5 năm quyết liệt 'giảm cân', Vinaconex đã 'thon gọn' cỡ nào?

Tính đến 30/6/2017, Tổng công ty có 27 công ty con, 7 công ty liên kết, 2 công ty liên doanh và 10 đơn vị đầu tư góp vốn khác.

Quá khứ mắc cạn bởi hai chữ “đa ngành”

Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (HNX: VCG) vốn là “ông tổng” trong ngành xây lắp và bất động sản. Tuy nhiên, tương tự như nhiều “ông tổng” Nhà nước khác, Vinaconex cũng một thời chạy theo đa ngành, đa nghề để rồi ngậm trái đắng.

Tính đến cuối năm 2011, Vinaconex khá cồng kềnh với mô hình 1 công ty mẹ, 38 công ty con và 11 đơn vị liên doanh, liên kết khác. Lĩnh vực hoạt động trải dài không chỉ bất động sản, xây lắp mà cả đầu tư thủy điện, sản xuất điện năng, tư vấn thiết kế, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng, thương mại – dịch vụ, sản xuất và kinh doanh nước sạch…

Không những đầu tư dàn trải, bộ máy cồng kềnh mà Vinaconex còn chìm đắm trong nợ nần. Tính đến cuối năm 2011, theo báo cáo hợp nhất Tổng công ty tuy có khối tài sản khổng lồ 30.125 tỷ nhưng chỉ được tài trợ bằng nguồn vốn eo hẹp 3.547 tỷ đồng trong khi 24.695 tỷ là nợ phải trả. Trong nợ phải trả thì có 17.240 tỷ là nợ ngắn hạn và 7.455 là nợ dài hạn. Xét về loại nợ, Tổng công ty có gần 13.000 tỷ là nợ vay gồm 6.885 tỷ vay ngắn hạn và 6.086 tỷ vay dài hạn. Riêng với công ty mẹ Vinaconex thì nợ phải trả lên đến 11.585 tỷ đồng, chiếm đến 72% tổng tài sản; trong đó có hơn 7.181 tỷ đồng nợ vay.

Do vậy, tại thời điểm 31/12/2011, tình hình tài chính tại công ty mẹ và một số công ty con bị đánh giá là có dấu hiệu nghi ngờ về tính hoạt động liên tục do công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn và các công ty này có lỗ lũy kế hoặc/cũng như dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm. Các công ty con bao gồm CTCP Xây dựng số 11, CTCP Xi măng Cẩm Phả, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex, CTCP Nước sạch Vinaconex và CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai.

Trong các khoản đầu tư ngoài ngành của Vinaconex thì “cục nợ” Xi măng Cẩm Phả là để lại hậu quả nặng nề nhất. Tổng công ty đầu tư vào đây 1.990 tỷ đồng để sở hữu 100% vốn, chiếm đến hơn một nửa giá trị danh mục đầu tư công ty con (thời điểm cuối năm 2011). Chẳng những đầu tư lớn, Tổng công ty vừa phải trả nợ thay, vừa phải gánh lỗ đậm. Đỉnh điểm là năm 2012, công mẹ bị lỗ ròng lên đến 646 tỷ đồng do dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn đến 1.073 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Vinaconex thời điểm đó tiết lộ nguyên nhân sâu xa là do phải gánh lỗ, trả nợ vay cho Xi măng Cẩm phả.

Hành trình “giảm cân” của Vinaconex

Trước những khó khăn tài chính cùng nhu cầu vốn do chủ trương siết tín dụng bất động sản thời điểm 2011, giải pháp khắc phục của Vinaconex chính là tăng vốn điều lệ và quyết liệt thoái vốn tại loạt công ty con.

Cụ thể, Công ty có kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng từ tháng 8/2011 nhưng phải đến tháng 3/2012 mới huy động được 1.417 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ thành công 71%. Chủ yếu là do hai cổ đông lớn là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cùng Tập đoàn Viễn thông Quân đội góp thêm (riêng tỷ lệ sở hữu của hai cổ đông lớn này sau phát hành là gần 80%).

Cùng với phương án tăng vốn thì Vinaconex cũng quyết liệt thoái vốn tại nhiều khoản đầu tư khác như Vinaconex E&C, Vinaconex – Hoàng Thành, CTCP Xi măng Vinaconex Lương Sơn Hòa Bình, CTCP Vinaconex Dung Quất, CTCP Phát triển thương mại Vinaconex, CTCP Vinaconex 3… Đặc biệt, danh sách thoái vốn không thể thiếu CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (XMC) và “cục nợ” Xi măng Cẩm Phả. Theo đề án tái cơ cấu được đưa ra cuối năm 2010 thì Công ty đã phải thoái vốn ngoài ngành để giảm số lượng công ty con, công ty liên kết từ 66 xuống 22 đơn vị và chỉ duy trì những đơn vị tập trung trong hai lĩnh vực là xây lắp và kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, hành trình thoái vốn của Vinaconex cũng không thực sự dễ đàng, đặc biệt là đối với những đơn vị bết bát như XMC và Xi măng Cẩm Phả.

Đối với XMC, từ tháng 10/2012, Tổng công ty đã muốn bán 51% vốn XMC với giá không thấp hơn 15.000 đồng/cp dù thị giá lúc bấy giờ của XMC chỉ 5.900 đồng/cp. Với mức giá đưa ra quá cao thì sau nhiều lần đăng ký bán đấu giá công khai không thành công, phải gần 1 năm sau tức tháng 9/2013, Vinaconex mới bán được 10.2 triệu cổ phiếu XMC cho đối tác là Công ty TNHH Khải Hưng với giá thỏa thuận.

Từ năm 2011, Vinaconex đã tỏ rõ quyết tâm bán Xi măng Cẩm phả. Nhưng dù cho Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương để Tổng công ty Công nghiệp Xi măng VN (Vicem) nhận chuyển nhượng 75% giá trị cổ phần tại Xi măng Cẩm Phả từ Vinaconex từ tháng 10/2011 thì Vinaconex vẫn phải ôm cục nợ này cho đến năm 2013 mới nhả ra được 70% vốn. Cứu tinh rước Xi măng Cẩm phả giúp Vinaconex không phải là Vicem mà chính là Tập đoàn Viettel (69%) và Công ty TNHH TM & XNK Viettel (1%), Viettel cũng đã rót tiền cho Vinaconex trong đợt tăng vốn 2011.

Nhờ liên tục thoái vốn, tính đến cuối quý II/2017, Tổng công ty Vinaconex chỉ còn 27 công ty con, 7 công ty liên kết, 2 công ty liên doanh và 10 đơn vị đầu tư góp vốn khác; giảm được 28% số lượng công ty con, công ty liên kết, liên doanh so với cách đây hơn 5 năm. Trong các công ty con hiện tại, Tổng công ty đã rút khỏi lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng nhưng vẫn còn sở hữu một số đơn vị không thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi hướng đến. Đó là 76,33% vốn CTCP Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc 2 trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, sản xuất và kinh doanh điện năng; cùng 51% vốn tại hai đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch là CTCP Nước sạch Vinaconex và CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch.

Thành quả sau hơn 5 năm

Xét về tình hình tài chính, tại BCTC hợp nhất bán niên soát xét 2017, tổng tài sản Vinaconex đã giảm 26% so với cuối năm 2011, chủ yếu giảm ở nợ phải trả trong khi vốn chủ sở hữu tăng hơn gấp đôi từ 3.153 tỷ lên 7.645 tỷ đồng. Cụ thể, qua hơn 5 năm, Tổng công ty đã xử lý được 10.024 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó có 8.411 tỷ đồng nợ vay. Nợ ngắn hạn đã thấp hơn tài sản ngắn hạn với lần lượt 10.937 tỷ và 12.311 tỷ đồng.

Đối với riêng công ty mẹ, tình hình cũng khả quan không kém khi tính đến 30/6/2017 còn 4.279 tỷ đồng nợ phải trả, tức đã xử lý được 7.305 tỷ đồng nợ, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn được đưa về mức an toàn 42%. Đồng thời, vay nợ ngắn hạn chỉ còn 688 tỷ và vay nợ dài hạn là 76,5 tỷ đồng.

Theo đó, đơn vị kiểm toán không nghi ngờ khả năng hoạt đông liên tục của Vinaconex nữa mà chỉ nhấn mạnh một số vấn đề có thể làm tăng khoản nợ tiềm tàng của Tổng công ty liên quan đến cổ phần hóa và cơ quan điều tra liên quan đến sản xuất và xây lắp tuyến ống nước truyền tải nước sạch dự án nước sông Đà giai đoạn 1.

Nói về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2011 đến 2016, tuy doanh thu của Tổng công ty (cả hợp nhất và đơn lẻ) đều có sự sụt giảm nhưng lợi nhuận đã tăng dần lên. Nguyên nhân chính yếu nhất đó là nhờ chi phí tài chính giảm dần theo thời gian.

6 tháng đầu năm 2017, Tổng công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.189 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lãi gộp cũng đạt 642 tỷ, tăng 13%. Nhờ doanh thu tài chính tăng thêm 22 tỷ và phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng thêm hơn 20 tỷ mà lợi nhuận thuần của Tổng công ty đạt 381 tỷ đồng, tăng trưởng 31%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng 32,4% ghi nhận mức 363 tỷ đồng.

Với công ty mẹ Vinaconex, tuy doanh thu tăng trưởng 33% nhưng lợi nhuận lại khá tương đương 6 tháng đầu năm 2016 khi đạt 229 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu tài chính giảm từ 167 tỷ xuống 158 tỷ và chi phí quản lý tăng từ 39 tỷ lên 53 tỷ đồng.

Ngọc Điểm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/5-nam-quyet-liet-giam-can-vinaconex-da-thon-gon-co-nao--20170906100417457p4c147.news