5 quy tắc của Biệt kích Mỹ giúp sống sót trong môi trường lạnh giá, khắc nghiệt

Những bước chuẩn bị không hề thừa để đi Sapa hay lep Phan Xi Păng.

Theo đúng lịch và khi áp đặt thời gian một cách máy móc, thì mùa đông đã đến với miền Bắc chúng ta rồi. Đông tới đã lâu nhưng vài cơn mưa nhẹ cũng như gió hiu hiu thổi không đem đến cho chúng ta một cảm giác thực sự mang tính “mùa đông”: Đông của mấy năm trước rét hơn năm nay nhiều!

Dù ta đã quen thuộc với cái lạnh rồi nhưng các cụ cũng có câu “Cẩn tắc vô áy náy”, đâu phải cứ lạnh buốt thì ta mới tính tới chuyện giữ nhiệt cho mùa đông? Chưa kể biết đâu có lịch đi chơi đột xuất ở những Sa Pa tuyết rơi hay leo Phan Xi Păng tuyết phủ thì sao?

Ngoài những kiến thức cơ bản như mặc thêm áo quần, dự trữ năng lượng hay giữ cho quần áo luôn khô ráo, bạn hãy tham khảo thêm một số những lời khuyên giữ ấm từ một cựu Biệt kích của quân đội Mỹ này.

Đầu tiên là nguyên tắc KOLD (thật thuận tiện khi đánh vần như COLD – lạnh): Giữ sạch – Keep it clean, tránh hiện tượng quá nhiệt – Overheating, mặc quần áo rộng nhưng nhiều lớp – Loose and in Layers, và luôn giữ quần áo khô – Dry.

Đó mới là nguyên tắc khởi đầu. Nếu như bạn muốn đi chơi (hoặc đạt được mục tiêu cuối cùng là sống sót) tại một nơi lạnh giá nào đó, hãy nhớ kĩ rằng:

Che phủ TOÀN BỘ chỗ hở trên cơ thể. TOÀN BỘ.

Việc thông thường mà chúng ta vẫn làm là khoác lên cơ thể mình những bộ quần áo chống rét, mặc áo dài, quần dài và quấn thêm chiếc khăn len lên cổ. Nhưng khi phiêu lưu vào một nơi khí hậu lạnh buốt, thì bạn còn cần phải che kín bàn tay, mặt và đầu nữa.

Bất kì chỗ da nào bị hở ra trước cơn gió lạnh kia đều sẽ gặp nguy hiểm. Khi tiếp xúc với làn không khí buốt thấu xương ấy, tay bạn có thể sẽ bị tê liệt chỉ trong vòng một cho tới hai phút. Một đôi găng tay da sẽ rất phù hợp trong hoàn cảnh này.

Nhớ rằng, bất kì khe hở nào trên “bộ giáp” của bạn sẽ là một điểm yếu để cho kẻ thù gió lạnh xuyên phá.

Mặc nhiều lớp một cách hợp lý.

Nắng mưa là chuyện của trời”, ta không thể đoán trước được thời tiết sẽ trở rét – trở nóng đột ngột như thế nào. Vì thế, nên mặc nhiều lớp quần áo để có thể cởi ra khi cần thiết hoặc mặc thêm vào nếu thấy nhiệt độ giảm đột ngột. Hãy chuẩn bị sẵn một tủ quần áo linh hoạt, có thể đối phó với mọi loại thời tiết.

Bên cạnh đó, lớp áo mặc sát người nhất nên luôn một lớp polyester tổng hợp hay len merino. Đó là những thứ vật liệu lý tưởng bởi khả năng giữ cho da luôn khô khi hoạt động nhiều và chúng sẽ cực kì thoải mái khi bạn gỡ bỏ những lớp quần áo dày khác để đi ngủ. Một điều nữa, hai hay ba lớp quần áo ngoài đè lên lớp polyester/len merino kia đừng nên quá chật.

Ở lớp ngoài cùng, hãy nên sử dụng một chiếc áo có mũ trùm đầu (như loại áo parka của người Eskimo). Các bạn cũng hãy áp dụng một quy chế y mặc nhiều lớp y hệt cho phần bên dưới cơ thể, nhưng đừng nên nhiều lớp như áo, chân còn phải vận động nhiều.

Luôn phải có son dưỡng môi và kính râm

Theo lời khuyên, thì không nhất thiết là phải loại son này kia, chỉ cần môi của bạn bôi một lớp son dưỡng là ổn. Nếu không, môi của bạn sẽ nứt nẻ và chảy máu lúc nào không hay đâu.

Còn kính râm, nó sẽ có hai tác dụng trong một trường giá buốt kia.

Một, hiển nhiên, là ngăn cách mắt bạn khỏi làn gió băng giá kia. Và hai, chúng tránh được trạng thái mỏi mắt do phải liên tục nhìn xuống một màu nền trắng.

Hãy luôn giữ cho người khô ráo.

KHÔNG BAO GIỜ để cho cơ thể bạn bị ướt, bởi đó sẽ gần như là tấm vé đưa bạn vào viện, và nếu nặng thì bạn sẽ tử vong. Nếu như kế hoạch phiêu lưu vùng băng tuyết diễn ra ở nơi nào nhiều hồ, sông hay suối thì hãy chuẩn bị sẵn một tấm khăn tắm và một (vài) bộ quần áo dự trữ. Mục quần áo đã có ở trên.

Cơ thể bị ẩm còn có thể đến từ lý do mồ hôi toát ra nữa, vì thế lớp quần áo gần da thịt nhất sẽ cực kì quan trọng: nó sẽ có thể quyết định mạng sống của bạn đó.

Không phải lạnh đến phát run là tốt đâu.

Hành động run của cơ thể là một phương thức bảo vệ bản thân theo bản năng của cơ bắp bạn. Lúc đó, toàn bộ cơ thể bạn sẽ run lên bằng cách vận động nhanh các cơ bắp, từ đó tạo ra nhiệt để chống lại cái lạnh bên ngoài. Nhưng, một khi bạn run rẩy, đó chính là điềm báo rằng bạn đã chuẩn bị sai ở đâu đó, và cái lạnh đang tiến vào cơ thể bạn.

Nếu như cơ thể hoàn toàn khô ráo và được mặc đủ ấm, không có lý do gì mà bạn lại run cả. Cách tốt nhất là kiểm tra kĩ cơ thể và xem rằng mình đã sai ở đâu.

Và kết lại, bên trên là những lời khuyên của một cựu biệt kích Mỹ về cách sống sót tại môi trường mà nhiệt độ xuống cực thấp. Dựa vào kinh nghiệm của những người lính này, thì việc nghe lời họ chắc hẳn là không thừa. Vì thế, hãy nhớ kĩ nguyên tắc KOLD cùng những lời khuyên chi tiết kia để cho những chuyến phiêu lưu ngày Tết này trở nên an toàn nhé!

Tham khảo BusinessInsider

Nguồn GenK: http://genk.vn/5-quy-tac-cua-biet-kich-my-giup-song-sot-trong-moi-truong-lanh-gia-khac-nghiet-20170101150434674.chn