500 du thuyền Hạ Long: Vươn tầm ra biển lớn

Vịnh Hạ Long xưa chỉ là vùng biển đảo hoang sơ, lèo tèo vài khu làng chài với những mảnh đời chật vật bởi nghề chài lưới… Rồi cũng chính những người dân chài ấy, người Quảng Ninh đã quần tụ về đây đưa Hạ Long chuyển sang trang sử vàng chói lọi… Di sản Thiên nhiên; Kỳ quan Thiên nhiên thế giới nổi lừng lẫy năm châu. Nhưng, du lịch Hạ Long càng phát triển nhộn nhịp càng thu hút nhiều tập đoàn lớn về đây đầu tư sôi động. Và không còn cách nào khác những ông chủ nhỏ của 500 con tàu du lịch phải liên kết lại bằng cách cổ phần hóa thành doanh nghiệp lớn để tồn tại, để phát triển.

Sự liên kết lại của 500 du thuyền thành tổng công ty cổ phần sẽ là “ con đường sống” duy nhất trong tương lai ( ảnh những du thuyền trên Cảng khách du lịch Quốc tế Tuần Châu).

Sự thành công kỳ diệu

Kinh tế thị trường sòng phẳng lắm, nghiệt ngã lắm. Nó đưa vịnh Hạ Long tiến xa hơn và dường như bỏ rơi những chủ tàu du lịch, những người đã dày công nuôi lớn nó. Và không còn con đường nào khác họ phải phát triển lên một tầm cao mới để tồn tại. Đó là gom nhau lại, hùn nhau lại tạo thành một tổng công ty cổ phần đủ tầm trước “sóng gió” bởi “ cơn bão” thị trường.

Công bằng mà nói, chúng ta nên vinh danh những người Hạ Long nói riêng, những người Quảng Ninh nói chung, họ đã và đang làm nên kỳ tích đó là, nếu như năm 1996 vịnh Hạ Long mới chỉ đón vỏn vẹn khoảng 326 lượt khách đến tham quan thì nay du khách bốn biển, năm châu đã về đây hội tụ tới khoảng 10.000 khách/ngày.

Nhưng chúng ta cũng cảm thông, chia sẻ cùng họ bởi một số chủ tàu những “anh hùng trên Vịnh” họ cũng chỉ cần có trong tay cái bằng lớp bảy cũ… Có người trong số họ phải thắt lưng, buộc bụng cả gan đi ở nhờ, ở thuê để dành tiền mua nhà đóng tàu du lịch. Có kẻ phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi vay chằng, nợ đụp… vét từng đồng vốn đóng tàu… Tưởng rằng kinh doanh tàu du lịch là bỏ ra “một vốn, bốn lời”, nhưng cũng có những chủ tàu ngậm ngùi ra khỏi nhà để thi hành án phát mại tài sản…Thế đấy, bên cạnh những thành công cũng là xương, là máu, là mồ hôi phải đổ. Nhưng sau đấy vẫn còn nhiều “ cuộc chiến” khác đang rình rập…

“ Cuộc chơi” không phải tự do !

Chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay các chủ tàu khách du lịch tại địa phương còn phải chấp hành các quy định dưới luật như sau:

Quyết định 716/2011/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 về việc: “Quản lý hoạt động tàu vận chuyển khách tham quan, du lịch và lưu trú khách du lịch trên vịnh Hạ Long”;

Quyết định 3636/2013/QĐ-UBND về việc quy định tạm thời quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long;

Sở GTVT Quảng Ninh ban hành Quyết định 7660/QĐ-SGTVT, ngày 31/12/2013 về: “phê duyệt phương án tổ chức điều hành, sắp xếp tàu du lịch đón khách tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long tại các cảng, bến khách”;

Ngày 17/9/2014 Sở GTVT Quảng Ninh ban hành Văn bản 4445/SGTVT – QLVT về việc: “Kiểm tra và duy trì chất lượng sơn trắng tàu du lịch”;

Ngày 11/6/2014 Sở Tài chính Quảng Ninh lại ban hành Thông báo số: 1965/TB-STC quy định mức giá từng loại dịch vụ, và hình thức kinh doanh du lịch;

Quyết định 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long;

Quyết định 3625/QĐ-UBND ngày 8/4/2016 của tỉnh Quảng Ninh về việc tạm dừng viêc đóng mới, thay thế tàu vỏ gỗ hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long;

Nghị quyết 241/2016/NQ-HĐND ngày 8/4/2016 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc thông qua một số quy định đặc thù tạm thời để nâng cao chất lượng và quản lý hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long;

Quyết định 1069/2016/QĐ-UBND ngày 8/4/2016 của tỉnh Quảng Ninh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long ban hành kèm theo Quyết đinh 4088;

Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 1/4/2016 của tỉnh Quảng Ninh về phê duyệt kế hoạch nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2020…

Qua những liệt kê trên cho thấy với trình độ của các chủ tàu du lịch như hiện nay bên cạnh những nghĩa vụ phải tuân theo một “ rừng” các văn bản luật pháp của Chính phủ cũng đã khó, lại còn phải có trách nhiệm chấp hành những vô vàn những quy định khác của địa phương. Vậy thì câu hỏi đặt ra là họ nên chọn làm nghề luật hay nghề kinh doanh đây? Chắc chắn là không giỏi cả hai được.

Cơ hội hay thách thức?

Kinh doanh nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm khó có thể tồn tại trong tương lai (ảnh tàu du lịch bị chìm tại Bãi Cháy – Hạ Long năm 2014).

Việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập tháng 12/2015 đã trở thành cú huých khiến các chủ tàu không còn bình tĩnh theo kiểu phó mặc “ ta về ta tắm ao ta” được nữa.

Với số dân trong toàn khối ASEAN khoảng 600 triệu người; tăng trưởng GDP của toàn khu vực ước tính khoảng 7%/ năm; tổng GDP của 11 nước trong khối ASEAN khoảng 2370 tỷ USD ( năm 2014), và Việt Nam đang đứng hàng thứ 5/11 nước. Với năng suất lao động xếp vào hạng thấp trong khối ASEAN, Việt Nam chỉ có năng suất lao động nhỉnh hơn Lào, Campuchia, Myanmar một chút. Quản trị doanh nghiệp kém, tư duy và tầm nhìn kinh doanh ngắn, “mạnh” về thế kinh doanh “ chộp giựt”… đó là một thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp du thuyền nói riêng.

Từ nay, việc doanh nghiệp trong khối ASEAN đầu tư tại 11 nước là tự do không còn rào cản nào nữa về ranh giới lãnh thổ, địa lý… Trong khi Việt Nam là nước rất hấp dẫn về nhân công giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý tốt, an ninh chính trị ổn định… Và thế mạnh của các doanh nghiệp ASEAN không phải sản xuất hàng hóa, thiết bị công nghệ cao mà là kinh doanh dịch vụ thương mại – du lịch. Do vậy vịnh Hạ Long, Bái Tử Long của Quảng Ninh chắc chắn sẽ không ngoài tầm với của những nhà đầu tư trong khối ASEAN trong nay mai.

Có thể nói rằng hàng chục doanh nghiệp du thuyền của Quảng Ninh đã thành công, lớn mạnh từ khoảng 500 con tàu gỗ được sản xuất từ những “lò mộc” truyền thống, không theo một thiết kế kỹ thuật, kiểu dáng nhất định. Họ trưởng thành từ kinh nghiệm, phát triển theo hướng tự phát. Định hướng phát triển doanh nghiệp luôn chi phối bởi các chính sách luôn thay đổi, khiến cho các doanh nghiệp này luôn bị động, lúng túng…dò tìm…tương lai…

Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, đúng tầm ít nhất anh phải hiểu, phải nắm vững môn kinh tế học vi mô, vĩ mô, nhưng rất tiếc là có rất nhiều trong số chủ tàu du lịch tại Quảng Ninh lại chưa hề biết điều đó. Đó là một trong những lỗ hổng về kiến thức khiến những doanh nghiệp nhỏ khó trụ vững trong thị trường của những doanh nghiệp lớn.

Vì thế, muốn có lợi nhuận nhiều doanh nghiệp phải “ lách thuế, trốn thuế”, phải chộp giựt khách bằng cách cạnh tranh giảm giá tour, tăng giá dịch vụ ăn uống quá đáng, giảm tiền trả lương của thuyền trưởng, nhân viên… nói chung là “ một nghìn lẻ một” cách không lành mạnh khiến các nhà quản lý luôn đau đầu tìm ra phương pháp siết chặt hơn. Điều này càng khiến “ cuộc chơi” giữa nhà quản lý và doanh nghiệp càng tiêu cực hơn theo hướng “ vỏ quýt càng dày, móng tay càng nhọn” .

Cơ hội cuối cùng

Không còn nghi ngờ gì nữa, từ một vùng biển hoang sơ lởm chởm bởi những ngọn núi đá vôi trồi lên trên mặt nước, vịnh Hạ Long đã trở thành thương hiệu, điểm hấp dẫn du khách bốn phương cũng như những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Một Di sản thiên nhiên thế giới, một Kỳ quan thiên nhiên thế giới – vịnh Hạ Long đã trở thành một mỏ vàng vô giá, vô tận khiến nhiều tập đoàn lớn làm ăn bài bản từ nước ngoài trở về đầu tư… Rồi mai đây là những nhà đầu tư lớn từ các nước trong khối ASEAN cũng sẽ đến… vịnh Hạ Long đã rũ mình đứng dậy, nó đón nhận tất cả các nhà đầu tư theo tầm quốc tế. “ Sân chơi” kinh doanh du lịch trên vùng vịnh Hạ Long sẽ không còn là của riêng người Quảng Ninh nữa, nó sẽ sôi động hơn, đầy thử thách hơn. Người ta ví sự thay đổi này như ta đập bỏ chợ truyền thống sập sệ với những mái lá đơn sơ, kèo nghiêng, cột vẹo… để xây một trung tâm thương mại hiện đại cao tầng. Khi đó anh không thể bưng mớ rau, mớ tép ngồi bệt xuống nền chợ để bán nữa mà là những chủ quầy, ki ốt được quy hoạch, chất lượng hàng hóa, vệ sinh, an toàn… được kiểm soát chặt chẽ cùng các chính sách thuê , thuế rất cụ thể, rõ ràng.

May thay những chủ tàu Hạ Long cũng đã ý thức được điều này. Họ hiểu, không sớm thì muộn, không chóng thì chày phải tập hợp nhau lại, phải liên kết nhau lại…

Nếu liên kết theo kiểu hiệp hội chăng? Nhữngt ông chủ của các tập đoàn lớn khẳng định rằng, mình đã tham gia quá nhiều hiệp hội nhưng rốt cuộc đó chỉ là cuộc vui mà thôi. Bởi mối quan hệ giữa các thành viên với lãnh đạo hiệp hội không mang tính bắt buộc nên nghĩa vụ thì không có, trách nhiệm rất mờ nhạt. Mối quan hệ đó không phải là hữu cơ, không phải là mối quan hệ sinh tồn ràng buộc. Bản thân lãnh đạo hiệp hội thường là một doanh nghiệp cho nên họ cũng phải cân nhắc sự hơn thiệt giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể. Đó là một thực tế đầy mâu thuẫn.

Vậy thì lựa chọn cuối cùng và hợp lý là 500 con tàu gỗ hiện nay hãy liên kết lại thành tổng công ty cổ phần, bằng cách đó họ tiết kiệm rất nhiều chi phí về nhân công và điều hành sẽ thống nhất hơn, khoa học hơn rất nhiều. Bằng cách này chỉ cần một lệnh điều hành duy nhất ấn định giá vé tour sao cho hợp lý thay vì những cuộc cạnh tranh ngầm phá giá là nguy cơ thua lỗ rồi họ lại có thể tìm cách bù lỗ bằng những tiểu xảo trái pháp luật, gây tổn hại đến hình ảnh du lịch Hạ Long.

Với lượng khách du lịch tham quan Vịnh qua Cảng khách Quốc tế Tuần Châu hiện nay khoảng 10.000 lượt khách/ngày nếu do một tổng công ty đảm trách thì chỉ cần huy động từ 250 – 300 tàu chở là đủ, số tàu còn lại đưa vào duy tu, bảo trì, bảo dưỡng sẽ rất hợp lý và hiệu quả hơn. Mặt khác, những con tàu đã đến hạn ngừng chạy vì hết niên hạn sử dụng vẫn còn cổ phần ( giá trị vô hình: quyền kinh doanh và thương hiệu).

Một thực tế khác cho thấy những chủ tàu nhỏ rất lo sợ kiểu “ ngàn cân treo sợi tóc” nếu như có một sự rủi ro nào đó do con người hay thiên nhiên đối với tàu của họ thì coi như bao năm kinh doanh có thể trắng tay ngay lập tức. Kinh doanh tàu du lịch với chỉ vài ba con tàu trở lại người ta coi sự nguy hiểm như “ trứng để đầu núi” là như vậy. Nếu vào tổng công ty cổ phần lớn thì những chủ tàu nhỏ tránh được hiểm họa trên.

Vấn đề mua phí bảo hiểm và được chi trả bảo hiểm với những con tàu du lịch là một vấn đề rất quan trọng nhưng hầu như các doanh nghiệp nhỏ chưa hiểu thấu đáo luật và hay bị động nên khi xảy ra tranh chấp trong hợp đồng họ thường chịu lép vế, thua thiệt. Đây là một quan hệ dân sự do vậy hợp đồng là cả hai bên đều có quyền thỏa thuận thay đổi điều, khoản trước khi ký kết. Nhưng bên bán bảo hiểm thường đưa ra bản hợp đồng soạn sẵn sao cho có lợi cho mình và đẩy phía bất lợi cho chủ tàu. Như vậy chỉ khi vào công ty lớn có bộ phận chuyên trách về luật mới biết cần phải làm gì khi ký kết hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, khi quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, xử lý các tranh chấp xảy ra, quản lý an ninh, an toàn, trật tự… thì tổng công ty mới có đủ các phòng ban chức năng được trang bị trình độ và kinh nghiệm đầy đủ để giải quyết công việc có hiệu quả hơn.

Công bằng mà nói không một chủ tàu nào mong muốn cái “ tôi” của mình hòa lẫn vào cái “ chúng ta” . Nhưng trước những sự thách thức lớn của nền kinh tế thị trường, của sự hòa nhập kinh tế quốc tế và khu vực thì họ cũng đều hiểu rằng không gì hơn là sự: Phát triển bền vững, và con đường cuối cùng chắc chắn phù hợp nhất là liên kết lại thành tổng công ty cổ phần./.

Văn Nguyễn

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/500-du-thuyen-ha-long-vuon-tam-ra-bien-lon.html