và truyền dữ liệu đầy đủ, kịp thời về Tổng cục ĐBVN theo quy định.

Đối với các trường hợp vi phạm thời gian lái xe liên tục, vi phạm không truyền dữ liệu, đề nghị các Sở GTVT kiểm tra, đối chiếu với kết quả tổng hợp trên phần mềm của đơn vị cung cấp dịch vụ GSHT để so sánh trước khi quyết định xử lý. Đồng thời, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lộ trình lắp đặt thiết bị GSHT đối với xe có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn từ ngày 1/01/2017 theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

T.A

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/an-toan-giao-thong/52782-lan-vi-pham-qua-toc-do_t114c1146n112210