5 vũ khí Donald Trump sẽ đầu tư mạnh cho quân đội Mỹ

Khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20.1.2017, chính quyền mới sẽ có cơ hội đảo ngược các chính sách cắt giảm chi tiêu quân sự theo “Đạo luật Kiểm soát ngân sách”, ban hành hồi năm 2011.

Với việc Đảng Cộng hòa đã kiểm soát cả thượng và hạ viện, chính quyền ông Trump sẽ dễ dàng có khả năng thay đổi chính sách quân sự nhằm đối mặt với những mối đe dọa mà nước Mỹ đang gặp phải. Mặc dù chưa rõ chính sách quốc phòng của ông Trump là gì nhưng tạp chí National Interest mới đây đã liệt kê 5 lĩnh vực quân sự chính quyền mới sẽ đầu tư mạnh để cải thiện.

1. Tàu ngầm

Do bị cắt một phần ngân sách đầu tư vào những năm 1990 sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, hải quân Mỹ chỉ xây dựng một vài chiếc tàu ngầm tấn công nhanh mới nhằm thay thế cho hạm đội tàu lớp Los Angeles đã có từ thời Tổng thống Ronald Reagan. Hạm đội tàu ngầm tấn công nhanh của Mỹ thậm chí còn đang trong đà thu nhỏ từ số lượng 52 chiếc ở thời điểm hiện tại xuống còn 41 chiếc vào năm 2029. Hay nói cách khác, lực lượng tàu ngầm mà Mỹ đang có là không đủ để giúp Mỹ đối mặt với những vấn đề trên biển.

Dưới nhiệm kì của ông Trump, Lầu Năm Góc có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của hải quân Mỹ, đó là chế tạo 2 tàu ngầm lớp Virginia mỗi năm, và nếu có thể, chính quyền Trump cũng nên nâng con số này lên thành 3 tàu.

2. Máy bay chiến đấu mới

Nhiều quan chức tại Washington đang kêu gọi chính phủ cho phép khởi động dây chuyền sản xuất máy bay tàng hình thế 5 F-22, tuy nhiên, đây là chiếc chiến đấu cơ đã được thiết kế từ 30 năm trước và chứa nhiều công nghệ đang dần trở thành đại trà. Chính vì vậy, thay vào đó, chính quyền của ông Trump có thể sẽ tập trung vào phát triển một mẫu chiến đấu cơ hiện đại mới nhằm thay thế cho F-22 và F-15.

Ngoài ra, với sự xuất hiện của các chiến đấu cơ tân tiến đến từ Nga và Trung Quốc như PAK-FA. J-31, J-20 hay các hệ thống phòng không hiện đại S-300V4, S-400 và S-500, việc Mỹ di chuyển nhanh lên một thế hệ máy bay mới là việc làm vô cùng cần thiết nếu muốn giữ vị thế dẫn đầu trong sức mạnh không quân.

3. Không lực trên tàu sân bay

Nhóm tác chiến tàu sân bay giúp cho hải quân Mỹ có thể vươn sức mạnh ra khắp thế giới chỉ trong thời gian ngắn, tuy nhiên, không đoàn trên tàu sân bay lớp Nimitz hay Ford được đánh giá là chưa đủ khả năng chiến thắng mạng lưới phòng không của Nga và Trung Quốc.

Chiến đấu cơ chủ lực trên tàu sân bay F/A-18 Super Hornet là một máy bay tốt nhưng hải quân Mỹ vẫn cần thay thế nó bằng một cỗ máy lợi hại hơn và có khả năng hoạt động ở những khu vực cấm nhập.

4. Xe tăng mới

Trong khi Nga đã ra mắt xe tăng T-14 Armata thế hệ mới và Trung Quốc thì đang phát triển xe tăng T-99, phiên bản nâng cấp xe tăng M1A2 SEP v.3 Abrams của Mỹ nhiều khả năng không phải là một đối trọng thích hợp.

Mỹ cũng từng thừa nhận sự tụt hậu với Nga trong lĩnh vực phát triển xe tăng tuy nhiên vấn đề là lục quân Mỹ hiện chưa có đủ ngân sách cho việc nghiên cứu một mẫu xe tăng hoàn toàn mới dưới thời Tổng thống Obama.

Đến nhiệm kì của ông Trump, lục quân Mỹ sẽ tiếp tục có cơ hội thuyết phục quốc hội và chính quyền mới về sự cần thiết của một loại xe tăng mới thay thế M1A2 Abrams.

5. Vũ khí năng lượng trực tiếp

Chính quyền của ông Trump có thể thúc đẩy các nỗ lực phát triển những loại vũ khí dùng năng lượng trực tiếp hoặc súng điện từ (railgun) vốn đã được chú trọng từ thời ông Obama.

Vũ khí năng lượng trực tiếp là vô cùng quan trọng trong việc giải quyết bài toán về chi phí. Ví dụ một tên lửa đạn đạo của Trung Quốc chỉ có giá 1,5 triệu USD nhưng một tên lửa đánh chặn SM-3 Block 1B của Mtx lại có giá lên tới 15 triệu USD. Đó là chưa kể đến việc hải quân Mỹ thường bắn ít nhất 2 tên lửa đánh chặn khi phát hiện một tên lửa tấn công. Do đó nếu dùng vũ khí laser hay súng điện từ, chi phí cho mỗi phát bắn sẽ giảm đi đáng kể so với tên lửa thông thường.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/5-vu-khi-donald-trump-se-dau-tu-manh-cho-quan-doi-my-722215.html