Hội nghị G20 khai mạc ngày 7/7 tại Hamburg: 5 điều cần biết

Các lãnh đạo Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác tới Hamburg (Đức) dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 bắt đầu hôm nay thứ Sáu 7/7, diễn ra trong hai ngày. Đài BBC News giới thiệu 5 chủ đề chính liên quan đến G20 năm nay:

Tổng thống Donald Trump sẽ thăm Warsaw trước khi đến Hamburg. (Ảnh: AP)

Ra đời năm 1999, G20 tụ họp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với trên 80% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Ngoài Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, G20 còn có Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nam Phi, Saudi Arabia, Argentina và Nga.

1) G20 đủ 20 nước và còn ai khác?

Con số này mới chỉ là 19 nên G20 còn một thành viên nữa là Liên hiệp châu Âu (EU). Sau khi bị "trục xuất" khỏi G8 vì vấn đề Ukraine, G20 là diễn đàn lớn quan trọng còn lại để Nga tham gia. G20 cũng là hội nghị toàn cầu cao cấp duy nhất có một quốc gia Asean (Indonesia), và một quốc gia trong Thế giới Ả Rập (Saudi Arabia) tham gia. Nhưng với sự mở rộng ra các khu vực kinh tế khác, nên G20 không còn là "20 nền kinh tế lớn nhất thế giới nữa".

Kinh tế Hà Lan (không trong G20) hiện đã nhỉnh hơn Thổ Nhĩ Kỳ và to gấp mấy lần nền kinh tế Nam Phi. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng được mời dự G20 vì Việt Nam tuy không nằm trong G20, nhưng sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Hamburg có Cung hòa nhạc Elbphilharmonie Concert Hall nổi tiếng. (Ảnh: Philipp Guelland / Getty)

2) Biểu tình và các yêu sách

Dự kiến 100.000 người sẽ biểu tình tại thành phố cảng của Đức để chống biến đổi khí hậu, và nêu nhiều vấn đề khác. Theo cảnh sát Đức, có ít nhất 8.000 trong số người dự kiến biểu tình "chuẩn bị gây ra bạo động" và họ đã tịch thu nhiều dao, gậy tại các nơi ở Hamburg.

Đức cho biết sẽ đưa 20.000 nhân viên cảnh sát ra phố ở Hamburg trong hai ngày hội nghị. Nghị trình chính của G20 là "tăng trưởng bền vững cho châu Phi, quyền lực kinh tế của phụ nữ" và tạo việc làm cho thanh niên.

Thất nghiệp trong giới trẻ đang là vấn nạn tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ kỹ thuật số cũng là các chủ đề được bàn tới. Chủ đề di dân và người tị nạn cũng sẽ được các nước châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận.

Tuần qua, có những hôm hàng ngàn người từ Trung Đông và Bắc Phi ào vào Ý bằng thuyền, khiến EU phải lên tiếng yêu cầu mọi nước thành viên hỗ trợ cho Rome.

Giới vận động mang mặt nạ hình các nguyên thủ và thủ tướng một số nước tham gia Hội nghị G20 tại Hamburg trong tuần này. (Ảnh: Morris MacMatzen / Getty)

3) Lỗ hổng trong đầu tư giáo dục

Một trong số các nghị trình giới vận động nêu ra là làm sao để giáo dục được đầu tư nhiều hơn. Họ đề nghị tăng đầu tư vào công việc học và giảng dạy cho toàn bộ trẻ em trên thế giới chứ không phải cho một nhóm thiểu số được ưu đãi.

Kinh tế gia Pháp Thomas Picketty gần đây nói rằng tại một quốc gia phát triển như Ý, số tiền đầu tư vào giáo dục chỉ có 1% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), ít hơn sáu lần so với tiền chính phủ Ý bỏ ra để trả lãi suất cho các món nợ công. Điều này làm tiêu tan hy vọng tạo ra một thế hệ trẻ có kiến thức toàn cầu và có việc làm.

4) Trump và các vấn đề chính trị

Trước khi sang Đức dự G20, Tổng thống Donald Trump sẽ thăm Ba Lan để được đón mừng. Kevin Ponniah của BBC News viết: Tổng thống Trump chọn thăm Ba Lan vì nước này luôn đánh giá cao đồng minh Hoa Kỳ. Đến Warsaw hôm 6/7, ông Trump được đám đông do đảng cầm quyền thiên hữu (PiS) ở Ba Lan chở bằng xe buýt đến đón mừng.

Ông Trump và lãnh đạo "không ngai" của Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cũng muốn ngăn "làn sóng" của phe thiên tả, tự do chủ nghĩa, theo Kevin Poniah. "Trừ khi họ làm điều gì đó quá tệ, còn thì mọi tổng thống Hoa Kỳ đều được người Ba Lan mến mộ và chào đón" - theo giáo sư Aleks Szczerbiak, chuyên gia về chính trị Ba Lan tại ĐH Sussex, Vương quốc Anh.

Nhưng trước khi sang Ba Lan, ông Trump đã "tranh thủ" nhắn tin trên Twitter phê phán Trung Quốc về Triều Tiên. Điều này có nguy cơ làm cuộc gặp mặt với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hamburg không suôn sẻ.

Trước khi sang Đức, vào hôm thứ Ba, ông Tập đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow để đồng ý về quan điểm với Triều Tiên, nước vừa thử thành công tên lửa đạn đạo.

5) Hai nghị trình chính

Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel muốn thúc đẩy hai nghị trình chính là Biến đổi Khí hậu và Tự do Thương mại. Tuần này, ngay trước G20, EU tiến lại gần việc thông qua Hiệp định tự do thương mại với Nhật Bản và Nghị viện EU đồng ý về một thỏa thuận nâng tầm hợp tác với Cuba.

Hôm thứ Tư 5/7, hai ngày trước lễ khai mạc G20, bà Merkel đã phát biểu về hai chủ đề này. Bà nói thế giới cần hợp tác chứ không phải là sân chơi theo kiểu "được ăn cả, ngã về không".

Thủy Tiên (Theo BBC News, 7/2017)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/5-dieu-can-biet-ve-hoi-nghi-g20-o-hamburg-d59211.html