50 năm theo nghề 'nâng gót thiên hạ'

Không may bị khuyết tật bẩm sinh nhưng với đôi tay khéo léo được tôi luyện trong 50 năm qua, ông Nguyễn Văn Mạnh (71 tuổi, quê Phú Lương, Hà Đông) hàng ngày vẫn miệt mài bên những đôi giầy cũ. Với ông điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời là luôn được tự làm, được giao lưu và “làm đẹp” cho những đôi giầy mà tưởng như chủ nhân của nó đã muốn vứt bỏ.

Ông Mạnh có thâm niên hơn 50 năm trong nghề.

Người thợ tài hoa

Cầm chiếc giầy nữ ướm lên miếng mút cứng, ông nhấc bút vẽ men theo phần đế. Tiếng kéo xoẹt xoẹt cắt theo đường vẽ, chẳng mấy chốc tấm mút vừa khít, rồi ông chăm chú quét keo dán quanh chiếc giày và miếng mút cho dính nhau giữa cái nắng ban trưa gay gắt của Hà thành. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Mạnh bảo: “Vị khách này khuyết tật, chân thấp chân cao. Tôi nâng phần đế một bên để cân bằng với chân còn lại, giúp họ di chuyển thuận lợi và thẩm mỹ hơn”.

Chọn góc giao nhau giữa đường Nguyễn Trãi rẽ vào con phố của làng Triều Khúc, ông Mạnh ngồi trên chiếc ghế thấp với bộ đồ nghề dã chiến cạnh bên. Mở chiếc hộp sắt chứa dụng cụ, ông lấy ra nào dùi, kìm, dao, kéo, kim khâu, lọ keo con chó,... Nhìn thoáng qua có thể lầm ông với thợ sửa xe nếu không có túi giày đặt phía trước và những thao tác ông thực hiện. Tranh thủ lúc vãn khách, ông chia sẻ với chúng tôi về những thăng trầm của đời mình.

Sinh ra trong gia đình đông anh em, có truyền thống cách mạng. Bố là đảng viên và là Bộ đội Cụ Hồ, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp khi ông Mạnh còn nhỏ. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang sục sôi khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ông vẫn viết đơn tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu để trả thù cho cha. Nhưng vì khuyết tật nên ông không đủ điều kiện để nhập ngũ. Ông buồn lắm nhưng đành phải chịu, bố hy sinh, gánh nặng đè hết lên vai người mẹ. Gia đình lại càng khó khăn thêm, chiến tranh ngày thêm ác liệt, mấy anh em đi sơ tán mỗi người một nơi. Không vào được bộ đội, ông quyết định đi làm nhưng để tìm một nghề phù hợp với ông đâu có dễ. Ban đầu ông đi làm thợ xây sau đó lại chuyển sang thợ mộc, rồi lên tỉnh Điện Biên làm thương nghiệp. Nhưng tất cả đều chỉ được một thời gian ngắn, ông lại phải bỏ nghề cũng chỉ vì tai nghe kém, sau đó về quê ông đến với nghề sửa chữa giầy.

“Tôi chỉ có một bên tai ngay từ khi sinh, người ta nói mười thì mình chỉ nghe được hai, ba thôi, lắm lúc cũng cảm thấy tủi thân lắm. Làm nghề nào cũng không phù hợp, khi lại giận chính mình vì bất tài, chứ không thể đổ hẳn cho khuyết tật. Nhưng cuộc sống này cha mẹ cho thì phải gắng mà sống cho tốt chứ” - ông thủ thỉ tâm sự.

“Tôi bắt đầu khâu giầy từ năm 19 tuổi. Đến giờ cũng đã có hơn 50 năm tuổi nghề rồi. Làm cái nghề này phải có con mắt tinh và đôi tay khéo léo. Ông trời đã lấy đi của tôi một bên tai nhưng bù lại cho tôi đôi mắt sáng. Có biết bao nhiêu đôi giầy đã qua tay, tôi cũng không nhớ nổi nữa, quan trọng nhất là làm tử tế. Khi sửa giầy tôi luôn tận lực để sản phẩm đến tay khách hoàn hảo. Tôi không hét giá, chỉ lấy công làm lời” - ông Mạnh chia sẻ.

Đôi giày được tặng trong ký ức một doanh nhân

Mỗi ngày, từ Phú Lương (Hà Đông), ông Mạnh đều đặn chạy xe hơn 7km đến góc phố nhỏ để hành nghề. 50 năm góp phần “nâng niu bàn chân Việt” ông Mạnh đã trở thành lão làng với kinh nghiệm sửa giầy được truyền thụ tận tình cho các thế hệ sau. Ông Mạnh cho biết, ông dạy nghề cho thế hệ các cháu trẻ yêu thích đam mê với nghề này.

Khách hàng của ông chủ yếu là sinh viên và người nghèo, người ngoại tỉnh. Họ đến đây không chỉ vì ông khâu đẹp, cẩn thận mà họ còn quý cái tính thương người, thật thà của ông. Có nhiều bạn sinh viên khi khâu xong giầy, không đủ tiền trả, ông làm tặng. Đối với những bạn là học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, ông còn cho tiền để động viên các cháu học tốt.

Ánh mắt ông Mạnh ngời lên niềm vui khi nhắc lại những kỷ niệm “như trong cổ tích”. “Cả đời khâu giầy, kỷ niệm mà ông nhớ nhất là cách đây hơn 30 năm. Khi đó ông khâu cho hai mẹ con một chị ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Chiếc giầy của cháu bé quá rách không thể khâu được, thấy hai mẹ con cũng nghèo, nên ông tặng cháu bé đôi giầy mà mình bày mẫu. Một ngày gần đây, bỗng có một chiếc xe ôtô con dừng lại chỗ ông. Từ trong xe, hai người bước đến hóa ra đó lại là hai mẹ con người khâu giầy năm xưa. Cậu bé ngày ấy đã trở thành một doanh nhân thành đạt, họ đến thăm và tặng tôi những món quà nhỏ như tranh, rượu, quà lưu niệm. Có quý mình, ưng giầy mình sửa họ mới quay lại thăm hỏi như thế. Xem ra chữ tín là quan trọng nhất”.

Giờ đây khi con cái đã có gia đình và công việc tạm ổn, ông vẫn chưa tính đến việc “nghỉ hưu”. Trầm ngâm một lúc, ông cho biết mình sẽ tiếp tục làm nghề này đến khi không còn sức: “Tôi yêu nghề, ở nhà sẽ buồn vì mất niềm vui lao động”.

Hoa Nguyễn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-hoi/50-nam-theo-nghe-nang-got-thien-ha-285911.html