500 thương hiệu quốc tế tham gia 4 triển lãm công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM

Ngày 6/10, tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM đã cùng lúc khai mạc 4 triển lãm ngành công nghiệp sản xuất, công nghiệp hỗ trợ, gồm: “METALEX Vietnam 2016”, “Triển lãm Liên minh các Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ 2016”, “NEPCON Vietnam 2016” và “Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2016”.

Lễ khai mạc 4 triển lãm công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM

Được biết đến như một cuộc triển lãm đáng chú ý thường niên, tập trung vào ngành công nghiệp trong một thập kỷ, Metalex Vietnam 2016 đã đánh dấu sự trở lại như một nền tảng toàn diện cho ngành công nghiệp bằng việc cung cấp những thông tin liên quan đến việc xây dựng công nghiệp hiệu quả với những công nghệ, máy móc thiết bị, và mạng lưới kinh doanh.

Trong 10 năm qua, Triển lãm “Metalex Vietnam” đã tập trung đồng hành cùng các nhà công nghiệp để có sự chuẩn bị tốt nhất để hòa nhập, cạnh tranh trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu và đã nhận được sự tin tưởng như một triển lãm quốc tế hỗ trợ toàn diện cho những người tham gia có thể tìm hiểu, cập nhật máy móc công nghệ mới trong ngành sản xuất kim loại.

Với hơn 500 thương hiệu đến từ 25 quốc gia, cùng sự tham gia của các nhóm liên kết kinh tế từ 7 khu gian hàng quốc tế đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan và Trung Quốc, Metalex 2016 sẽ đánh dấu 10 năm hoạt động tại Việt Nam bằng việc kết nối thương mại, doanh nghiệp các nước thành viên ASEAN+6 và quốc tế

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm nhấn mạnh Thành phố xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, hạn chế nhập siêu, tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời được xem là giải pháp đột phá để đổi mới cơ cấu đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố từ chiều rộng sang chiều sâu.

Phó Chủ tịch cho rằng triển lãm là hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp, nhằm khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh đổi mới trang thiết bị, mở rộng thị trường và vươn tầm ra thế giới.

Thành phố đang từng ngày đẩy mạnh việc liên kết giữa các nhà đầu tư trong Khu Công nghệ cao và các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước, đồng thời tích cực hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước có đủ khả năng cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn nước ngoài với nhiều cơ chế chính sách từ xúc tiến thương mại đầu tư, kết nối cung cầu, hỗ trợ tín dụng, quản trị doanh nghiệp, đào tạo bồi dưỡng doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới nâng cao công nghệ, thiết bị đáp ứng yêu cầu hội nhập..

Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cam kết chính quyền Thành phố sẽ làm tốt hơn nữa các chính sách đã đề ra để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, bền vững và cạnh tranh lành mạnh nhằm phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư kinh doanh.

Một gian hàng tại triển lãm

Nhân lễ kỷ niệm lần thứ 10, ông Isara Burintramart, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex chia sẻ: “Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI trong 10 năm qua, và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai. Chỉ số tăng trưởng khá ấn tượng ở mức 6% trong giai đoạn nền kinh tế thế giới gặp khó khăn (2011 – 2015), cùng với việc tham gia vào các FTA quan trọng (TPP, AFTA, EVFTA, vv), Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong suốt 10 năm phát triển, Metalex Vietnam đã tập trung đồng hành cùng các nhà công nghiệp để có sự chuẩn bị tốt nhất để hòa nhập và cạnh tranh trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu. Metalex Vietnam đã nhận được sự tin tưởng như một triển lãm quốc tế hỗ trợ toàn diện cho những người tham gia có thể tìm hiểu, cập nhật máy móc công nghệ mới trong ngành sản xuất kim loại.

Ngoài ra, đồng hành cùng Metalex Vietnam, các nhà sản xuất công nghiệp điện tử còn có cơ hội tiếp nhận công nghệ mới tại “Nepcon Vietnam”. Công nghiệp điện tử được xem như một mũi nhọn của ngành sản xuất Việt Nam trong những năm gần đây. Một số các doanh nghiệp điện tử đa quốc gia như Samsung, Intel, Microsoft, LG, Panasonic đã chuyển một phần hoạt động hoặc hoàn toàn vào Việt Nam với hàng tỷ đô la chỉ trong một vài năm. Là triển lãm duy nhất cho ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam, đây là sân chơi hiệu quả cho các nhà sản xuất Việt Nam để tiếp cận công nghệ SMT và máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất các bộ phận điện tử chất lượng tương với tiêu chuẩn toàn cầu”.

Tại lễ khai mạc, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO Văn phòng TP.HCM) phát biểu: “Hiện tại, tỷ lệ cung ứng nội địa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 32%, so với ở Thái Lan là 56% hay ở Trung Quốc là 65% thì tỷ lệ này vẫn còn rất thấp. Bối cảnh hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2018, bãi bỏ thuế quan của Việt Nam đang đặt việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất thành một nhiệm vụ cấp bách, tôi nghĩ rằng việc nâng cao hơn nữa tỷ lệ cung ứng nội địa là một mấu chốt quan trọng. Năm nay, Jetro tiếp tục hợp tác cùng Reed Tradex để tổ chức “Triển lãm Liên minh các Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ 2016” với tổng số 65 gian hàng, trong đó 50 gian triển lãm được giành cho doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Triển lãm lần này được tổ chức như là một bộ phận của việc hợp tác kinh tế theo Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản – Việt Nam. Chúng tôi không chỉ triển lãm các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp cung cấp như trước đây, mà triển lãm lần này còn áp dụng kiểu triển lãm ngược của các doanh nghiệp thuộc phía mua hàng (14 doanh nghiệp) lấy các quầy giới thiệu của doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm cuối làm trọng tâm, để hoạt động kết nối thương mại đem lại hiệu quả hơn nữa. Từ góc nhìn của bản thân mình, tôi nghĩ rằng các nhà sản xuất cần tập trung cung cấp sản phẩm với giá thành rẻ hơn đồng thời với chất lượng tốt hơn và tuân thủ chặt chẽ kỳ hạn giao hàng.

Đối với các quý doanh nghiệp đến thăm quan, chúng tôi kỳ vọng triển lãm lần này sẽ giúp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mở rộng hơn, đồng thời cùng phát triển với Nhật Bản.

Tại triển lãm, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư (ITPC) chia sẻ: “Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Trong quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa – cao su, điện – điện tử và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao là những lĩnh vực được nhấn mạnh. Mục tiêu lớn đặt ra cho ngành sản xuất linh kiện đến năm 2020 là đáp ứng 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp, và 80% đến năm 2030.

Tại các KCX & KCN TPHCM hiện có khoảng hơn 260 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc ngành Công nghiệp hỗ trợ, chiếm trên 50% tổng doanh nghiệp FDI, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành: điện tử, cơ khí, ô tô… Sản phẩm của các doanh nghiệp này chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp này được nhập khẩu từ nước ngoài, cho thấy liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Do đó, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) cùng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp tổ chức Triển lãm “Liên minh các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ 2016”. Chúng tôi hi vọng rằng Triển lãm năm nay sẽ tiếp nối thành công các năm trước, giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm được các đối tác đáng tin cậy và giàu tiềm năng.”

Bà Ureerat Ratanaprukse -Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM cho biết, trong nhiều năm, những chương trình triển lãm thương mại được xem là công cụ hiểu quả để thúc đẩy kinh doanh giữa Thái Lan và Việt Nam. Trong năm 2015, thương mại hai chiều đã tăng 13,1% lên 12 tỷ USD, và trong năm tháng đầu năm nay, thương mại song phương đã đạt 5,1 tỷ USD, cả hai chính phủ đã cùng đặt mục tiêu để nâng con số này lên 20 tỷ USD trong năm 2020.

Triển lãm là một cơ hội lớn cho các nhà công nghiệp tại TP.HCM cập nhật những công nghệ tiên tiến, đồng thời nắm bắt những xu hướng công nghiệp mới và thảo luận kinh doanh”- Bà Ureerat Ratanaprukse chia sẻ.

Thu Hiền

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/500-thuong-hieu-quoc-te-tham-gia-4-trien-lam-cong-nghiep-ho-tro-tai-tp-hcm/