50 quốc gia cam kết tiếp nhận người tị nạn

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, đã có 50 quốc gia cam kết tiếp nhận 360.000 người tị nạn trong năm nay, tăng gấp đôi so với con số của năm ngoái.

Ảnh: Reuters

Chủ trì hội nghị cấp cao về khủng hoảng người tị nạn toàn cầu tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) hôm 20/9, ông Obama nhấn mạnh: "Thế giới đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng mất cân đối nghiêm trọng, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ hay quay lưng lại. Đóng sập cánh cửa, bỏ mặc những gia đình này, là phản bội lại những giá trị sâu sắc nhất của chúng ta".

Hội nghị thống nhất đặt ra 3 mục tiêu cụ thể, bao gồm thuyết phục cộng đồng quốc tế tăng 30% nguồn tiền tài trợ cho các hoạt động nhân đạo trên thế giới, từ 10 tỷ USD trong năm 2015 lên 14,5 tỷ USD trong năm nay; Tăng gấp đôi số trường hợp được tái định cư và tìm kiếm những con đường hợp pháp mới để tiếp nhận người tị nạn đồng thời tăng số quốc gia chấp nhận số lượng đáng kể người tị nạn; Tăng số người tị nạn được đến trường trên toàn cầu thêm 1 triệu và số người tị nạn được phép đi làm cũng tăng thêm 1 triệu.

Dịp này, 51 tập đoàn và công ty lớn, trong đó có Facebook, Twitter, MasterCard, Johnson & Johnson, hãng sản xuất sữa chua Chobani cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tiếp cận giáo dục, việc làm và tài chính cho khoảng 6,3 triệu người tị nạn đang trú ngụ tại hơn 20 quốc gia.

Trước đó, tại hội nghị cấp cao của LHQ về người tị nạn và người di cư lần thứ nhất hôm 19/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố trong vòng 3 năm tới, Nhật Bản sẽ cấp thêm 2,8 tỷ USD viện trợ nhân đạo để giúp LHQ đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đưa ra cam kết Bắc Kinh sẽ cấp thêm 100 triệu USD cho các nỗ lực trợ giúp người tị nạn.

Hội nghị cấp cao của LHQ về người tị nạn và người di cư là sự kiện khai mạc tuần thảo luận cấp cao khóa 71 của Đại Hội đồng LHQ tại New York, thu hút sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia, các ngoại trưởng của 193 quốc gia thành viên LHQ. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố New York, bao gồm những cam kết triển khai một kế hoạch đồng bộ để giải quyết vấn đề người di cư và người tị nạn một cách hiệu quả hơn.

Văn kiện này thể hiện quyết tâm của LHQ hợp sức với tất cả các đối tác thực hiện những cam kết chung bao gồm: Bảo vệ quyền con người của tất cả những người di cư và tị nạn; Tăng cường hỗ trợ những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng di cư và tị nạn; Trợ giúp những người dân đang tuyệt vọng trong các cuộc khủng hoảng kéo dài; Bảo đảm trẻ em di cư, tị nạn được đi học; Cải thiện các hoạt động tìm kiếm và giải cứu người di cư và tị nạn; Tăng cường ngân sách viện trợ nhân đạo và tái định cư cho người tị nạn.

Tuyên bố New York nếu được thực thi nghiêm túc sẽ tạo ra được một cơ chế ổn định, có trách nhiệm hơn để các quốc gia thành viên LHQ chung tay góp sức giải quyết tình trạng người di cư và tị nạn ồ ạt trên thế giới. Với việc thông qua Tuyên bố New York, LHQ đã chính thức phát động một chiến dịch mới có tên “Cùng nhau – Tôn trọng, An toàn và Phẩm giá cho tất cả mọi người”.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ tham gia chiến dịch này và cam kết cùng nhau bảo vệ quyền và phẩm giá của tất cả những con người vì hoàn cảnh phải rời bỏ quê hương đi tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo Văn phòng của Cao ủy LHQ về người tị nạn, tính tới cuối năm 2015 thế giới có 65,3 triệu người không có nhà cửa, con số cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II. Hầu hết những người phải rời bỏ quê hương ra đi đều bị đe dọa tính mạng khi trên đường tháo chạy. Trong số những người may mắn sống sót, đến được một nơi nào đó để trú ngụ, nhiều người thường xuyên phải sống trong sự sợ hãi, bị bài ngoại, bị tấn công bạo lực, bị vi phạm nhân quyền và không được tiếp cận cách dịch vụ cơ bản.

Ước tính, cuộc khủng hoảng Syria kéo dài hơn 5 năm qua, đến nay đã cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người và gây ra một cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất tại châu Âu hiện nay.

An Bình(tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/50-quoc-gia-cam-ket-tiep-nhan-nguoi-ti-nan/287088.vgp