50 người trực 1km đường Cát Linh-Hà Đông: Tính vào giá vé?

'600 người để vận hành tuyến đường sắt 13 km thì quá nhiều. Tuy nhiên có thể ban đầu do chúng ta thiếu kinh nghiệm nên phải cần nhiều cán bộ'.

Quá nhiều cán bộ

Ngày 22/2, trao đổi với báo chí, ông Vũ Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ GTVT cho biết để vận hành 13km tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ có số nhân lực khoảng trên 600 người (trung bình 50 người phục vụ/1 km).

Theo Ban quản lý dự án đường sắt, trong hơn 600 nhân lực này có hơn 400 người được đào tạo Việt Nam, 200 người được cử sang Trung Quốc, gồm nhân viên trung tâm điều độ, nhân viên trung tâm ga, sửa chữa tàu, ga, đường ray...

Trước thông tin trên, chia sẻ với Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy, Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho rằng nếu chỉ để phục vụ riêng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì số nhân lực trên 600 người mà Ban quản lý dự án đưa ra là quá lớn.

Ông Thủy liệt kê một số bộ phận chính cần đội ngũ cán bộ, công nhân phục vụ, chẳng hạn như bộ phận chính đề-pô là nơi bảo dưỡng tàu định kỳ (hàng ngày, hàng tháng, hàng năm). Ở đây phải tập trung một lượng công nhân tương đối đông. Khi tàu về sẽ phải tiến hành lau chùi, quét sạch và xem có những hỏng hóc gì về điện tử, về cơ khí hay không.

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng con số 600 người vận hành tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông là quá nhiều. Ảnh: TPO

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng con số 600 người vận hành tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông là quá nhiều. Ảnh: TPO

Thứ hai là người điều khiển, cũng cần khoảng 30-40 người làm theo ca, kíp theo ngày.

Thứ ba là bộ phận bảo dưỡng trên đường. Nhiệm vụ chính là xem hệ thống đường ray, hệ thống truyền tải thông tin có đảm bảo hay không. Nếu hỏng hóc hoặc gặp sự cố phải chữa ngay tại chỗ. Ngoài ra còn cần thêm những người quản lý về văn phòng nữa.

“Tôi nghĩ có thể ban đầu do chúng ta thiếu kinh nghiệm nên phải cần nhiều cán bộ vận hành tuyến đường. Ngoài ra, cũng có thể Ban quản lý dự án tính đào tạo thừa ra khoảng 100-200 người để cho dự trữ những tuyến giao thông sau này nữa. Họ có thể học hỏi lẫn nhau, tự đào tạo để điều hành tuyến tàu đó.

Nếu trên 1 tuyến sắt có 13 km mà huy động đến 600 cán bộ, nhân viên thì quá nhiều. Tuy nhiên ban đầu còn khó khăn thì sử dụng như vậy cũng có thể chấp nhận được”, ông Thủy khẳng định.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia đề cập đến, đó là mức chi phí cho nhân sự làm việc tại các đoạn đường.

Theo ông Thủy, không thể tính vào giá vé hay lấy doanh thu hoạt động của tuyến Cát Linh – Hà Đông ra để chi trả mà nhà nước phải chi thêm tiền ngân sách để bù vào.

“Chúng ta đã thống nhất đối với giao thông công cộng thì được nhà nước bao cấp, bù thêm mỗi năm một khoản tiền nhất định. Hà Nội cũng như TP.HCM hàng năm nhà nước cấp thêm hàng nghìn tỷ đồng. Các thành phố này sẽ lấy tiền từ đó để bù vào, chi trả cho những người điều hành đoàn tàu này.

Tuy nhiên tôi phải nhắc thêm rằng, dù là tiền ngân sách nhà nước nhưng phải làm sao để càng tiết kiệm cho đồng thuế của người dân thì càng tốt.

Thế nhưng điều này Hà Nội chưa làm được. Ví dụ như tuyến xe buýt BRT nhanh, dù chi phí lên tới hàng nghìn tỷ nhưng đi vào hoạt động cũng không nhanh hơn gì xe buýt thường bao nhiêu cả”, TS Thủy lo lắng.

Khó vận hành đúng thời gian

Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cũng hết sức chú ý đến lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ, tương đương 1,02 triệu người mỗi ngày của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đưa ra.

Theo TS Thủy, con số trên chỉ là tính toán trên lý thuyết. Thực tế còn rất nhiều vấn đề phải xem xét đến, từ giá vé, tính thuận tiện của việc di chuyển hay các phương tiện chung chuyển từ điểm dừng đến các vị trí khác.

“Nếu tận dụng được 80-100% chỗ ngồi, tôi cho rằng có thể đạt được con số 1 triệu người/ngày vận chuyển. Nhưng quan trọng người dân có đi đầy hay không? Giờ cao điểm có thể mỗi toa có 500-700 hành khách, chứ giờ thấp điểm chắc chắn thấp hơn nhiều, có khi mỗi toa chỉ mấy chục người. Nó bù trừ với nhau nên số lượng 1 triệu người/ngày cũng rất khó khăn.

Thứ hai, người dân khi sử dụng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cần phải có những phương tiện vận chuyển đến các vị trí cần đến. Nếu chúng ta không kết nối được thì tôi nghĩ chỉ người dân dọc tuyến đó đi thôi, còn những khu vực khác sẽ không đi. Nếu vậy tính hiệu quả của tuyến đường có thể thấp hơn”, TS Thủy nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, ngày 1/9, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đóng điện toàn tuyến và tuyến đường sắt sẽ được chạy thử từ ngày 1/10.

Tuy nhiên TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, sẽ rất khó khăn để đảm bảo tiến độ trên. Nhiều khả năng phải đến đầu năm 2018, tuyến Cát Linh - Hà Đông mới có thể khai thác được.

"Hiện nay đoàn tàu đưa đến nhưng còn nhiều vấn đề chưa thể triển khai ngay được. Chẳng hạn như phải chạy thử, phải điều chỉnh, xem xét điện, hệ thống điều khiển, tay lái của người lái tàu thế nào. Tôi nghĩ kế hoạch đưa ra rất khó hoàn thành", TS Thủy chia sẻ.

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD. Tuy nhiên sau đó, tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh lên mức 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 tuy nhiên sau đó đã điều chỉnh lùi đến năm 2018 mới khai thác thương mại.

Dự án có chiều dài 13,05km đường sắt trên cao với 12 nhà ga; đường sắt đôi, khổ 1,435m với tốc độ chạy tàu tối đa 80 km/giờ.

Thời gian chạy từ Cát Linh đến Hà Đông và ngược lại sẽ là gần 24 phút. Lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ, tương đương 1,02 triệu người mỗi ngày.

Hà Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/50-nguoi-truc-1km-duong-cat-linh-ha-dong-tinh-vao-gia-ve-3329762/