5 năm, 1.771 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài

Sáng 24/11, Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Năm 2012, Việt Nam trở thành thành viên Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (Công ước La Hay).

Theo Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp), giai đoạn 2011 - 2015, cả nước có 14.539 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi, trong đó có 12.768 trẻ em giải quyết cho làm con nuôi trong nước và 1.771 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài.

Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Thị Hảo nhấn mạnh, nhìn chung, công tác giải quyết việc nuôi con nuôi quốc tế được thực hiện tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Trẻ em Việt Nam được giải quyết làm con nuôi nước ngoài chủ yếu tại các nước có quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam trong khuôn khổ Công ước La Hay và hiệp định hợp tác song phương như: Pháp, Italia, Canada, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ…

Đáng chú ý, số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi quốc tế đã có chiều hướng gia tăng nhẹ và chất lượng công tác nuôi con nuôi quốc tế cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của Công ước; tuân thủ nguyên tắc cơ bản của Công ước; không để một trường hợp nào sơ xảy về điều kiện pháp lý trong việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi quốc tế…

Tuy nhiên, qua thống kê số liệu giải quyết nuôi con nuôi trên toàn quốc cho thấy, kết quả triển khai công tác nuôi con nuôi nước ngoài còn rất hạn chế về số lượng và chưa đồng đều. Cho đến nay trên toàn quốc mới có 80/408 cơ sở trợ giúp xã hội tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài.

Trong giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, vẫn còn tồn tại tư duy và nhận thức cũ, gắn việc cho nhận con nuôi với việc hỗ trợ nhân đạo; việc phối hợp liên ngành ở địa phương còn chưa kịp thời, chưa chủ động, còn thiếu và yếu; một số quy định pháp luật còn gây ách tắc trong việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài…

Ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch, Quốc tịch, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết, việc xác minh nguồn gốc trẻ em rất khó khăn bởi nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả…

Tại TP Hồ Chí Minh hơn nửa trẻ em được nuôi trong cơ sở tư nhân, trong khi đó theo quy định của Luật Nuôi con nuôi các cơ sở nuôi tư nhân phải đủ điều kiện và được sự chấp thuận của UBND tỉnh, TP mới được cho nhận nuôi con nuôi nước ngoài.

Theo ông Lưu, vấn đề là phải đặt quyền lợi của trẻ em khó khăn, bệnh tật có nhu cầu được làm con nuôi nước ngoài chứ không phải nặng về hình thức, điều kiện của các cơ sở nuôi trẻ em.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề nghị, cần tập trung tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương; tập huấn về kiến thức và kinh nghiệm tâm lý xã hội cho cán bộ công chức làm công tác nuôi con nuôi quốc tế.

Cùng với đó, tăng cường trao đổi để có điều chỉnh phù hợp hoặc đưa ra những định hướng đúng trong quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và các nước. Các cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra, giám sát tình hình cho, nhận con nuôi quốc tế và tình hình tài chính có liên quan đến việc cho nhận con nuôi quốc tế...

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/5-nam-1771-tre-em-duoc-giai-quyet-cho-lam-con-nuoi-nuoc-ngoai_t114c1159n112443