5 lý do cần có kho tư liệu số về chứng lý Biển Đông (bài 2)

Như Infonet đã đưa tin, chúng ta không thể làm ngơ với mặt trận truyền thông chứng lý Biển Đông, từ thực tiễn và yêu cầu của cuộc đấu tranh chủ quyền, TS Trần Công Trục tiếp tục nêu ra 5 lý do cần có Bảo tàng số về chứng lý Biển Đông.

Trước hết, trên cơ sở những vấn đề hiểu biết của tôi về vấn đề truyền thông chứng lý Biển Đông, và từ những yêu cầu nghiên cứu toàn diện vấn đề Biển Đông đòi hỏi chúng ta phải có một kho tư liệu đầy đủ, toàn diện nhất để những nhà nghiên cứu có thể tiếp cận nó. Tuy nhiên, những tài liệu đó lại nằm rải rác ở rất nhiều nơi như Thư Viện Quốc gia, Viện Hán Nôm, các cơ quan ngoại giao, các cơ quan khác đều có những thư viện nhỏ có những sách vở liên quan đến vấn đề Biển Đông. Khi nằm rải rác đó khiến cho người dân, nhà nghiên cứu rất tốn công để đi tìm tòi, thậm chí khó khăn trong thủ tục hành chính.

Thư viện Quốc gia nơi tập hợp tri thức của cả nước nhưng không phải đã đầy đủ tư liệu chứng cứ Biển Đông

Theo tôi, kiến thức con người là biết thông tin nằm ở đâu để khai thác thuận lợi nhất để đưa vào công trình nghiên cứu của mình. Nhưng hiện nay, những người nghiên cứu như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, muốn tìm nó không biết nó nằm ở đâu. Từ thực trạng này, tôi mong muốn có một tổ chức, một cơ quan có thể tập hợp toàn bộ tài liệu chứng cứ về Biển Đông, hệ thống nó lại cho các nhà nghiên cứu và công chúng có thể tiếp cận nó một cách dễ dàng. Làm được việc này không thể là ai cũng làm được, tổ chức đơn lẻ nào cũng làm được mà Nhà nước phải giao nhiệm vụ cho một cơ quan chuyên trách, Nhà nước phải đầu tư hẳn hoi, tập hợp các chuyên gia nhà nghiên cứu sưu tầm, phân loại, đánh giá tài liệu chứng cứ một cách phù hợp nhất.

Thứ hai, cần phải cung cấp thông tin khách quan cho người dân để người dân hiểu vấn đề, nhận thức, đánh giá được đầy đủ vấn đề mà không áp đặt ý chí chủ quan cho họ. Có nhận thức đầy đủ thì người ta mới có hành động tích cực. Khi con người bị áp đặt hoặc chưa nắm rõ, nhận thức đầy đủ vấn đề thì hành động của người ta yếu ớt. Nhưng người ta hiểu được vấn đề thì người ta sẽ chủ động trong hành động và vững vàng kiên định đến cùng. Hiện nay, do thiếu một kênh tập hợp thông tin tài liệu nên nhận thức của người dân chưa được đồng đều.

Người dân, đặc biệt là các bạn trẻ rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông.

Thứ 3, do chưa có kênh tập hợp thông tin, tài liệu, chứng cứ pháp lý cho vấn đề Biển Đông nên tài liệu Biển Đông vẫn còn nằm rải rác nhiều nơi. Có nơi còn coi đó là bảo bối của riêng mình. Mặt khác, cũng có những thông tin sai lạc, chưa đúng sự thật thì đã có ai đánh giá, chắt lọc nó đâu. Việc không có phân loại chắt lọc thông tin, đưa ra tự phát, mạnh ai nấy làm nhiều khi lại phản tác dụng. Tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân: “Nghiên cứu chủ quyền Biển Đông dường như thiếu một nhạc trưởng”. Câu nói ấy rất đúng. Đúng bởi lẽ, chúng ta có chứng cứ, chúng ta cũng có lý lẽ... nhưng chưa có cơ quan, tổ chức, một ai đứng đầu điều hành sắp xếp nó, không khác nào có nhạc cụ, có nhạc công, có bản nhạc nhưng thiếu người điều khiển bản nhạc đó hay nói một cách khác có nhưng quá nhiều, mỗi người mỗi phách. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao vẫn chưa có được một cơ quan nghiên cứu điều phối chung, hay đơn giản như có thư viện điện tử khá thông dụng hiện nay.

Thứ 4, mỗi chứng cứ đều phải được đánh giá giá trị pháp lý, giá trị truyền thông hoàn toàn khác nhau. Nếu chúng ta không có đánh giá toàn diện nhiều khi sẽ “lầm lạc” trong việc đưa ra chứng cứ. Điều này sẽ rất nguy hiểm cho cuộc đấu tranh của chúng ta. Như vậy, không thể không có một cơ quan đứng ra, đánh giá, bàn thảo trước khi đưa ra vấn đề.

Thứ 5, vấn đề thiết thực nhất như việc trang bị những hiểu biết cơ bản nhất cho người dân như đâu là lãnh hải, đâu là nội thủy, đâu vùng tiếp giáp lãnh hải, đâu là vùng đặc quyền kinh tế và đâu là thềm lục địa cũng là vấn đề hết sức cần thiết để người dân hiểu trước những vi phạm của từng vùng đó sẽ xử lý thế nào, quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta ra sao... để người dân hiểu và đồng thuận, tin tưởng với Nhà nước là hết sức cần thiết. Trong khi đó nhận thức của người dân vẫn chưa phải đã là đầy đủ, ngay cả sinh viên, trí thức, thậm chí phóng viên, nhà nghiên cứu cũng chưa phải đã nắm rõ ràng vấn đề cơ bản này.

Phải trang bị kiến thức chứng lý Biển Đông đến tận ngư dân bám biển

Từ những lý do tất yếu trên đây, là một người nghiên cứu Biển Đông nhiều năm, tôi mong mỏi Nhà nước, có một sự đầu tư thích đáng, phân công giao trách nhiệm cho cơ quan tiến hành xây dựng một Tổ chức nghiên cứu Biển Đông và xây dựng một bảo tàng số về chứng lý Biển Đông. Dưới đây là những phác thảo cơ bản của chúng tôi, rất mong sự giúp đỡ, hợp tác và ủng hộ của Nhà nước, của các cơ quan nghiên cứu, của các cơ quan truyền thông, báo chí cả nước.

Bài 3: Các chuyên gia khác nói gì về ý tưởng này?

Hồng Chuyên (Ghi theo lời TS Trần Công Trục)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Thoi-su/5-ly-do-can-co-kho-tu-lieu-so-ve-chung-ly-Bien-Dong-bai-2/58095.info