5 món ăn xong liền nhớ miền Tây

Cùng tụ họp bên nồi lẩu mắm thơm lừng, gói miếng bánh xèo trong đủ thứ rau khó nhớ tên, hay thưởng thức bún nước lèo nổi tiếng của người Khmer là kỷ niệm khó quên về miền Tây.

5 món sau đây khiến nhiều người nhớ miền Tây đến da diết. Và nếu chưa có dịp đến miền sông nước của đồng bằng sông Cửu Long, đây chính là động lực khiến bạn xách ba lô lên ngay lập tức.

Lẩu mắm

Miền Tây có hai nơi nổi tiếng nhất với lẩu mắm, đó là Cần Thơ và Đồng Tháp Mười. Bạn có thể thưởng thức ở cả hai nơi, nhưng nói chung lẩu mắm ở đâu cũng ngon.

Gọi là lẩu mắm vì nước dùng được chế từ nước hầm xương và mắm cá (thường là mắm cá sặc, cá linh vốn chỉ có ở miền Tây).

Nồi lẩu mắm 160.000 đồng tại Sa Đéc (Đồng Tháp) đủ cho 2-3 ngươìc.

Nồi lẩu mắm 160.000 đồng tại Sa Đéc (Đồng Tháp) đủ cho 2-3 ngươìc.

Lẩu mắm hấp dẫn ở nồi nước dùng với vị ngọt từ xương, thơm nồng từ mắm cá không thể nhầm lẫn với bất cứ món nào khác. Tuy nhiên, nếu vượt qua nỗi sợ về mùi, chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức món ngon khó quên trong đời.

Lẩu mắm còn đặc biệt với nhiều món ăn kèm: cá tra hoặc cá ba sa, cá linh (nếu bạn đi đúng mùa nước nổi), tôm sú, mực, thịt ba rọi. Rau ăn kèm cũng tạo nên thương hiệu cho món ăn này với bông điên điển (mùa nước nổi mới có nhiều) chua chua ngọt ngọt, bông súng, rau đắng, rau nhút, rau muống, rau rút...

Bánh xèo củ hủ dừa

Nếu may mắn được đặt chân tới Cần thơ "gạo trắng nước trong", chắc chắn bạn phải nếm thử món bánh xèo củ hủ dừa.

Củ hủ dừa thực chất là phần cao nhất, non nhất trên đọt cây dừa. Nó có màu trắng, vị giòn ngọt thanh mát. Củ hủ dừa kết hợp với đậu xanh nguyên hạt, thịt xay, tôm, giá đỗ... làm nhân khiến chiếc bánh xèo có vị rất lạ, vừa đậm đà, thơm bùi lại vừa ngậy.

Chiếc bánh xèo củ hủ dừa khá lớn, màu vàng rộm, ăn kèm với rất nhiều loại rau "không tên". Bạn có thể tìm đến quán bánh xèo Bảy Tới (khu Cái Sơn Hàng Bàng, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) để thưởng thức món ăn đặc biệt này.

Một trong những điều đặc biệt nhất về món bánh này nằm ở rau ăn kèm. Một đĩa rau đầy ắp gồm nhiều loại: rau cải bẹ, lá lộc vừng, rau diếp, tía tô, xà lách và vô số các loại lá khác khó nhớ tên.

Bánh chỉ ăn kèm với rau và nước chấm, chứ không có bánh tráng cuốn bên ngoài như cách ăn của người miền Bắc, miền Trung. Chính vì ăn kèm với rất nhiều rau, nên dù bạn lỡ "bị nghiện" mà thưởng thức đến chiếc bánh thứ hai cũng không hề ngấy.

Bánh cống

Không chỉ có đặc sản bánh xèo củ hủ dừa, thủ phủ miền Tây còn một món ăn khác mà bạn nên thưởng thức: bánh cống. Quán ngon nức tiếng mà người dân Cần Thơ truyền tai nhau có tên bánh cống Cô Út (đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều, Cần Thơ).

Chiếc bánh cống được chiên ngập dầu nên vỏ rất giòn, béo ngậy. Bánh thường được chia thành 4 miếng, vị ngon từ nhân được làm từ thịt, đậu đỗ nguyên hạt, tôm, hành lá...

Bánh cống ăn kèm với nhiều loại rau: rau cải bẹ, rau diếp, rau kinh giới... quyện với nước chấm mặn ngọt cay. Món ăn này có mặt ở nhiều địa phương của miền Tây, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh cống Cần Thơ, bởi chìa khóa mang tên bột gạo.

Những món bánh miền Tây luôn nổi tiếng bởi chính sự bình dị. Bánh cống cũng vậy. Trước đây, nhân bánh rất đơn giản nhưng hiện nay đã được cách tân, tạo nhân bánh cầu kỳ hơn.

Bún bò cay

Bạc Liêu vốn nổi tiếng với công trình kiến trúc nghệ thuật Nhà hát Cao Văn Lầu dựng theo mô hình ba chiếc nón lá. Nhưng nếu đờn ca tài tử là đại diện nổi bật cho âm nhạc xứ Bạc Liêu, món bún bò cay là đại diện ẩm thực mà bạn sẽ ấn tượng khi rời khỏi nơi này.

Món bún bò với độ cay "tê lưỡi". Địa chỉ yêu thích của nhiều người dân Bạc Liêu là để thưởng thức món ăn này là quán Phương Đông (đường Ngô Quyền).

Bạn đừng vội liên tưởng đến món mì cay 7 cấp độ - trào lưu mới nổi dạo gần đây. Bún bò cay có màu đỏ tự nhiên của ớt, độ sánh đậm của nước dùng và những miếng bắp bò to, vừa dai vừa mềm.

Bạn có thể yêu cầu nhà hàng chế biến ít cay, cay vừa hoặc rất cay tùy theo khả năng "chịu đòn" của vị giác. Bún bò cay thưởng thức cùng quẩy, giá đỗ và rau sống.

Bún nước lèo

Sóc Trăng là điểm đến không thể thiếu trong hành trình rong ruổi miền Tây. Đã tới đây, bạn phải thưởng thức món bún nước lèo ngon trứ danh. Địa chỉ nhiều người tìm đến để thưởng thức món ăn này là quán bún nước lèo Cây nhãn trên đường Võ Đình Sâm.

Bún nước lèo đặc biệt bởi nước dùng có vị đậm, thơm.

Bún nước lèo còn được gọi là bún mắm, vì nguyên liệu chính là mắm cá. Loại mắm này là đặc sản ẩm thực có xuất xứ từ người Khmer. Trong tô bún còn có thịt heo quay, nõn tôm, thịt cá và một chút lá hẹ.

Bún nước lèo Sóc Trăng với nước dùng trong veo nhưng vẫn đậm đà vị mắm được xếp hàng đầu trong những món bún ngon nhất miền Tây, cùng bún cá Châu Đốc và bún nước lèo Kiên Giang, Trà Vinh.

Bài và ảnh: Nguyễn Thao

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/5-mon-an-xong-lien-nho-mien-tay-post683895.html