5 sai lầm của Lippi

ĐT Italia đã thất bại một cách tủi hổ tại World Cup 2010 và Marcello Lippi là người phải gánh nhiều trách nhiệm nhất về bi kịch này bởi ông đã phạm quá nhiều sai lầm.

1. Quá nhiều Juve và không có Totti Sai lầm căn bản của “Gã đầu bạc” là đặt niềm tin quá nhiều vào nhóm cầu thủ của Juventus, những người vừa khiến Juve có một mùa giải đen tối. Ở World Cup 2010, cả Cannavaro, Chiellini, Marchisio và Iaquinta đều có tên trong số những người chơi tồi nhất. Chỉ có Buffon và Camoranesi là tạm được, nhưng một đã sớm ngồi ngoài do chấn thương, một lại được sử dụng quá ít. Trong khi đó, chẳng những Lippi không thuyết phục được Totti trở lại, mà còn gạt luôn cả vai trò của một “số 10” trong đội bằng cách làm ngơ Cassano, Miccoli và Balotelli, những người có thể tạo ra đột biến nhờ khả năng sáng tạo ở tuyến trên. 2. Hoang mang về chiến thuật và con người Không tin dùng Quagliarella là một sai lầm của Lippi - Ảnh: Getty Thật đáng kinh ngạc là đến giờ này Lippi vẫn không tìm ra được một sơ đồ chiến thuật thích hợp với những con người ông đã lựa chọn. Từ đá tập đến các trận giao hữu, rồi các trận chính thức, Lippi luôn loay hoay trong các phương án mà tất cả đều chỉ là những thất bại. 4-2-3-1 chuyển thành 4-4-2, 4-4-2 lại thành 4-3-3, thậm chí 4-2-4. Ở World Cup 2010, chắc chắn không đội nào thay đổi chiến thuật nhiều và vô vọng như Italia. Lippi cũng buộc các cầu thủ phải chơi ở vị trí không thích hợp và liên tục xáo trộn, khiến họ ức chế và thi đấu kém. 3. Tạo ra một tập thể thiếu cá tính Năm 2006, Italia lên ngôi vô địch với đóng góp lớn lao từ tính cách “gian hùng” của đồ tể Materazzi. Năm 1982, họ cũng có “máy chém” Gentile, người khiến mọi đối thủ đều phải e dè vì sự dũng mãnh không thể lẫn trong mỗi pha cản phá. Lippi cũng chẳng có cá tính gì đặc sắc như các đồng nghiệp Maradona, Dunga hay thậm chí là Weiss (dám dọa đánh phóng viên). Bây giờ, ở Azzurra không một ai có cái tôi rõ rệt, tất cả đều nhàn nhạt như nhau. Thế nhưng khi người ta kêu gọi Lippi triệu tập những Cassano hay Balotelli (ngỗ ngược nhưng luôn chiến đấu hết mình), thì “Gã đầu bạc” lại gạt đi vì ông ngại tính cách hoang dại của họ. 4. Quá chủ quan và mơ mộng Chắc chắn là Lippi đã có tâm lý thờ ơ trước những thách thức ở vòng đấu bảng, khi các đối thủ trong bảng F đều nhỏ bé. Sự chủ quan đó được biểu hiện rõ nhất ở chỗ ông liên tục bày tỏ hy vọng Pirlo rồi Buffon sẽ kịp trở lại từ vòng 1/8, cứ như thể việc qua vòng bảng là không thể… tránh khỏi. Ngay cả trước trận gặp Slovakia, Lippi cũng không đưa ra cảnh báo cho các học trò về việc họ phải quyết đấu vì tình thế đã hiểm nguy. Đấy là một trận chung kết sinh tử, nhưng thầy trò Lippi chỉ nhận ra điều đó khi bị dẫn 0-2 và trận đấu chỉ còn 15 phút. 5. Không tin dùng Quagliarella Nếu Lippi đã loại thẳng cổ Marco Borriello (khiến nhiều người nuối tiếc) để lấy chỗ cho Fabio Quagliarella, thì tại sao ông chỉ nghĩ đến anh cho 45 phút cuối trận gặp Slovakia, khi Italia thực sự đã lâm vào tình thế hiểm nghèo? Chỉ cần 45 phút, chân sút của Napoli đã cho thấy sự hiệu quả hơn hẳn 250 phút của Iaquinta, 180 phút của Gilardino hay 120 phút của Di Natale. Anh ghi 1 bàn thắng, kiến tạo một bàn thắng, tung ra một cú sút như búa bổ bị cản trên vạch vôi và có một bàn bị tước vì việt vị không rõ ràng. Nếu có Quagliarella từ các trận trước, có thể Italia đã giành vé đi tiếp. B.V

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/454n20100626091613219t0/5-sai-lam-cua-lippi.htm