500 triệu USD chống ngập Hà Nội: Bài học Nhật Bản

Theo chuyên gia, Hà Nội có thể học tập kinh nghiệm của Nhật Bản xây dựng các bể ngầm dưới lòng đô thị để chống ngập.

Đúng tiến độ Hà Nội vẫn ngập?

Dự án thoát nước Hà Nội được đầu tư đến hơn 500 triệu USD sau 12 năm chậm tiến độ đã hoàn thành. Tuy nhiên, ngay trong mùa mưa đầu tiên (2017), trận mưa nào đường Hà Nội cũng ngập nặng.

TS Trương Văn Quảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia cho rằng, dự án trên mới chỉ giải quyết được một phần vấn đề tổng thể của Hà Nội và việc chậm tiến độ chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của dự án chưa thật sự đạt yêu cầu đề ra.

Trận mưa lớn kéo dài gần 60 phút sáng 13/7 khiến khu đô thị nằm bên trục đường Lê Trọng Tấn, thuộc huyện Hoài Đức và quận Hà Đông, Hà Nội ngập sâu. Ảnh: VnExpress

“Thậm chí, ngay cả khi thời gian hoàn thành dự án không bị kéo dài, nó vẫn không giải quyết được vấn đề thoát nước mang tính tổng thể của Hà Nội vì trong thời gian qua Thành phố đã, đang và sẽ được mở rộng.

Để giải quyết được vấn đề thoát nước mang tính tổng thể của Hà Nội đòi hỏi phải có thời gian, kinh phí…Đặc biệt nó phải được nghiên cứu cẩn thận, kĩ càng, có tính tổng thể, phải nhắm đến các dự án mang tính chiến lược, có tính đột phá cả về giải pháp lẫn công nghệ.

Thực tế nhiều năm qua, trong quá trình phát triển TP Hà Nội đã không bảo toàn được các lưu vực thoát nước tự nhiên, diện tích sông, hồ bị thu hẹp nghiêm trọng. Tỷ lệ bê tông hóa trên diện tích tự nhiên ngày càng cao, lượng nước thải ngày càng lớn do tăng quy mô dân số, quy mô sản xuất, tiêu dùng…, cùng với ý thức cộng đồng còn hạn chế.

Tất cả đã tạo ra những rào cản không nhỏ, thậm chí phức tạp đối với vấn đề thoát nước chung của Hà Nội”, TS Quảng nói.

Bài học Nhật Bản

Để giải quyết tình trạng cứ mưa là ngập của Hà Nội, TS Trương Văn Quảng cho rằng, bên cạnh dự án thoát nước có tính tổng thể như đề cập ở trên, thì trong cấu trúc tổng thể Hà Nội phải cương quyết bảo lưu được hệ thống lưu vực thoát nước tự nhiên cơ bản của Hà Nội như vốn dĩ nó đã tồn tại.

Thêm vào đó, Hà Nội có thể tạo ra một số khu vực có thể trữ nước mưa trong một thời gian nhất định, ngoài diện tích sông, hồ tự nhiên.

Ông dẫn ra bài học kinh nghiệm của Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản chống ngập ở thủ đô Tokyo bằng cách đẩy nước xuống lòng đất.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Nhật Bản xây dựng hệ thống cồng ngầm dưới lòng thủ đô Tokyo với những giếng đứng khổng lồ và hàng chục máy bơm công suất lớn.

Mỗi khi mưa lớn, nước sẽ được dẫn từ các trụ chứa tới bể chứa khổng lồ. Sau đó, người ta sẽ bơm nước từ bể chứa ra sông với các máy bơm công suất lớn để tránh ngập cho toàn thành phố.

Nhờ có hệ thống cống ngầm này, người dân Tokyo và các vùng lân cận đã tránh được các đợt ngập lụt nặng trong những năm qua.

"Hà Nội có thể học tập kinh nghiệm của Nhật Bản xây dựng những bể ngầm dưới lòng đô thị. Đến mùa mưa, nước một phần nước được thu xuống đó và đến mùa cạn thì có thể sử dụng chính nước đó để bơm tưới cây, hoặc lọc để đáp ứng một phần cho sinh hoạt", ông Quảng nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/500-trieu-usd-chong-ngap-ha-noi-bai-hoc-nhat-ban-3339142/