5 kiến nghị của Hiệp Hội Tôm Bình Thuận nhằm nâng cao chất lượng tôm giống

Ngày 15.8, tại Hội nghị quản lý tôm giống nước lợ do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận đã đại diện cho Hiệp hội nêu lên 5 kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng tôm giống, góp phần phát triển ngành tôm bền vững.

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thời tiết, đất đai, giao thông thuận tiện, nước biển trong sạch, không có sông suối đổ ra… Thiên nhiên ban tặng cho Bình Thuận về tiềm năng phát triển nghề sản xuất tôm giống. Đặc biệt là huyện Tuy Phong, (Bình Thuận), là một vị trí rất thuận lợi cho nghề sản xuất tôm giống phát triển. Bên cạnh thiên nhiên ưu đãi, Bình Thuận còn có 1 đội ngũ doanh nghiệp nhiều năm kinh nghiệm, tâm huyết với nghề.

Trước đây, từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến nay Bình Thuận đã hình thành một khu sản xuất tôm giống tập trung nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, năng lực sản xuất lớn, chất lượng tốt nhất. Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bản tỉnh có 131 cơ sở sản xuất giống thủy sản với 683 trại giống, đa số tập trung ở Vĩnh Tân (Tuy Phong). Năng lực của các doanh nghiệp có thể sản xuất 40 tỷ pos/năm, tuy nhiên do phụ thuộc vào thị trường nên năm 2015 sản xuất hơn 21 tỷ con post, 6 tháng đầu năm 2016 sản xuất 12,6 tỷ con Post.

Để ngành tôm phát triển bền vững, Hiệp hội tôm Bình Thuận nêu ra 5 vẫn đề khó khăn bất cập trong sản xuất kinh doanh tôm giống, từ đó kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhằm tìm ra những tiếng nói chung, những biện pháp hợp lý tháo gỡ những khó khăn, bất cập như:

Thứ nhất, về Công tác quản lý:

Bộ NNPTNT cần chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các tình ven biển trong công tác quản lý nhà nước về nuôi tôm, đặc biệt các tỉnh có sản xuất tôm giống.

Tỉnh nào để xảy ra sai phạm, phải có hình thức xử lý, kỷ luật thích đáng những cá nhân của tỉnh đó. Muốn chất lượng Tôm giống tốt thì tỉnh nào cũng phải quản lý tốt chứ một vài tỉnh quản lý tốt là chưa đủ; Thành lập cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh về chất lượng tôm giống cũng nhưng công tác quản lý về chất lượng tôm giống.

Nhà nước cần tăng cường nhân lực, hỗ trợ kinh phí quản lý, cho các tỉnh nuôi tôm giống nhiều trọng điểm như Bình Thuận, Ninh Thuận.

Về kiểm tra chất lượng và kiểm dịch tôm bố mẹ nhập khẩu. Khi nhập khẩu tôm bố mẹ đã phải lấy mẫu kiễm dịch, khi về đến trại lại kiễm tra chất lượng, gây phiền hà. Kiến nghị nên kết hợp thực hiện, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm, kiễm tra số lượng, chất lượng ngay tại cửa khẩu sân bay và báo cáo kết quả cho chi cục địa phương để quản lý.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Về thực hiện giám sát xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trại giống theo quy định tại Thông tư 26 và kiểm dịch theo thông tư 14 sắp có hiệu lực, quy định tần suất lấy mẫu 1 tháng và 2 tháng 1 lần là quá dày và tỷ lệ lấy mẫu lưu hành quá lớn, chi phí theo đó rất lớn 300-400 triệu/năm. Với cơ sở nhỏ thì không thể thực hiện được, vì vậy đề nghị phân chia theo quy mô và giảm tỷ lệ lấy mẫu, tầng suất lấy mẫu để cơ sở nhỏ cũng thực hiện được.

Thứ 2, về quản lý tôm bố, mẹ:

Đối với tôm bố, mẹ nhập khẩu: Hiện nay, công tác quản lý tôm bố mẹ nhập khẩu đã xây dựng và thực hiện được quy trình quản lý rất rõ ràng và kiểm soát rất chặt chẽ. Tuy nhiên Bộ cũng cần tìm kiếm thêm những công ty sản xuất tôm bố mẹ có chất lượng kiểm tra và cấp phép cho bán tôm bố mẹ vào Việt Nam. Để tránh thiếu hụt tôm bố mẹ lúc cao điểm mùa vụ.

Đối với tôm bố mẹ sản xuất trong nước: Việc nhận chuyển giao công nghệ hoặc nghiên cứu tạo đàn tôm bố mẹ tại Việt Nam chỉ nên được tiến hành tại các viện, trường với sự trang bị đầy đủ điều kiện nghiên cứu và chịu sự kiểm soát của Bộ. Kết quả nghiên cứu chỉ được phổ biến rộng rãi khi đã được kiểm định chất lượng.

Nói cách khác, không được cung cấp tôm bố mẹ cho thị trường khi chưa được kiểm định chắc chắn đã tạo được đàn tôm bố mẹ ổn định, lâu dài.

Những đơn vị được sản xuất tôm bố mẹ trong nước Bộ cần phải kiểm tra đánh giá về chất lượng của đàn tôm bố mẹ sản xuất trong nước, nếu không kiểm soát được đàn tôm bố mẹ này thì nguy cơ dịch bệnh triền miên là không thể tránh khỏi. Phải có quy định quản lý, kiểm định, kiểm tra chất lượng xét nghiệm bệnh, quy trình giám sát cụ thể, khi sản xuất giống phải đóng gói bao bì ghi rõ là giống sản xuất do nguồn tôm bố mẹ sản xuất trong nước. Tránh tình trạng người nuôi khi mua tôm giống không biết đâu là tôm giống được sản xuất từ tôm bố mẹ trong nước, đâu là tôm giống được sản xuất từ tôm bố mẹ nhập khẩu. Đây cũng là “kẽ hở” để những đơn vị làm ăn “chộp giật” lợi dụng trà trộn tôm giống kém chất lượng bán cho người nuôi. Do đó, cần có quy định quản lý, kiểm định, kiểm tra chất lượng, dịch bệnh, thông tin công bố chất lượng nhãn mác tôm bố mẹ sản xuất trong nước giúp người nuôi phân biệt và lựa chọn. Mặt khác, chất lượng tôm giống được sản xuất từ tôm bố mẹ sản xuất trong nước. vẫn chưa được kiểm định chất lượng nên cần phải làm rõ vấn đề này.

Đối với tôm bố mẹ không có nguồn gốc xuất xứ: Tình trạng sử dụng tôm bố mẹ không có nguồn gốc xuất xứ, thậm chí sử dụng tôm bố mẹ lấy từ tôm thịt nuôi dưới ao, đìa lên hoặc nhập lậu từ Trung Quốc. Đây là nguyên nhân chính làm thất bại, dịch bệnh, bệnh đốm trắng, và các bệnh vi rút khác gây thiệt hại lớn cho bà con.

Do đó, Hiệp Hội tôm Bình Thuận kiến nghị Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn cần nghiên cứu để có chế tài mạnh hơn nhằm xử lý dứt điểm tình trạng này.

Ông Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại Hội Nghị

Thứ 3, về Quản lý hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý cải tạo môi trường:

Hiện nay có rất nhiều sản phẩm kém chất lượng được bán dạo, ghi công dụng phòng trị được nhiều loại bệnh nhưng thực tế không có tác dụng, làm cho người nuôi bị thiệt hại. Mức độ thiệt hại ngày càng trầm trọng làm suy giảm nghành tôm trong những năm gần đây. Mỗi khi bị thiệt hại người ta đỗ lỗi cho chất lượng tôm giống.

Kiến nghị Bộ NNPTNT có biện pháp thu tổng thể tất cả các loại thuộc, hóa chất, men vi sinh… phục vụ trong thủy sản đang lưu hành kinh doanh trên cả nước. Để đánh giá chất lượng từng nhóm sản phẩm, từ đó đưa ra khuyến cáo rộng rãi để người nuôi tôm biết lựa chon sử dụng. Đồng thời có biện pháp xử lý và công khai các loại sản phẩm kém chất lượng, đưa ra khỏi danh mục được phép lưu hành kinh doanh.

Thứ 4, về quản lý sản xuất và thương mại

Trước thực trạng tôm giống của cơ sở sản xuất này nhưng khi xuất bán lại đóng gói bao bì, nhãn mác của công ty khác đang diễn ra tràn lan không kiểm soát nổi như đã nêu ở trên, Hiệp hội tôm Bình Thuận kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có quy định quản lý rõ ràng hơn như: Mỗi một trại sản xuất tôm giống phải đăng ký thủ tục giấy tờ đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước; các cơ sở, doanh nghiệp chỉ được đăng ký một thương hiệu tôm giống, kể cả trại sản xuất đó là thuê ngắn hạn; trong qua trình sản xuất phải chứng minh được nguồn gốc tôm bố mẹ hoặc nguồn gốc naup mua tại cơ sở sản xuất naup nào; khi xuất bán bắt buộc phải đóng bao bì, thùng, nhãn mác đúng với đăng ký ban đầu với cơ quan quản lý nhà nước…

Toàn cảnh hội nghị

Đối với nhiều lĩnh vực sản xuất khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đang thực hiện quản lý theo chuỗi rất thành công. Do đó, Hiệp hội tôm Bình Thuận cũng kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành quy trình quản lý tôm theo chuỗi. Từ đó có thể giúp người nuôi dễ dàng truy xuất được nguồn gốc tôm giống. Khi mua, có nguồn gốc tôm bố mẹ ở đâu, tôm bố mẹ nhập khẩu hay tôm bố mẹ sản xuất trong nước cũng như truy xuất được công ty nào sản xuất, sản xuất từ nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu của công ty nào … có như vậy mới tìm ra được nguyên nhân thất bại để có giải pháp khắc phục. Hiện nay, người nuôi gặp phải tôm chậm lớn hoặc không lớn dẫn tới thua lỗ nhưng vẫn không biết nguyên nhân từ đâu và không có đơn vị nào chịu trách nhiệm.

Thứ 5, về quản lý giống khi nhập tỉnh: Hiện nay chúng ta có hai cách mua bán tôm giống:

- Một là nguồn giống có đặt kế hoạch trước khi thả cho người nuôi (người nuôi chuẩn bị sẵn ao, đìa, doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục, hồ sơ liên quan trước khi vận chuyển tôm giống đến là thả ngay tôm xuốngao hoặc zèo tại ao)

- Hai là nguồn giống không có kế hoạch trước mà mang ra chợ bán, chờ người nuôi tới lựa chọn.

Tại khu vực các tỉnh phía Nam, hiện nay có 3 chợ bán tôm thẻ chân trắng và tôm sú tại Bạc Liêu, Cà mau, Kiên Giang. Đối với tôm giống có kế hoạch trước khi thả cho người nuôi, tỉ lệ sống cao hơn, ít nguy cơ lây lan dịch bệnh hơn. Tôm không có kế hoạch, ở ngoài chợ sẽ dễ lây lan dịch bệnh, thời gian chờ đợi ở chợ làm cho tôm suy yếu, tỉ lệ sống cũng giảm Vì đặc thù của tôm giống là bảo quản ở nhiệt độ từ 18 đến 24 độ C.

Do đó, Hiệp hội tôm Bình Thuận kiến nghị Bộ NNPTNT cần có Quy định cho các địa phương phải chỉ đạo người nuôi có kế hoạch mua bán trước mới được phép thả thẳng cho người nuôi. Đối với giống chưa có kế hoặc trước mang đi bán ở chợ, buộc phải dèo để đảm bảo giống được tốt hơn.

Tại Hội nghị Quản lý chất lượng tôm giống nước lợ, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hồi, các địa phương và chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát lại các kiến nghị để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Những vẫn đề nào giải quyết được phải giải quyết ngay, cái gì chưa giải quyết được sẽ tiếp tục nghiên cứu và sớm có trả lợi cho các doanh nghiệp, hiệp hội, và 28 tỉnh ven biển”, ông Cường nói.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/doanh-nghiep/5-kien-nghi-cua-hiep-hoi-tom-binh-thuan-nham-nang-cao-chat-luong-tom-giong-701482.html