5 giải pháp điều hành vĩ mô nhằm cải thiện cán cân thương mại

Trong giai đoạn phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, việc nhập khẩu công nghệ hiện đại và nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu là thực sự cần thiết đối với mỗi nước.

Tuy nhiên, với tổng kim ngạch nhập siêu trong năm 2007 dự kiến đạt khoảng 10 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 20,8%, các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng đã đến lúc phải có cơ chế kiểm soát nhập siêu hiệu quả. Bộ Công Thương đang đề xuất Chính phủ 5 giải pháp điều hành hữu hiệu để giảm nhập siêu trong những năm tới, tiến tới cải thiện cán cân thương mại và nâng cao mức dự trữ ngoại tệ nhằm duy trì sự lành mạnh của các chỉ tiêu kinh tế vi mô. Theo Bộ Công Thương, trước tiên phải chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng thô. Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ, nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ, dây và cáp diện…, cần phải nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng gạo, cà phê, rau quả, cao su, hạt tiêu, nhân điều…. Theo vào đó, việc nhập khẩu bằng đẩy mạnh sản xuất trong nước, các loại nguyên liệu, các mặt hàng phụ trợ cho sản xuất tiêu dùng, sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu cũng là một biện pháp quan trọng và hữu hiệu để hạn chế nhập siêu. Cùng với tình hình nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn vừa qua, dự báo nhu cầu của nền kinh tế trong thời gian tới và khả năng sản xuất trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, các nhóm mặt hàng sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu giai đoạn 2006-2010 sẽ là dầu khí và sản phẩm hóa dầu; sản phẩm thép, sản phẩm cơ khí chế tạo và các sản phẩm phụ trợ. Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đang là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Mục tiêu phát triển công nghiệp phụ trợ là nhằm thay thế nhập khẩu, tạo thế chủ động cho sản xuất hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu. Đáng chú ý một số ngành ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ trong những năm tới là cơ khí, dệt may, da giày, điện tử-tin học, ôtô và đồ gỗ xuất khẩu. Đồng thời ngành công thương sẽ nghiên cứu xây dựng các biện pháp, rào cản kỹ thuật cần thiết áp dụng đối với các ngành, sản phẩm công nghiệp nhằm bảo vệ san rphẩm trong nước khỏi sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường trong nước nhưng vẫn phù hợp với các quy định của WTO và các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết. Một giải pháp quan trọng nữa để giảm thiểu nhập siêu được Bộ Công thương đưa ra là điều tiết tỷ giá hối đoái, lạm phát. Vai trò quản lý vĩ mô là phải điều tiết sự thay đổi tỷ giá hợp lý sao cho vừa thu hút vay vốn nước ngoài, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hướng tới xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu phục vụ cho việc tăng trưởng kinh tế mà vẫn kiểm soát được lạm phát ở mức hợp lý. Để xuất khẩu có thể tăng lên khi tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu thông qua tăng tỷ giá, nhất thiết cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ như nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất, chất lượng hanàg hóa xuất khẩu đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của bạn hàng. Giải pháp thứ 5, thời gian tới để hạn chế nhập siêu Bộ Công Thương đề xuất là chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong tiêu dùng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong nước. Theo thứ trưởng Bộ Công Thương, căn cứ theo Đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006-2010 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và theo tình hình kinh tế hiện tại, dự kiến nhập siêu hàng hóa sẽ giảm dần trong giai đoạn 2008-2010 và đến năm 2010, Việt Nam sẽ chỉ nhập siêu khoảng 7 tỷ USD. Tốc độ tăng nhập khẩu bình quân cả giai đoạn vào khoảng 22%. Như vậy bắt đầu từ năm 2009, cùng với kim ngạch xuất khẩu của nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm thì kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ giảm do lượng xăng dầu nhập khẩu giảm được bù đắp từ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước. Bên cạnh đó, nhập siêu giảm còn do xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, các mặt hàng công nghệ cao; trong đó có dự án của Tập đoàn Intel dự kiến xuất khẩu 1,5 tỷ USD/năm kể từ năm 2008. Nhập khẩu hàng hóa giảm còn do năng lực sản xuất trong nước được cải thiện cũng như tình trạng đầu cơ được khắc phục khi cơ chế chính sách ngày càng minh bạch và đảm bảo tính dự báo được.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/xuat-nhap-khau/tin-tuc/11471-5-giai-phap-dieu-hanh-vi-mo-nham-cai-thien-can-can-thuong-mai